Trị bệnh “ngáo quyền lực” của TikToker
TikToker làm loạn quán ăn, nhà hàng – phô trương “quyền lực ảo”
Thời gian gần đây, TikToker Võ Hà Linh là cái tên được nhắc đến khắp các nền tảng mạng xã hội. Nổi tiếng với các video review mỹ phẩm, đồ ăn, cô sở hữu 3,7 triệu lượt theo dõi trên nền tảng TikTok. Đặc biệt, Hà Linh có rất nhiều clip review thu hút hàng triệu lượt xem nhờ vào việc nhận xét, chê bai các nhà hàng, quán ăn uống.
Nhiều người cho rằng, đánh giá của Hà Linh quá phiến diện và TikToker này cũng không có đủ hiểu biết về những món ăn, hàng quán mà mình đến review. Chẳng hạn khi ăn thử món súp hải sản, cô liên tục khuấy rồi chê loãng, bịt mũi chê gỏi ba khía tanh, nói món rau xào mỡ hay món rau nhút quá chua..
Trước làn sóng chỉ trích, Hà Linh đã chính thức xin lỗi, tuyên bố dừng review hàng quán. “Việc review quán ăn là hoàn toàn sai, vì ngon hay dở là tùy vào khẩu vị của mỗi người, mỗi vùng miền. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hàng quán” – cô thừa nhận.
Đây không phải lần đầu tiên TikToker gây tranh cãi khi trải nghiệm và đánh giá chất lượng quán ăn, nhà hàng. Cộng đồng mạng từng chứng kiến những màn đối đầu gay gắt giữa hàng quán với các TikToker tự gắn mác “Chiến thần review”, “Thánh ăn”, “Reviewer xéo xắt” dùng việc nói xấu, bóc phốt hàng quán nhằm thu hút sự chú ý.
Đáng nói hơn, nhiều hành vi cho thấy các Tiktoker cố tình review “bôi bẩn” để tấn công vào uy tín, thương hiệu của các đơn vị kinh doanh ẩm thực. Thậm chí, có những nơi đã treo ảnh “cấm cửa”, miễn phục vụ khi những người này đặt chân đến quán.
Nờ Ô Nô từng là “cơn ác mộng” từ hàng quán cho đến người xem trước khi bị khóa kênh do miệt thị người nghèo. Người này có cách đánh giá ẩm thực sử dụng những lời lẽ, hành vi thô tục, thậm chí phản cảm.
TikToker “Cô gái có râu” từng gây xôn xao khi đưa ra những nhận xét tiêu cực về một quán chè C.H. Sau đó, hai bên liên tục đấu tố qua lại và đẩy sự việc căng thẳng trong một thời gian dài.
Ngoài những TikToker chuyên rievew quán ăn, nhà hàng, mỹ phẩm… thời gian qua, cộng đồng mạng được phen xôn xao khi xuất hiện nhiều thánh chửi, những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng này ăn vận dị hợm chen vào các sự kiện nghệ thuật nhằm gây sự chú ý, thu hút thêm lượt theo dõi.
Sau khi có lượt theo dõi cao, các TikToker này sẽ kinh doanh, bán hàng online để thu lợi nhuận và nhận booking quảng cáo.
Bệnh “ngáo quyền lực” của TikToker – trị kiểu gì?
Theo tiến sĩ Văn hóa Hoàng Long, thực trạng các TikToker gắn mác chuyên gia đang xuất hiện ồ ạt và khiến người xem khó phân biệt được giữa thông tin khách quan và “cái bẫy” do Tiktoker đặt ra. Hiện nay, có nhiều nhà sáng tạo nhanh chóng đổi đời, sở hữu lượt theo dõi “khủng” trên mạng xã hội. Lẽ ra, đây phải là “kim chỉ nam” hướng họ về giá trị tích cực, góp phần xây dựng con người, xã hội văn minh thì với một số cá nhân, điều này đã bị xem nhẹ, dẫn đến những nội dung độc hại, nhảm nhí, thiếu chuẩn mực cứ tiếp tục ra đời.
Họ bỏ qua việc tìm hiểu kiến thức, sẵn sàng đánh giá dựa trên cảm xúc cá nhân, mưu toan bóc phốt, dìm hàng, hạ bệ người khác bằng sự nổi tiếng của mình. Đó cũng là biểu hiện của thói “ảo tưởng quyền lực” trên mạng xã hội. Thậm chí, không ít người còn đang lạm dụng quyền “tự do ngôn luận” trên không gian mạng để đưa ra những phán xét vô căn cứ, phô trương “quyền lực ảo” để thỏa mãn khao khát nổi tiếng của mình.
Tuy nhiên, thời gian qua, sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, người dùng đã thực sự phát huy tác dụng. Tiktoker Hà Linh sau khi xin lỗi cũng phải đón nhận làn sóng chỉ trích từ không gian mạng, thậm chí cô còn bị lập group anti-fan với hơn 100.000 thành viên. Nờ Ô Nô bị người dùng tẩy chay trên mọi nền tảng…
“Nhiều nhà sáng tạo đang đi chệch hướng, làm những nội dung bẩn, câu view. Sở dĩ có sự việc này cũng đến từ nhu cầu nghe, nhìn của khán giả và còn nhiều thương hiệu thuê quảng cáo. Vậy nên, nếu người dùng mạng xã hội, các cửa hàng tẩy chay, bài trừ nội dung bẩn thì những TikToker bị ảo tưởng quyền lực cũng khó tồn tại” – tiến sĩ Hoàng Long nói.
Thông tin về những vi phạm của Tiktok tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do nêu rõ:
Thứ nhất, Tiktok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.
Thứ hai là sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
Thứ ba là không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái…
Thứ tư là không quản lý hoạt động của các idol Tiktok, nhiều idol Tiktok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.
Thứ năm là không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là các nội dung trích từ phim.
Thứ sáu là Tiktok cũng không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.
/laodong