Rèn con đọc sách từ thuở còn thơ
Thói quen tốt phải được rèn luyện từ nhỏ
Đều đặn 20h30 mỗi tối, chị Vũ Thị Minh Huyền (Hà Đông, Hà Nội) cùng 2 con quây quần bên tủ sách gia đình. Đủ các loại sách từ văn hoá, kĩ năng, khoa học… đều được các con chăm chú đọc và tìm hiểu. Với hai đứa trẻ đang học lớp 2 và lớp 11, mỗi trang sách là một chân trời tri thức mới, lôi cuốn, thu hút tâm hồn chúng và xoá tan ý niệm về thời gian.
Là một người yêu sách, chị Huyền truyền lửa cho con từ khi là những đứa trẻ thơ dại. Không cần bố mẹ nhắc nhở, các con tự giác đọc sách lúc rảnh rỗi, thậm chí còn mang bên mình để tranh thủ đọc vào giờ giải lao. Dù đang học lớp 2, mới biết viết, biết đọc nhưng con gái nhỏ của chị đã có thể tập trung đọc hết cuốn sách hơn 300 trang chỉ trong 4 ngày.
Phụ huynh Huyền cho rằng, đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ như giúp tăng khả năng đọc, tư duy nhanh, trí tưởng tượng phong phú, nâng cao trí tuệ, đa dạng hóa vốn từ vựng, rèn luyện kĩ năng viết lách, tăng cường khả năng ghi nhớ… Đọc sách còn giúp trẻ rời xa các thiết bị công nghệ, qua đó ngăn ngừa khủng hoảng tâm lí như trầm cảm, tự kỉ, rối loạn lo âu. Đây còn là cách rèn luyện khả năng tập trung và giúp trẻ phát triển thói quen đưa ra ý kiến, có đời sống tinh thần tích cực, biết kiểm soát cảm xúc, tự tin vào bản thân và gắn kết với cha mẹ.
Với chị Huyền, không thể ép con đọc sách vì phải có niềm yêu thích từ sâu bên trong thì trẻ mới chủ động tìm hiểu và tiếp thu. Để tạo dựng được điều này, phụ huynh phải đồng hành cùng con.
Kinh nghiệm rèn con có thói quen đọc sách của phụ huynh Huyền là ngay từ khi con một tuổi, dù chưa biết đọc chữ, chị đã mua các cuốn sách dành cho thiếu nhi từ 0 đến 6 tuổi, như bộ những câu chuyện ngụ ngôn và cổ tích đầu đời cho bé.
Giai đoạn 2 – 3 tuổi, sử dụng những sách, tranh, hình ảnh minh hoạ sinh động đọc và giải thích cho trẻ hiểu. Từ 3 – 5 tuổi, chọn cho con những sách cổ tích, sách loài vật. Ở độ tuổi 6 – 12, con đã biết chữ, hãy định hướng cho con đọc những cuốn sách có nội dung về kĩ năng sống, giao tiếp ứng xử, giáo dục giới tính, khoa học…
“Đọc sách giúp con có năng lượng tích cực, hiểu biết về sách, tự tin chia sẻ kiến thức, tâm tư, tình cảm với người lớn, thầy cô và bạn bè. Có những hôm đi học về, con tâm sự đang buồn vì bị các bạn trong lớp chê mặc xấu. Lúc đó, tôi đã liên hệ đến những cuốn sách đã đọc, dạy con nên yêu thương, giúp đỡ bạn bè, sống vui vẻ, chan hòa với mọi người xung quanh. Ngay sau đó, con vui tươi thoải mái, hết giận các bạn, suy nghĩ tích cực hơn” – chị Huyền kể.
Cùng con đọc sách, cùng con lớn lên
Dù bận rộn với vai trò giảng viên trên giảng đường đại học, nhưng chị Minh Huyền luôn dành thời gian chia sẻ cùng con. Đồng thời đề cao vai trò đồng hành của gia đình trong việc giáo dục trẻ bởi thói quen, lối sống của bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều tới suy nghĩ, hành động, sự hình thành nhân cách của các con. Bố mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo.
