Hai điểm mới đáng chú ý nhất của Quy chế là bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS và tăng số lần xét công nhận tốt nghiệp THCS trong năm nhận được sự đồng tình, đánh giá cao.
Giảm áp lực điểm số
Quy chế mới về xét công nhận tốt nghiệp THCS không còn quy định xếp loại tốt nghiệp giỏi, khá, trung bình. Việc này được ông Lê Bá Việt Hùng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Phú Thọ đánh giá phù hợp. Trên thực tế, việc xếp loại tốt nghiệp THCS thành 3 mức như hiện nay không có giá trị thực tiễn, đồng thời chưa phủ hết người học. Ví như học sinh khuyết tật học hòa nhập, nhiều cơ sở giáo dục lúng túng không biết xếp loại ra sao.
Nhấn mạnh Chương trình GDPT 2018 không đặt nặng vấn đề điểm số mà chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất người học, ghi nhận nỗ lực và sự tiến bộ của học sinh, ông Nguyễn Văn Mạnh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, quy định không xếp loại tốt nghiệp THCS góp phần thay đổi nhận thức cả giáo viên và phụ huynh.
“Xếp loại giỏi, khá, trung bình không chỉ làm gia tăng áp lực cho học sinh mà cả bệnh thành tích của phụ huynh, nhà trường. Với nhiều phụ huynh, con phải đạt điểm giỏi mới hài lòng; trong khi học sinh có thể chỉ điểm trung bình môn này, nhưng giỏi môn khác. Khi không còn xếp loại, áp lực điểm số sẽ giảm và tập trung phát triển năng lực, phẩm chất học sinh nhiều hơn. Điều này phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018”, ông Nguyễn Văn Mạnh nhận định.
Trước băn khoăn không xếp loại liệu có ảnh hưởng đến động cơ học tập của học sinh, ông Đỗ Trường Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết: Trước đây, khi bỏ thi tốt nghiệp THCS, nhiều ý kiến lo lắng học sinh không học, nhưng thực tế không phải vậy. Học là nhu cầu không chỉ của học sinh mà còn của cha mẹ các em. Học sinh chịu sức ép từ chính bản thân và gia đình, nhà trường. Đôi khi, sức ép của gia đình còn lớn hơn từ nhà trường.
“Tôi cho rằng, không xếp loại tốt nghiệp THCS phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục, đó là chú trọng phẩm chất, năng lực người học và giảm nhẹ gánh nặng về điểm số. Xếp loại giỏi, khá, trung bình như một hình thức điểm số. Đây có lẽ là điểm mới mà xã hội quan tâm nhất”, ông Đỗ Trường Sơn chia sẻ.
Ảnh minh họa ITN. |
Tăng cơ hội cho người học
Theo Quy chế mới, cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần trong năm (quy định hiện hành 1 lần). Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) trước khai giảng năm học mới.
Việc tăng số lần xét công nhận tốt nghiệp THCS, theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy, giáo viên, nhà trường sẽ vất vả hơn, nhưng thuận lợi cho người học. Các em được tạo điều kiện bổ sung kiến thức, đánh giá lại để xét tốt nghiệp THCS lần 2 ngay trong năm, không phải đăng ký ở các lớp bổ túc văn hóa. Tuy nhiên, khi học sinh rèn luyện thêm trong hè, trách nhiệm, vai trò của gia đình giai đoạn này vô cùng quan trọng để cùng nhà trường giúp các em học hiệu quả, từ đó đạt nguyện vọng trong lần xét thứ 2.
Ông Lê Bá Việt Hùng cũng đánh giá tăng số lần xét công nhận tốt nghiệp THCS phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh. “Tại Phú Thọ tỷ lệ tốt nghiệp THCS gần như đạt 100%. Số lượng học sinh phải xét tốt nghiệp lần 2 không nhiều, thường rơi vào trường hợp đặc biệt. Vì số lượng ít nên nhà trường không nhiều khó khăn khi tổ chức cho học sinh học lại; rèn luyện; kiểm tra, đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục trong kỳ nghỉ hè. Về chế độ cho giáo viên, thực tế khoản chi này không lớn nên nhà trường có thể vận dụng quy định về chi tiêu tài chính để hỗ trợ thầy cô”, ông Lê Bá Việt Hùng cho hay.
