Dù có vai trò quan trọng nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp giáo viên, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, nhưng hoạt động của các tổ chuyên môn trong nhà trường hiện nay còn nhiều hạn chế. Thay đổi nhận thức, đổi mới hoạt động tổ chuyên môn là vấn đề cần đặt ra một cách nghiêm túc, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018.
Còn hình thức
Theo cô Hoàng Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế, Bắc Giang), hoạt động của tổ chuyên môn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhà trường, nhân tố quyết định trực tiếp đến chất lượng dạy học. Đây là nơi diễn ra mọi hoạt động liên quan đến nghề nghiệp; cũng là nơi giáo viên có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, đời sống vật chất, tinh thần.
Tuy vậy, còn không ít hạn chế trong hoạt động của tổ chuyên môn như: Đôi khi mang tính hình thức, thiếu chiều sâu; xây dựng kế hoạch tổ chuyên môn chưa sát yêu cầu nhiệm vụ; chuẩn bị nội dung cho các buổi sinh hoạt chuyên môn còn hời hợt, không đi sâu vào các vấn đề trọng tâm đổi mới phương pháp dạy học, tháo gỡ khó khăn cho giáo viên về những vấn đề mới, khó…
Cũng nhấn mạnh vai trò của tổ chuyên môn trong nhà trường, cô Phạm Thị Thúy Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) – cho rằng, đây là nơi trực tiếp triển khai mọi hoạt động của nhà trường, trong đó trọng tâm là nội dung giáo dục và dạy học. Các tổ, nhóm chuyên môn có mối quan hệ hợp tác, phối hợp với bộ phận nghiệp vụ, tổ chức đoàn thể khi thực hiện nhiệm vụ trong chiến lược phát triển, giúp nhà trường đạt mục tiêu đề ra.
“Tổ chuyên môn xem như đầu mối quản lý mà hiệu trưởng nhất thiết phải tập trung, dựa vào đó để giám sát nhà trường trên nhiều phương diện; nhưng cơ bản nhất là hoạt động giáo dục, dạy học và các lĩnh vực sư phạm của giáo viên”, cô Phạm Thị Thúy Hằng cho hay.
Nói về hoạt động của tổ chuyên môn, cô Thúy Hằng thừa nhận, nhận thức của một số cán bộ quản lý, giáo viên về tầm quan trọng và đổi mới nội dung ở các trường THCS nhằm thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong thực tiễn không cao. Một số cán bộ quản lý chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng kế hoạch hoạt động tổ chuyên môn; còn tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch theo hiểu biết và năng lực riêng của tổ trưởng.
Một vài tổ chuyên môn chưa quan tâm phối hợp với bộ phận khác; hoặc không nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của bộ phận khác trong nhà trường. Kinh phí còn ít, hoặc không có… đã ảnh hưởng đến hoạt động của tổ. Công tác chỉ đạo của ban giám hiệu còn lúng túng, chưa sau sát; đôi lúc theo lối mòn, chưa chuyển tải hết các vấn đề cần làm tới tổ chuyên môn và giáo viên. Chưa thật sự đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo nghiên cứu bài học, còn tập trung giải quyết sự vụ, sự việc, báo cáo…
Ảnh minh họa ITN. |
Đầu tư xứng đáng cho đổi mới
Theo cô Phạm Thanh Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng), để nâng cao hiệu quả hoạt động đòi hỏi cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức rõ vai trò quan trọng của tổ chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn trong nâng chất lượng dạy học. Đặc biệt, ban giám hiệu nhà trường, trực tiếp là hiệu trưởng cần sát sao từ công tác xây dựng kế hoạch; phân công nhiệm vụ; chỉ đạo thực hiện kế hoạch; kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chuyên môn trong nhà trường.
Cô Thúy đồng thời nhấn mạnh vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán trong đổi mới hoạt động giáo dục nhà trường và tổ chuyên môn; cần lựa chọn các tổ trưởng chuyên môn không chỉ vững vàng chuyên môn, mà có năng lực điều hành hoạt động của tổ, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm.
Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm, đầu tư xứng đáng để đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn. Điều này có thể thực hiện qua đổi mới dự giờ và rút kinh nghiệm giờ dạy của đồng nghiệp; tổ chức thao giảng, hội giảng giáo viên giỏi các cấp; triển khai học hỏi kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ; phát triển tổ chuyên môn theo tinh thần “tổ chức biết học hỏi”…
Từ thực tế Trường THPT Mỏ Trạng, cô Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh, cần quán triệt để mọi thành viên hiểu rõ chủ trương đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tổ chức học tập để nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò tổ chuyên môn. Để hoạt động hiệu quả, cần bồi dưỡng cho tổ trưởng về năng lực quản lý, kỹ năng tổ chức, điều hành.
Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch của tổ. Kế hoạch tổ chuyên môn cần cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ năm học và giáo dục nhà trường, phù hợp với tình hình thực tế. Giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân căn cứ vào kế hoạch tổ tương ứng với nhiệm vụ của mình. Cùng đó, đổi mới tổ chức sinh hoạt chuyên môn sao cho hiệu quả, tạo hứng thú cho giáo viên là vấn đề đặt ra với nhiều nhà trường.
Chia sẻ giải pháp nâng cao hiệu quả của tổ chuyên môn, cô Phạm Thị Thúy Hằng nhắc đến đầu tiên là đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng kế hoạch giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT, đặc biệt chú trọng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục.
Quan tâm hơn nữa đến công tác phối hợp giữa tổ chuyên môn với bộ phận khác trong nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Chú trọng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về tầm quan trọng và đổi mới hoạt động tổ chuyên môn trong các trường nhằm thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Cô Phạm Thị Thúy Hằng cho rằng, cần tăng cường kiểm tra việc chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Qua kiểm tra, người quản lý sẽ có cái nhìn toàn diện và định hướng nội dung sinh hoạt ở từng thời điểm nhất định, từ đó phát huy hết tác dụng của sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn.
Kiểm tra cũng khắc phục được tình trạng sinh hoạt chiếu lệ, truyền thống, sự vụ, sự việc; đồng thời giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà giáo viên khó có thể tự xoay xở; từ đó thống nhất chung cách giải quyết trong tổ/nhóm chuyên môn.
Hiếu Nguyễn