Vì sao những vụ bắt cóc trẻ em để tống tiền liên tiếp xảy ra?

(VTC News) – 

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc trẻ em nhằm tống tiền, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, đây là loại tội phạm phức tạp mới nổi lên.

Bắt cóc tống tiền là tội phạm phức tạp

Đêm 2/10, lực lượng công an truy bắt thành công Nguyễn Thanh Sơn (SN 1989, Thủ Thừa, Long An) và giải cứu an toàn bé gái 3 tuổi bị Sơn bắt cóc đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng.

Trước đó, bé gái gần 2 tuổi ở huyện Gia Lâm, Hà Nội bị Giáp Thị Huyền Trang (quê Bắc Giang) bắt cóc, đòi tiền chuộc 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trang đã mang cháu bé sang địa bàn tỉnh Hưng Yên để sát hại sau đó tự sát.

Cách đó không lâu, bé trai 7 tuổi ở quận Long Biên (Hà Nội) bị Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, quê Vĩnh Phúc, cán bộ công an tỉnh này) bắt cóc, đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng gây xôn xao dư luận.

Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an.

Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an.

Tại họp báo thông tin về tình hình, kết quả các mặt công tác công an quý III năm 2023 của Bộ Công an, Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cho biết, trong quý III, 3 loại tội phạm phức tạp nổi lên, đó là: Tội phạm cướp tài sản, nhất là cướp tài sản tại các ngân hàng, hầu hết các vụ án này đều đã được lực lượng Công an trong cả nước tập trung làm rõ; tội phạm chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản thông qua các hành vi phạm tội như đòi nợ, bắt cóc tống tiền và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lợi dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản.

Nguy cơ mất an toàn với trẻ em luôn hiện hữu

Nêu quan điểm về các vụ bắt cóc xảy ra gần đây, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam khẳng định, bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật, rất đáng trách, đáng lên án và cần phải xử lý bằng chế tài nghiêm minh của pháp luật.

Các đối tượng bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản nhận thức rất rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ cho thấy ý thức coi thường pháp luật và tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Vì nhiều lý do khác nhau mà hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn ra nhiều hơn trong xã hội, điều này cho thấy nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em luôn hiện hữu, đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em có thể bất kỳ ai, kể cả người đó có là người được đào tạo phải được giáo dục để bảo vệ trẻ em, có trách nhiệm bảo vệ cộng đồng. Nhưng chỉ vì nợ nần mà các đối tượng sẵn sàng bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường.

Ông Cường phân tích, với những người khó khăn, túng quẫn mà thiếu đạo đức thì tính ích kỷ trong con người sẽ trỗi dậy. Để giải quyết khó khăn của bản thân mà đối tượng sẵn sàng xem nhẹ luân thường đạo lý, coi thường pháp luật để thực hiện hành vi trộm cắp, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc có các hành vi khác xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của bản thân.

Bởi vậy, lý do những kẻ bắt cóc tống tiền đưa ra do nợ nần, túng quẫn mà làm liều là không thuyết phục, không phải là lời bào chữa có thể được ghi nhận.

“Mặc dù những kẻ thực hiện hành vi này đều bị bắt, bị phát hiện xử lý nhanh chóng nhưng những vụ việc bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản có lẽ vẫn không dừng lại…”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cảnh báo.

Những kẻ thực hiện hành vi phạm tội là những người được nuông chiều, sinh ra từ vạch đích, muốn gì được đó, không phải đối mặt với khó khăn, vất vả, quen được mọi người xung quanh phục vụ, đến khi gặp khó khăn thì không đủ tỉnh táo minh mẫn để lựa chọn cho mình cách xử lý phù hợp, thêm vào đó là tính ích kỷ cá nhân, thiếu đạo đức nên đã thực hiện hành vi phạm tội.

Có người thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, thiếu ý thức chấp hành pháp luật nên khi gặp khó khăn, túng quẫn thì tính ích kỷ được “khuếch đại”, đối tượng sẵn sàng làm liều để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.

Ngoài ra những yếu tố tác động của xã hội như cờ bạc, những hoạt động lừa đảo trên mạng internet cũng đẩy nhiều người vào tình cảnh khó khăn túng quẫn, bế tắc, nếu người đó không có bản lĩnh, thiếu đạo đức, ý thức coi thường pháp luật thì có thể làm liều, làm mọi cách để có tiền, giải quyết khó khăn trước mắt.