Chung nhận định triển khai quy định mới, trong đó việc tổ chức cho học sinh chưa đạt tốt nghiệp THCS học lại trong hè không khó khăn, ông Trần Văn Huân – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên (Bắc Giang) chia sẻ: Thực tế, giáo viên vẫn hỗ trợ học sinh lớp 6, 7, 8 chưa hoàn thành chương trình học trong hè và tổ chức kiểm tra, đánh giá lại những môn học, hoặc tiêu chí năng lực, phẩm chất chưa đạt. Chưa kể, số lượng học sinh trượt tốt nghiệp THCS thường rất ít.
Từ trước đến nay, ngành Giáo dục luôn hướng đến tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Nhắc điều này, ông Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, quy định được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THCS nhiều nhất 2 lần, lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới là nhân văn, phù hợp.
Thực tế, có trường hợp bị bệnh trong học kỳ II lớp 9, nghỉ quá 45 ngày, kiểm tra không đạt tốt nghiệp, rất thiệt thòi. Thậm chí có em trượt tốt nghiệp không tiếp tục học, đi lao động sớm. Nhưng với quy định mới, những học sinh chưa đạt điều kiện tốt nghiệp THCS lần 1 có thời gian 3 tháng hè rèn luyện, với sự hỗ trợ của thầy cô để được xét tốt nghiệp lần 2 ngay trong năm, từ đó tiếp tục học nghề. Điều này vì vậy góp phần phân luồng học sinh hiệu quả hơn.
“Có ý kiến cho rằng, quy định mới thuận lợi cho người học nhưng nhà trường, thầy cô vất vả hơn. Điều này đúng nhưng trách nhiệm của người làm giáo dục là làm sao tạo điều kiện tốt nhất giúp học sinh tiếp tục con đường học tập. Nếu chủ động kế hoạch, nhà trường sẽ triển khai không khó khăn việc ôn luyện trong hè cho học sinh.
Thầy cô tại Côn Đảo vẫn tham gia các hoạt động hè, nhất là giáo viên độ tuổi đoàn viên… việc hỗ trợ học sinh chưa đạt tốt nghiệp THCS là cơ hội để rèn chuyên môn. Mặt khác, kinh phí hoạt động dành cho giáo dục tại Bà Rịa – Vũng Tàu bảo đảm theo đầu học sinh suốt năm học, bao gồm 3 tháng hè. Do đó, các trường rất thuận lợi trong trích kinh phí bồi dưỡng, động viên thầy cô tham gia việc này”, ông Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.
Ngoài không xếp loại tốt nghiệp, tăng số lần xét công nhận tốt nghiệp, Thông tư 31 còn có điểm mới đó là: Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp do trưởng phòng GD&ĐT ra quyết định thành lập theo đề nghị của cơ sở giáo dục. Mỗi cơ sở giáo dục có học sinh học hết lớp 9 trong năm xét công nhận tốt nghiệp thành lập 1 hội đồng. Theo quy định hiện hành, UBND cấp huyện ra quyết định thành lập hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THCS cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo đề nghị của trưởng phòng GD&ĐT. Tôi đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT ban hành sớm quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS, thực hiện với lứa học sinh học theo Chương trình GDPT 2018. Điều này giúp cơ quan quản lý giáo dục địa phương, nhà trường chủ động, thuận lợi hơn nhiều trong triển khai.
– Ông Nguyễn Văn Mạnh
https://giaoducthoidai.vn/quy-che-xet-tot-nghiep-thcs-moi-thuan-loi-cho-nguoi-hoc-post669298.html