Tín hiệu tích cực triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới

GD&TĐ – Năm học 2022 – 2023 là năm thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới ở cấp tiểu học.
Tiết học tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Lào Cai).

Tiết học tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Lào Cai).

Từ thực tế ghi nhận những tín hiệu tích cực bên cạnh khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ và những kinh nghiệm được các nhà trường rút ra khi triển khai giai đoạn kế tiếp.

Thầy trò chủ động với dạy và học

Sau ba năm triển khai CT GDPT 2018, thầy Nguyễn Tiến Công, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai), đánh giá quá trình đổi mới đầy tích cực.

Theo thầy Công, khi bắt đầu triển khai chương trình mới, đội ngũ giáo viên dù được lựa chọn kĩ càng, trải qua tập huấn, bồi dưỡng nhưng không tránh khỏi lúng túng. Song, bước sang năm thứ 3 hầu hết các thầy cô tự tin, chủ động với chuyên môn; bắt nhịp với giảng dạy chương trình mới ngay đầu năm học.

“Sách giáo khoa mới được thiết kế theo hướng mở nên thầy cô tích cực nghiên cứu để tăng thêm hiểu biết về nội dung, yêu cầu cần đạt; ứng dụng nhiều phương pháp dạy học đổi mới, sáng tạo, đảm bảo việc dạy học phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Khi thực hiện chương trình mới ở lớp 3, giáo viên đã làm quen với đổi mới từ lớp 1, lớp 2 nên tiếp cận giảng dạy nhanh, không lúng túng. Về phía học sinh cũng tự giác, mạnh dạn tham gia nghiên cứu bài học và làm việc nhóm trong từng tiết học…”, thầy Công cho biết.

Thầy Công chia sẻ, dù trường vùng cao, còn nhiều khó khăn nhưng 2 môn học bắt buộc ở lớp 3 là Tiếng Anh và Tin học không gặp trở ngại. Lý do bởi nhà trường đã triển khai dạy 2 môn học này nhiều năm trước. Đặc biệt, với môn Tiếng Anh, học sinh được học từ lớp 1, lớp 2.

Tuy vậy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố vẫn lo lắng việc bố trí giáo viên dạy môn Công nghệ bởi thời gian tập huấn còn ít, chất lượng chưa cao. “Để đảm bảo số và chất lượng giáo viên cho môn Công nghệ, Sở GD&ĐT Lào Cai để các trường rà soát, cử giáo viên giàu kinh nghiệm tham gia bồi dưỡng, tập huấn. Qua đó, thầy cô sẽ cơ bản nắm được yêu cầu của chương trình”, thầy Công cho hay đây là giải pháp để trường tiếp tục nâng chất giáo viên dạy môn học này.

Cũng đánh giá tích cực về quá trình triển khai CT GDPT mới với lớp 3 và sau 3 năm thực hiện ở cấp tiểu học, thầy Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tiên Lữ, Hưng Yên), nhìn nhận chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh lớp 1, 2, 3 đã chuyển biến rõ nét.

Giáo viên nhận thức đúng đắn, có động lực thực hiện yêu cầu đổi mới, thực hiện dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Việc giáo viên định hướng thay vì truyền thụ kiến thức giúp học sinh mạnh dạn, tự tin, chủ động hơn trong học tập. Bước sang năm thứ 3, các em có khả năng tự học, giải quyết vấn đề, biết trao đổi, hợp tác hoạt động giáo dục với bạn bè, giáo viên. Phụ huynh yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào đổi mới chương trình.

Tuy nhiên, thầy Hà cho biết, khi triển khai CT GDPT mới với lớp 3, khó khăn nhất nằm ở việc chuẩn bị giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học. Để tháo gỡ, những năm trước, nhà trường đã bố trí ổn định giáo viên dạy các môn mới, trong đó có 2 giáo viên Tiếng Anh và 1 giáo viên Tin học. Ngoài ra, giáo viên Tin học đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng nên đảm bảo đúng chuyên ngành triển khai Tin học và Công nghệ theo chương trình mới.

Từ thực tế vùng khó, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà (Tu Mơ Rông, Kon Tum), cho biết khó khăn lớn nhất khi triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới là thiếu giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Mặt khác, học sinh đa phần người dân tộc, hộ nghèo, sự quan tâm đến việc học tập của trẻ hạn chế. Điều này khiến nhiều học sinh khó khăn khi tiếp cận kiến thức, còn tình trạng bỏ học.

Song để tháo gỡ khó khăn khi bước vào triển khai chương trình mới, Trường Tiểu học xã Đăk Hà đã xây dựng tủ sách dùng chung, kêu gọi mạnh thường quân quyên góp sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh. Ban giám hiệu cùng thầy cô tích cực đến nhà vận động phụ huynh cho học sinh ra lớp; lãnh đạo nhà trường tham gia đứng lớp khi thiếu giáo viên…

Tín hiệu tích cực triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới  ảnh 1
Học sinh Trường Tiểu học Hưng Đạo, tỉnh Hưng Yên.

Mở “nút thắt” cho chặng đường mới

Sau 3 năm triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới cấp tiểu học, các nhà trường, thầy cô đã cơ bản đi vào quy lát; nhiều bài học, kinh nghiệm được nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên rút ra để triển khai tốt hơn giai đoạn tới.

Thầy Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Đạo, cho hay trường đã xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giai đoạn 2021 – 2025 và thực hiện bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, liên tục. Ngoài cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn của Bộ, sở/phòng GD&ĐT, nhà trường còn tổ chức bồi dưỡng giáo viên thông qua chuyên đề, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học sinh theo quy định…

Từ góc độ quản lý, bà Đào Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Giang (Hưng Yên), cho biết để triển khai CT GDPT mới thuận lợi ngành Giáo dục xác định đội ngũ giáo viên đóng vai trò căn cốt. Do đó, ngành tập trung bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực giáo viên thực hiện chương trình mới. Thời gian qua, Phòng đã bồi dưỡng theo hình thức: Giáo viên với giáo viên, nhà trường với nhà trường, sinh hoạt chuyên môn, cụm trường, cộng đồng học tập qua Internet…

Phòng còn tổ chức dự giờ tiết dạy giáo viên cốt cán cho giáo viên trên địa bàn huyện để tham khảo phương pháp dạy học đổi mới sáng tạo, trao đổi và rút kinh nghiệm cho cá nhân, nhà trường. Cùng đó, quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý để giảm khối lượng công việc cho giáo viên có thời gian quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.

Thầy Nguyễn Tiến Công – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố – cũng chia sẻ, để thực hiện CT GDPT mới hiệu quả, về phía ban giám hiệu đã lên kế hoạch, tham mưu cấp trên tăng cường đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Điều này góp phần tạo thuận lợi, nền tảng trong dạy học, việc triển khai đi vào quy lát, nền nếp từ đầu năm học.

“Để triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới tốt nhất, nhà trường yêu cầu giáo viên tham gia tích cực, hiệu quả các buổi tập huấn, bồi dưỡng của Bộ, ngành. Mặt khác trường tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng theo chuyên đề; kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc cho thầy cô khi triển khai. Quan tâm chất lượng đội ngũ nhà giáo từ việc đảm bảo đủ số lượng cho từng môn học…”, thầy Nguyễn Tiến Công cho biết.

Phạm Khánh