Thấy gì từ số lợi nhuận “khủng” của doanh nghiệp bán bảo hiểm xe máy bắt buộc?
Nếu chia bình quân cho 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang bán bảo hiểm bắt buộc xe máy, thì doanh thu mảng này của mỗi công ty bảo hiểm vào khoảng 26,3 tỷ đồng/năm.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỷ đồng trong khi số tiền đã bồi thường là 45 tỷ đồng, tương đương 6% doanh thu.
Trao đổi với báo chí về nội dung liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong 10 năm, giai đoạn 2008-2017, ngành Bảo hiểm giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ. Trong đó đã bồi thường 101.214 vụ tai nạn xe máy với trung bình 5 triệu đồng/vụ.
Đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tỷ lệ xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% trong tổng số gần 60 triệu xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ tham gia bảo hiểm với xe ô tô lên đến 90% (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).
Từ số liệu này, tôi thấy loại bảo hiểm này đã không phát huy được tác dụng, kỳ vọng của nó như lý do ban hành, quy định bắt buộc của chủ xe cơ giới.
Về bản chất của bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới là nhân văn bởi loại bảo hiểm này chủ phương tiện xe cơ giới bắt buộc phải nộp vì quyền lợi của bên thứ ba, ở đây là người bị tai nạn giao thông.
Loại bảo hiểm này hướng đến quyền lợi của người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông, họ được bồi thường kịp thời, đầy đủ, giảm bớt đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra đồng thời giảm trách nhiệm của chủ xe cơ giới đối với vụ tai nạn.
Thế nhưng, số tiền mà người tham gia bảo hiểm đã đóng góp và số quyền lợi mà người được hưởng là nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông lại chênh lệch đến mức giật mình, chỉ khoảng 6% số tiền thu được.
Như vậy, với 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thì doanh thu mảng này của mỗi công ty bảo hiểm vào khoảng 26,3 tỷ đồng/năm, riêng đối với loại bảo hiểm bắt buộc là một nghịch lý.
Đành rằng, lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm không phải lúc nào cũng cùng chiều với nhau. Nhiều người mua bảo hiểm thì quá tốt, nhưng quá nhiều người được bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm cũng lao đao.
Chưa kể doanh nghiệp bảo hiểm còn lo nạn trục lợi bảo hiểm. Nhưng thủ tục đòi bồi thường gắt quá, không khéo nạn nhân bỏ cuộc không đòi bồi thường.
Theo quy định hiện hành, người mua bảo hiểm cơ bản phải tự thu thập các tài liệu, từ làm việc với công an tới chứng minh thiệt hại, rồi xác nhận rất nhiều loại giấy tờ khác…
Trong khi doanh nghiệp bảo hiểm, với đội ngũ nhân viên, đại lý chuyên nghiệp, lại chỉ có trách nhiệm “phối hợp” để thu thập các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn giao thông để lập hồ sơ bồi thường.
“Phối hợp” thế nào? Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đẩy trách nhiệm cho người mua tự làm. Điều này cũng dễ hiểu. Về nguyên lý, quá trình thu thập tài liệu làm hồ sơ bồi thường càng khó khăn, càng nhiều người nản, buông trôi, doanh nghiệp càng có lợi.
Tại sao bắt những người vừa bị tai nạn, hoặc gia đình họ phải gánh trên vai trách nhiệm đi thu thập hồ sơ chỉ trong 5 ngày kể từ khi bị tai nạn, chỉ trừ trường hợp bất khả kháng, trong khi biết bao nhiêu thứ cần phải giải quyết sau tai nạn.
Còn nhân viên công ty bảo hiểm am hiểu nghiệp vụ, nhiều kinh nghiệm lẽ ra phải có trách nhiệm đi thu thập hồ sơ, ít nhất là các loại giấy tờ liên quan cơ quan chức năng, lại được ưu ái ít “đụng chân đụng tay”. Đây có thể là sự ưu ái cho doanh nghiệp bảo hiểm, đẩy khó cho người mua bảo hiểm.
Có một nguyên nhân nữa là có những vụ tai nạn giao thông hậu quả thiệt hại về người mức bồi thường ít nhất phải vài trăm triệu đồng. Có những vụ lên đến cả tỷ đồng nếu điều trị dài ngày. Trong khi đó loại bảo hiểm này quy định mức bồi thường tối đa trong trường hợp này chỉ có 100 triệu đồng.
Như vậy, người gây tai nạn vẫn phải tiếp tục bồi thường cho gia đình nạn nhân có khi hàng trăm triệu nữa. Đây là lý do khiến cả phần lớn người tham gia giao thông cũng như chủ phương tiện không thiết tha gì với loại bảo hiểm này.
Từ những vấn đề này tôi thấy cần phải điều chỉnh lại, đặc biệt là phần nghĩa vụ chứng minh để được bồi thường của người dân.
Khi nạn nhân được nhận bồi thường đúng quy định, kịp thời, không phải “lên bờ xuống ruộng” với rừng thủ tục và mức bồi thường phù hợp, họ sẽ thấy lưới đỡ bảo hiểm rất cần cho mình và người thân.
Khi đó, chắc chắn doanh nghiệp bảo hiểm cũng có đất làm ăn.
Vậy theo các bạn, các cơ quan chức năng cần phải làm gì để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới phát huy được ý nghĩa của nó?