Sáng 21/9, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức lễ khai giảng năm học 2023-2024 tại Khu đô thị Đại học Quốc gia (TP Thủ Đức, TPHCM).
Dự lễ khai giảng có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực; ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các trường đại học cùng hơn 4.000 tân sinh viên nhà trường.
Tạo đột phá về chất lượng và đào tạo
Phát biểu tại lễ khai giảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương và đánh giá cao những thành tựu, đóng góp của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM trong chặng đường 67 năm hình thành, phát triển.
Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, có nhiều đóng góp nổi bật trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Nhà trường đã đào tạo cho đất nước nhiều nhà giáo, nhà khoa học, chính trị gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, doanh nhân xuất sắc. Trong đó, nhiều thế hệ cựu sinh viên của trường đã và đang đảm nhiệm những cương vị, trọng trách rất quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, với nhiều thành tích nổi bật trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Trường đã hoàn thành 100% chỉ tiêu chiến lược quản trị đại học và chiến lược phát triển khoa học công nghệ phục vụ cộng đồng; hoàn thành 67% chỉ tiêu chiến lược công tác người học, văn hóa đại học và chiến lược cơ sở vật chất tài chính.
Hơn 4.000 sinh viên tham dự lễ khai giảng của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Ảnh: Mạnh Tùng |
Để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị nhà trường một số nội dung trọng tâm:
Thứ nhất, nhà trường cần nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tạo đột phá về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học để tiếp tục dẫn đầu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, tư duy khởi nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cần đẩy mạnh tự chủ, coi tự chủ đại học là giải pháp đột phá để phát triển. Có chính sách đủ mạnh để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Đổi mới quản trị Nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.
Nhà trường cũng cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, sớm thí điểm đại học số, tạo ra những giá trị mới.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo của các ngành học nhà trường có thế mạnh.
Nghiên cứu, sáng tạo, truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, của đất nước trong từng giai đoạn, cập nhập và phù hợp với xu hướng phát triển chung về khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới.
Trong nhiệm vụ này, cần đặc biệt coi trọng giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống, giáo dục nhân cách và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ; gắn kết mật thiết giữa đào tạo với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam.
Thứ ba, nhà trường cần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ động hợp tác quốc tế, hội nhập với các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực và quốc tế.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cần tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề lớn, mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tập trung vào nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới đất nước và dự báo xu hướng phát triển; làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phục vụ xây dựng đường lối, chính sách phát triển và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới.
Thứ tư, nhà trường cần đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại, năng động, sáng tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Đây là yếu tố then chốt, là nguồn lực quan trọng nhất quyết định cho sự thành công của nhà trường.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ sự vui mừng khi biết, hơn 50% cán bộ, giảng viên của trường được đào tạo bài bản tại các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Trong đó, phần lớn thầy cô có học hàm, học vị là Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ.
Từ phải sang trái: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự lễ khai giảng của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Ảnh: Mạnh Tùng |
Sinh viên dấn thân với nhiệt huyết của tuổi trẻ
Tại lễ khai giảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa đến các tân sinh viên.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa khuyên sinh viên chủ động học tập, nghiên cứu, tận dụng cơ hội, trong sự đồng hành của bạn bè, với sự giúp đỡ của thầy cô và nhà trường.
“Ở đại học, nhiệm vụ hàng đầu của sinh viên là học tập và nghiên cứu. Việc học ở đại học không dừng lại ở những bài giảng, mà quan trọng hơn là sự tự chủ, tự tin, tính tích cực của các em trong tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Các em cần ý thức sâu sắc rằng, tự học và nghiên cứu là bản chất việc học ở đại học”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Sinh viên tham dự lễ khai giảng của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Ảnh: Mạnh Tùng |
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, sinh viên là tương lai của đất nước. Do đó, sinh viên cần là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm để các em học sinh noi theo.
“Hãy dấn thân với nhiệt huyết của tuổi trẻ; hãy sống có lí tưởng, có hoài bão và khát vọng cống hiến để hoàn thiện bản thân, để ‘vì ngày mai lập nghiệp’, để cảm nhận đầy đủ những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời sinh viên”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhắn nhủ.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai giảng năm học mới. Ảnh: Mạnh Tùng |
Tại lễ khai giảng, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ mong muốn, những tân sinh viên – đại diện cho thế hệ Gen Z , với sự thông minh, tự tin và năng động sẽ dùng sức trẻ và những lợi thế của thời đại mình.
“Các em hãy không ngừng phấn đấu để đóng góp và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Nhân Văn, đó là sáng tạo, dẫn dắt và trách nhiệm”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nói.