Không chỉ chú trọng vào công tác đào tạo nghề, ngay khi học viên vừa nhập học, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) đã định hướng, hỗ trợ xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với năng lực và mong muốn về việc làm sau khi ra trường.
Tạo điều kiện tối đa cho học viên
Năm học 2022 – 2023 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên II tỉnh Lạng Sơn tuyển sinh được 420 chỉ tiêu, chia thành 9 lớp. Theo như Chương trình GDPT 2018 ở GDNN-GDTX, ngoài ba môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Lịch sử, trung tâm hướng dẫn học viên chọn bốn môn tự chọn theo môn yêu cầu.
Thầy Đậu Đinh Phong, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Dựa trên yêu cầu của chương trình, chúng tôi căn cứ vào số giáo viên hiện có để định hướng cho học viên lựa chọn. Chúng tôi chia thành hai tổ hợp là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lý, Tin học, Giáo dục pháp luật và tổ hợp thứ hai gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục kinh tế, Hoá học, Sinh học.
“Đối với hệ GDNN-GDTX chúng tôi đặc biệt sát sao trong công tác tư vấn để giúp các em lựa chọn phù hợp, sát với năng lực cá nhân. Điều này vừa giúp các em có niềm hứng thú học tập vừa dễ hoàn thành yêu cầu cơ bản của chương trình.
Những học viên mong muốn giành kết quả cao để xét tuyển đại học, chúng tôi sẽ yêu cầu các thầy cô bộ môn hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các em đạt được mục tiêu. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chúng tôi đã có một thí sinh tổ hợp C00 đạt 26,75 điểm chưa cộng điểm ưu tiên”, thầy Phong phấn khởi cho biết.
Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), sau khi tuyển sinh xong, trung tâm đã tập trung học viên và phổ biến định hướng nghề nghiệp.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Thế Toàn – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hương Sơn: “Trung tâm luôn tạo điều kiện cho học viên được học tập theo nguyện vọng nhằm phát triển năng lực của bản thân cũng như nghề nghiệp trong tương lai mà các em hướng đến.
Nếu học viên nào có năng lực khá, mong muốn xét tuyển đại học sau khi tốt nghiệp, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch, bố trí giáo viên có kinh nghiệm để giảng dạy chương trình học riêng, nâng cao dần kiến thức. Từ đó, các em có nền móng vững chắc để tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học”.
Thầy Nguyễn Thế Toàn dẫn chứng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hương Sơn có 212 thí sinh tham dự, duy nhất một thí sinh không đậu tốt nghiệp, còn có tới 40% học viên đạt 20 điểm trở lên ở tổ hợp xét tuyển.
Ảnh minh họa ITN. |
Kết nối doanh nghiệp mở rộng “đầu ra”
Không chỉ chú trọng vào công tác đào tạo nghề cũng như giảng dạy kiến thức môn văn hoá, các trung tâm GDNN-GDTX cũng đặc biệt quan tâm đến đào tạo kỹ năng ngoại ngữ cho học viên nhằm giúp học viên có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp, hướng phát triển bản thân như: Xét tuyển cao đẳng, đại học, du học, xuất khẩu lao động… Đồng thời, các trung tâm còn liên kết với một số doanh nghiệp, công ty nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.
Thầy Nguyễn Thế Toàn cho biết: “Nhiều năm qua, Trung tâm GDNN-GDTX Hương Sơn đã liên kết với Tập đoàn Sông Đà, khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) và mời họ về tư vấn, chia sẻ về các vị trí việc làm để học viên theo học các ngành như điện, cơ khí có thể tham khảo nhu cầu tuyển dụng, nắm được những yêu cầu chuyên môn ở nhiều vị trí công việc khác nhau. Từ đó, các em có động lực học sâu hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm khi tốt nghiệp.
Song song với việc liên kết cùng các doanh nghiệp, chúng tôi hợp tác với trung tâm ngoại ngữ, công ty xuất khẩu lao động do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh giới thiệu để học viên có thể lựa chọn đi du học hoặc đi xuất khẩu lao động ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Hiện nay, chúng tôi có hai lớp dự kiến sẽ đi du học vào tháng 10/2023 và tháng 1/2024”.
Thầy Hà Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) cho hay, năm học 2022 – 2023 trung tâm này mở thêm hai nghề mới là Điện công nghiệp và Marketing thương mại. “Hiện chúng tôi liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh để cho sinh viên đến tham quan, thực tập để học hỏi kinh nghiệm. Chúng tôi dự kiến, khai giảng năm học 2023 – 2024 xong sẽ triển khai cho học viên trải nghiệm thực tế tại các đơn vị.
Học viên của chúng tôi chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhiều em kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống còn hạn chế, phụ huynh cũng không có đủ hiểu biết và điều kiện để hướng dẫn, định hướng cho con em. Vì vậy, Trung tâm rất chú trọng dạy các kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp để sinh viên có thể hình thành kỹ năng xử lý tình huống, khắc phục những điểm hạn chế của bản thân”.
“Đối với phân môn tổ hợp của Chương trình GDPT 2018, trở ngại lớn nhất chúng tôi phải đối mặt chính là đội ngũ giáo viên không đầy đủ. Ví dụ ở THPT chương trình học ngoại ngữ chủ yếu là một ngoại ngữ và là bắt buộc, trong khi đó ở GDNN-GDTX ngoại ngữ là môn tự chọn.
Theo đó, học viên có thể lựa chọn học tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn theo nhu cầu cá nhân. Vì vậy, chúng tôi lại phải hợp đồng giáo viên để đáp ứng được nhu cầu học của học viên. Đó cũng là một trở ngại đối với các trung tâm ở huyện miền núi như chúng tôi”, thầy Nguyễn Thế Toàn – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hương Sơn chia sẻ.
Đức Duy