Trang phục của người Việt qua 1.000 năm thay đổi thế nào?
Cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” là một nghiên cứu công phu, đầy tham vọng của tác giả Trần Quang Đức bằng cách dựng lại bức tranh trang phục cung đình và ngoài dân gian trong khoảng 1.000 năm từ đời Lý đến đời Nguyễn (1009 – 1945).
Để hoàn thành “Ngàn năm áo mũ”, tác giả đã xem xét 230 cuốn sách tư liệu Hán – Nôm.
Theo tác giả Trần Quang Đức, trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. “Ngàn năm áo mũ” lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Trong đó, tác giả mô tả chi tiết, tỉ mỉ nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục Cổn Miện uy nghi của các vị Hoàng đế, các bộ triều phục, thường phục lương quan, Củng thần, Ô sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của Hoàng hậu…
Coi thể chế và văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo chính thống, chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã chủ động mô phỏng chế độ của Trung Quốc để có được sự uy nghiêm, chuẩn mực tương tự.
Tuy nhiên, theo quy luật sáng tạo văn hóa, trang phục cung đình Việt Nam ở nhiều thời kỳ đã có những nét cách tân độc đáo so với trang phục cung đình Trung Quốc, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt.
Ngược lại, trang phục dân gian không biến động nhiều, phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử.
Sự kiện Vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” có thể coi là một biến cố lớn lao, để rồi chiếc áo dài năm thân đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.
Năm 2010, các bộ phim đề tài lịch sử như: “Đường tới thành Thăng Long”, “Trần Thủ Độ”, “Huyền sử Thiên đô”… liên tiếp được công chiếu. Lúc này, trang phục cung đình được phục dựng trong các bộ phim này gây nhiều tranh cãi.
Nhiều người cho rằng, trang phục của vua chúa đơn điệu, có nét tương đồng với các phim cổ trang của Trung Quốc.
Những tranh luận xoay quanh vấn đề này thôi thúc Trần Quang Đức quyết tâm tìm hiểu và làm sáng tỏ những nét tương đồng lẫn khác biệt giữa áo mão triều đình Việt Nam so với trang phục các triều đại Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trần Quang Đức chia sẻ: “Khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu là phần tổng hợp tài liệu, chủ yếu là tìm và dịch thật chính xác những tập Hán văn cổ đồng thời phải so sánh, đối chiếu các văn bản các nước cùng thời để nâng cao tính chính xác của tài liệu”.
Sự ra đời của “Ngàn năm áo mũ” là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài.
Cuốn sách còn là sự nghiên cứu bài bản, công phu về lịch sử trang phục của người Việt, “Ngàn năm áo mũ” hẳn không chỉ cần thiết để làm sáng rõ những vấn đề tranh cãi lâu nay, mà còn có thể mở ra những góc nhìn mới về lịch sử, văn hóa Việt Nam qua từng thời đoạn.