Sức mạnh U22 Thái Lan và các đối thủ của U22 Việt Nam tại SEA Games 32
U22 Việt Nam ở một bảng đấu không dễ chịu tại SEA Games 32 khi các đối thủ như U22 Malaysia, U22 Thái Lan sẽ cạnh tranh trực tiếp vé vào bán kết, trong khi U22 Lào và U22 Singapore cũng hứa hẹn là vật ngáng đường khó chịu.
Sau 4 năm kể từ năm 2019, U22 Việt Nam mới có dịp tái ngộ U22 Thái Lan ở vòng đấu bảng của một kỳ SEA Games.
Còn nhớ trên đất Philippines, U22 Việt Nam được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Park Hang-seo đã suýt chút nữa bị Thái Lan loại ngay từ vòng đấu bảng.
Khi đó, 2 sai lầm liên tiếp của thủ môn Văn Toản đã khiến đội nhà bị dẫn trước 0-2. Nếu như không có cú đúp của Tiến Linh, U22 Việt Nam mới là đội phải rời khỏi SEA Games 30 chứ không phải “Voi chiến”.
Năm 2017, cũng ở bảng đấu có U22 Thái Lan, U22 Việt Nam được dẫn dắt bởi người tiền nhiệm Nguyễn Hữu Thắng lại không may mắn như vậy.
Sai lầm của thủ môn Phí Minh Long cùng sự vô duyên của Công Phượng, Tuấn Tài đã khiến lứa cầu thủ này thất bại thảm hại 0-3 trước người Thái và bị loại ngay từ vòng bảng. Sau đó, huấn luyện viên Hữu Thắng cũng từ chức.
Năm nay, U22 Việt Nam lại cùng bảng với U22 Thái Lan. Xét về sức mạnh, đội bóng xứ chùa Vàng nhỉnh hơn so với đoàn quân của huấn luyện viên Philippe Troussier.
Dù không có quỹ thời gian chuẩn bị lý tưởng, song huấn luyện viên Issara Sritaro lại có lực lượng rất mạnh. Có thể kể đến như Jonathan Khemdee, Teerasak Poeiphimai, Irfan Doloh – ba gương mặt chơi rất ấn tượng ở giải U23 Doha Cup 2023 tại Qatar.
Bên cạnh đó, danh sách của “Voi chiến” còn có Chayapipat Supunpasuch (đang chơi cho câu lạc bộ Praiense – Bồ Đào Nha), Purachet Thodsanit, Settasit Suvannaseat, Channarong Promsrikaew, Thirapak Prueangna, Anan Yodsangwal và ngôi sao người Anh gốc Thái Lan là Leon James. Đây có thể xem là lực lượng mạnh nhất tại SEA Games lần này.
Đối thủ cạnh tranh vé vào bán kết với U22 Việt Nam còn có U22 Malaysia. Tuy không có sự phục vụ của Luqman Hakim và Afif Hanapi nhưng đội bóng này vẫn còn các gương mặt được thi đấu thường xuyên ở giải quốc nội.
Nổi bật trong số này có Azam Azmi – cầu thủ từng khoác áo đội tuyển Malaysia đối đầu Việt Nam ở vòng bảng AFF Cup 2022 hay Fergus Tierney – cầu thủ mang hai dòng máu Malaysia và Scotland cũng là cái tên đáng chú ý khác của U22 Malaysia.
Tiền vệ trẻ này từng được đào tạo ở các học viện bóng đá châu Âu, châu Á đồng thời sở hữu nhãn quan chiến thuật tốt, lối thi đấu hiện tại.
Hai đội bóng còn lại cùng bảng với U22 Việt Nam là U22 Lào và U22 Singapore. U22 Lào là thử thách đầu tiên với thầy trò huấn luyện viên Philippe Troussier.
Đội bóng xứ sở triệu voi chưa từng thắng được U22 Việt Nam trong khuôn khổ SEA Games. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng các học trò của ông Troussier được phép chủ quan trước đối thủ này, nhất là khi U22 Việt Nam vừa trải qua chuỗi 5 trận toàn thua trước khi Đại hội khởi tranh.
Lực lượng của U22 Lào “đáng gờm” hơn so với chính họ của những kỳ SEA Games trước. Trong đó, U22 Lào có hậu vệ Theo Klein – người đang chơi cho Omaha Mavericks (Mỹ) hay tiền vệ Roman Angot đang đầu quân cho Bahlinger (Đức). Ngoài ra, trong tay huấn luyện viên Michael Weiss còn có 2 cầu thủ gốc Việt Nam là Nalongsit Chanthalangsy và Damoth Thongkhamsavath.
Đáng chú ý, Damoth Thongkhamsavath là thành viên của U19 Lào gây tiếng vang ở vòng chung kết U19 Đông Nam Á 2022, từng đánh bại một loạt các đối thủ, trong đó có cả Thái Lan để góp mặt ở trận chung kết giải đấu.
Những Văn Trường, Văn Khang cũng không mấy lạ lẫm những cầu thủ cùng trang lứa bên phía Lào. Tuy còn non kinh nghiệm thi đấu nhưng ở mặt bằng chung hiện tại, các cầu thủ trẻ của Lào ít nhiều sẽ gây ra khó khăn cho U22 Việt Nam.
Về phía U22 Singapore, đội bóng này có 5 cầu thủ từng dự SEA Games 31 tại Việt Nam, nổi bật là tiền đạo Jordan Emaviwe và đội trưởng Harhys Stewart. Chân sút Abdul Rasaq của Lion City Sailors đã ghi 5 bàn sau 8 trận tại giải Ngoại hạng Singapore 2023 và anh được kì vọng sẽ tạo nên sức bật cho đội tại Đại hội năm nay.
MINH PHONG/laodong.vn