“Để sách làm người thầy, người bạn luôn bên con trong suốt quá trình trưởng thành, dù cuộc sống có bận rộn như thế nào, cha mẹ hãy dành thời gian để đọc sách cùng con mỗi ngày. Hãy coi việc đọc sách cùng con là một hoạt động để vun đắp tình cảm, giúp cha mẹ và con gắn bó, hiểu nhau hơn. Đồng thời giúp con nuôi dưỡng tâm hồn, mở mang kiến thức, vững bước hành trang vào đời” – chị Huyền nói.
Đa phần trẻ con ham chơi, không có sự dẫn dắt của người lớn sẽ chơi game, xem tivi, nếu đọc cũng chỉ đọc truyện tranh, không thích xem sách văn học, sách khoa học, tìm hiểu về kiến thức văn hoá lịch sử. Nếu bố mẹ cảm thấy việc đọc sách không quan trọng, không rèn giũa thì con sẽ có tâm lí chống đối. Ngược lại, nếu bố mẹ cũng đam mê, cùng con đọc sách sẽ hình thói quen tốt, tạo nên văn hóa đọc gia đình, hình thành văn hóa đọc xã hội.
Bên cạnh đó, bố mẹ phải có phương pháp định hướng con chọn sách, đọc sách đúng đắn. Định kì tuần nào chị Huyền cũng đưa con ra hiệu sách, khi quên các bé còn chủ động nhắc phụ huynh.
“Bố mẹ phải khéo léo trong việc cùng con chọn sách ưng ý nhưng không mang tính chất áp đặt. Khi con thích một quyển sách, tôi phải đọc qua, cân nhắc xem nội dung có phù hợp hay không. Không phải lúc nào con cũng chọn được sách chuẩn. Lúc này, ý kiến của phụ huynh mang tính chất định hướng nhưng vẫn cần tôn trọng sở thích của trẻ” – chị Huyền nói.
Khi đã chọn được sách, phụ huynh phải đồng hành cùng con vì để khai thác nội dung tốt nhất cần sự tương tác, chia sẻ. Mỗi ngày, gia đình nhỏ sẽ dành ít nhất 30 phút buổi tối để đọc sách chia sẻ cùng nhau. Những ngày cuối tuần rảnh rỗi dành thời gian nhiều hơn, khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Đặc biệt phải hướng dẫn con trải nghiệm những điều được học trong sách, ứng dụng nội dung vào thực tế. Ví dụ, con được đọc những cuốn sách về giao tiếp, khi đi chơi mẹ dạy chào ông bà hàng xóm, khi bố mẹ đi làm về biết hỏi han, lấy nước mời bố mẹ.
Theo chị Huyền, đọc sách rất tốt nhưng phải cân bằng việc đọc với những hoạt động giải trí khác. Phụ huynh hãy dành thời gian khoảng 30 phút đến 1 tiếng trong ngày cho con được xem tivi, những chương trình dành cho thiếu nhi, phù hợp với lứa tuổi. Mỗi một kênh thông tin sẽ cung cấp những tri thức khác nhau, phụ huynh phải cân đối thời gian hợp lí để con được trải nghiệm nhiều.
“Không chỉ riêng việc đọc sách, trong bất cứ hoạt động khác như ngoại khóa, học tập trên lớp, phụ huynh phải đồng hành cùng con, giúp con phát triển toàn diện từ văn hoá tới các kĩ năng mềm khác như: Thể thao, hội hoạ, âm nhạc. Một đứa trẻ nhận được sự quan tâm, sát sao từ bố mẹ không những giỏi về tri thức mà còn giàu lòng yêu thương, nhân ái” – phụ huynh Huyền bày tỏ.
THIỀU TRANG