Nhiều người bị nợ nần, bị dọa là thúc ép đòi nợ mà không tỉnh táo, suy nghĩ không thấu đáo, thiếu bản lĩnh thì có thể lựa chọn cái chết để thoát nợ. Đối tượng khác ích kỷ, liều lĩnh thì lại lựa chọn cách thức vi phạm pháp luật để chiếm đoạt tài sản của người khác nhằm giải quyết khó khăn cho bản thân.

Giáp Thị Huyền Trang bắt cóc bé gái ở huyện Gia Lâm, Hà Nội rồi sát hại nạn nhân.

Giáp Thị Huyền Trang bắt cóc bé gái ở huyện Gia Lâm, Hà Nội rồi sát hại nạn nhân.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội danh có cấu thành hình thức, hành vi phạm tội hoàn thành kể từ thời điểm đối tượng bắt giữ cháu bé và yêu cầu gia đình đưa tiền chuộc, không phụ thuộc vào việc đối tượng có lấy được tiền hay không, lấy được bao nhiêu tiền và có trả lại cháu bé cho gia đình hay không.

Hành vi phạm tội là hành vi bắt cóc người này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, người bị bắt cóc thường là những người yếu thế như trẻ em, phụ nữ, người già hoặc những người không có khả năng tự vệ.

Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản không chỉ xâm phạm trái pháp luật trắng trợn đối với quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân mà còn đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con tin.

Không ít trường hợp sau khi thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đối tượng thực hiện hành vi tàn nhẫn là “giết người diệt khẩu”, giết con tin rồi trốn thoát hoặc giết con tin rồi tự tử như vụ án vừa xảy ra ở huyện Gia Lâm.

Vụ án bắt cóc bé gái ở Long An, đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng có một số tình tiết đáng chú ý so với các vụ án khác là đối tượng thực hiện hành vi là người thân quen của gia đình, đối tượng không ngụy trang để che giấu thân phận, hành vi phạm tội cũng rất đơn giản chứ không tinh vi, xảo quyệt như kẻ bắt cóc có lý lịch là công an ở Vĩnh Phúc.

Kẻ bắt cóc trong vụ án ở Long An có nét tương đồng đối với vụ án xảy ra tại huyện Gia Lâm, nghi phạm đón nạn nhân từ trường về rồi đưa đi, bắt giữ cháu bé nhằm đòi tiền chuộc.

Trong hai vụ án trên, nghi phạm đều có ý định tự tử, đây là tình tiết rất đáng chú ý, cho thấy ý thức coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng của bản thân và coi thường tính mạng, tài sản của người khác.

Theo quy định của pháp luật, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản chỉ có hình phạt cao nhất là tù chung thân, những kẻ thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đều biết hậu quả pháp lý mà mình phải đối mặt khi sự việc bị bại lộ, bị bắt giữ.

Tuy nhiên, nhiều kẻ khi thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản đã nghĩ đến cái chết, sau khi chiếm đoạt được tài sản trả xong nợ thì có thể tự tử để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật hoặc nếu sự việc không thành có thể tự tử để trốn tránh trách nhiệm.

“Đây là suy nghĩ rất nguy hiểm, thể hiện sự bồng bột, nông nổi, thể hiện con người thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thiếu bản lĩnh và ý thức coi thường pháp luật. Chỉ vì khó khăn trước mắt của bản thân, chỉ vì nhu cầu vật chất của bản thân mà sẵn sàng từ bỏ quyền sống của mình và tước bỏ tính mạng của người khác”, ông Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Qua những vụ việc vừa xảy ra cho thấy vấn đề cần nâng cao cảnh giác của phụ huynh, cơ sở giáo dục trong việc giao con mình cho người khác đưa đón, quản lý, đặc biệt là những người có lối sống thiếu lành mạnh, đang lâm vào tình trạng nợ nần túng quẫn hoặc có biểu hiện tâm lý bất ổn.

Để giảm thiểu những vụ án bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản, theo Tiến sĩ Đằng Văn Cường, cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ rất nhiều các giải pháp trong đó có giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về pháp luật, giải pháp về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giải pháp về phát hiện đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

“Về lâu dài cần tăng cường các giải pháp về giáo dục, đảm bảo tính hiệu quả trong công tác giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, loại bỏ các nguyên nhân điều kiện phạm tội trong đó có hành vi đánh bạc trái phép, đòi nợ thuê thúc ép, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi phạm tội”, ông Cường nhấn mạnh.

MINH TUỆ