Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT sửa đổi, nhiều trường THPT nhanh chóng phổ biến đến cán bộ, giáo viên, học sinh; đồng thời triển khai các bước để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi cuối cùng của học sinh theo Chương trình GDPT 2006.
Thuận lợi khi phương án thi ổn định
Nghiên cứu dự thảo Quy chế có thể thấy phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2024 giữ ổn định. Sự thay đổi của dự thảo chủ yếu đưa một số nội dung trước đây thể hiện trong Hướng dẫn tổ chức kỳ thi vào Quy chế nhằm bảo đảm tính pháp lý thống nhất; đồng thời điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để phù hợp thực tiễn, tăng cường an ninh an toàn cho kỳ thi. Nhiều trường bày tỏ phấn khởi vì có thông tin sớm, thuận lợi cho công tác chuẩn bị.
Chia sẻ cụ thể về một số điểm mới trong quy chế, thầy Trần Văn Hân – Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) cho biết, dự thảo của Bộ GD&ĐT đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định về trách nhiệm của các đơn vị đăng ký dự thi trong việc rà soát dữ liệu trên cơ sở dữ liệu cư dân; sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi; bổ sung và làm rõ quy trình coi thi, chấm thi; trách nhiệm của sở GD&ĐT, trường THPT, cơ sở giáo dục đại học trong kỳ thi.
Đồng thời, một số nội dung trước đây chỉ có trong các hướng dẫn tổ chức kỳ thi nay được đưa vào Quy chế, như: Quy định rõ các môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; bổ sung và làm rõ yêu cầu đối với các khu vực in sao đề thi, làm phách, chấm thi.
“Điều này tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, năm cuối của Chương trình GDPT 2006”, thầy Trần Văn Hân nhận định.
Có cùng nhận định, thầy Nguyễn Đức Hồng – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho rằng, việc quy định rõ môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Quy chế để thống nhất chung văn bản pháp lý, thuận tiện cho người thi, phụ huynh và cơ sở giáo dục.
Liên quan đến rà soát trên cơ sở dữ liệu cư dân, dự thảo bổ sung quy định các đơn vị đăng ký dự thi có trách nhiệm rà soát, tra cứu thông tin cung cấp bởi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trên Hệ thống Quản lý thi) để xác nhận diện ưu tiên theo nơi thường trú cho thí sinh. Quy định này đưa vào quy chế giúp tăng trách nhiệm các đơn vị đăng ký dự thi, đồng thời tăng hiệu lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác thi tốt nghiệp THPT.
“Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của thí sinh liên quan đến tuân thủ quy định trong phòng thi. Quy định rõ những vật dụng được và không được mang vào phòng thi; thí sinh tránh đem vào phòng thi các thiết bị công nghệ cao, giúp công tác coi thi thuận lợi hơn.
Quy định về các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây được nêu trong Hướng dẫn tổ chức thi, nay được đưa vào phụ lục Quy chế… Các điểm sửa đổi đều phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính pháp lý thống nhất”, thầy Nguyễn Đức Hồng nhận định.
Cô trò Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên). Ảnh: NTCC |
Sớm chuẩn bị cho kỳ thi
Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thông tin từ thầy Hiệu trưởng Trịnh Nguyễn Thi Bằng, nhà trường nỗ lực chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi.
Đồng thời, tập trung củng cố và hệ thống kiến thức trọng tâm lớp 12, kiến thức cơ bản lớp 10, 11; tăng cường rèn luyện kỹ năng, phương pháp làm bài chuẩn bị cho kiểm tra định kỳ và thi tốt nghiệp THPT; nâng chất lượng học tập của học sinh yếu để đủ điều kiện dự thi và đỗ tốt nghiệp THPT.
Trong năm học, nhà trường tổ chức cho học sinh đăng ký bài thi tự chọn và điều chỉnh qua các lần kiểm tra đánh giá để các em biết rõ năng lực học tập, lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Cụ thể, việc tổ chức cho học sinh đăng ký bài tổ hợp lần 1 diễn ra vào tháng 9/2023.
Theo đó, có 139/407 (tỷ lệ 34,2%) học sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên; 268/407 (tỷ lệ 65,8%) học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội. Dự kiến lần 2 sẽ tiến hành vào tháng 1/2024 (sau khi có kết quả kiểm tra cuối học kỳ I); lần 3 tiến hành vào tháng 4/2024 (sau khi có kết quả kiểm tra cuối học kỳ II).
“Nhà trường phối hợp thường xuyên với trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tư vấn cho học sinh, nhất là khối 12; thực hiện cao điểm trong tháng 3 – 4/2024, khi học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi.
Về ôn tập, triển khai theo 3 đợt. Đợt 1 từ 2/10/2023 đến 23/12/2023, gồm 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Đợt 2 từ 15/1/2024 đến 13/4/2024, gồm 6 môn: Toán; Ngữ văn; Tiếng Anh; Vật lí, Hóa học, Sinh học (với thí sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên), hoặc Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (với thí sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội). Đợt 3 từ 22/4/2024 đến 22/6/2024, cũng với số môn tương tự như đợt 2 nhưng số tiết tăng lên.
Các nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch chương trình, nội dung ôn tập cụ thể theo kế hoạch của nhà trường. Thường xuyên trao đổi, thảo luận trong nhóm chuyên môn rà soát nội dung, chương trình ôn tập, để có sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý”, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho hay.
Tại Trường THPT Mỹ Quý, thầy Trần Văn Hân cho biết đã truyền thông về dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đến cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh. Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên rà soát, đánh giá lại kết quả học tập để tiến hành họp cha mẹ học sinh, giúp chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Ngoài các môn thi bắt buộc, phải có sự thống nhất lựa chọn bài thi tổ hợp; trong đó vai trò phân tích, tư vấn của nhà trường và lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh mang tính quyết định. Trường xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch ôn tập ngay sau khi kết thúc nội dung chương trình theo đúng quy định.
Về cách thức, lập danh sách học sinh khá giỏi để bồi dưỡng phù hợp, đạt kết quả cao và sử dụng kết quả để xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo nguyện vọng. Học sinh có học lực yếu theo từng môn được rà soát, phân tích nguy cơ trượt tốt nghiệp và phân công giáo viên có kinh nghiệm để phụ đạo, giúp các em củng cố kiến thức căn bản.
“Nhà trường triển khai kịp thời và chuẩn bị điều kiện thuận lợi nhất giúp học sinh học, ôn tập, hoàn thành các khâu đăng ký hồ sơ dự thi và tham gia kỳ thi. Giáo viên chủ nhiệm, bộ môn sẽ hướng dẫn, động viên học sinh xây dựng, thực hiện kế hoạch học tập cá nhân.
Trong đó, phân phối thời gian học tập phù hợp, rõ ràng, chú trọng tham gia hoạt động bồi dưỡng của trường, phong trào hỗ trợ học tập đoàn thể. Trường thường xuyên kiểm tra, đánh giá quá trình ôn tập của học sinh, động viên kịp thời để phát huy kết quả cao nhất”, thầy Trần Văn Hân cho hay.
Chúng tôi đang tích cực triển khai dạy học hoàn thiện chương trình, song song tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12. Cùng đó, thường xuyên cập nhật các chỉ đạo về công tác thi; tích cực chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Quan tâm, đặc biệt là động viên học sinh khối 12 tích cực, chủ động trong học tập, ôn luyện để có kỳ thi tốt nhất. Thầy Nguyễn Đức Hồng (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải, Hưng Yên)