‘Phù phép’ giấy ủy quyền để lừa bán đất tại TP.HCM: Nạn nhân tiếp tục tố cáo
(VTC News) –
Sau khi TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án, ông Hà Ngọc Diện (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) tiếp tục làm đơn tố cáo đến VKSND và TAND Tối cao về việc bỏ lọt tội phạm.
Sau bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM, ông Hà Ngọc Diện (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) – bị hại trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 18,5 tỷ đồng, đã làm đơn gửi VKSND Tối cao và TAND Tối cao về việc bỏ lọt tội phạm.
Hợp đồng đã lên hệ thống nhưng vẫn bị lừa
Theo hồ sơ vụ án, thửa đất 706, tờ bản đồ số 2 (nay là thửa số 01 và 02 tờ bản đồ 96/BĐĐC 2001) diện tích 804m2 là đất ruộng thuộc phường 5, quận Gò Vấp do bà Đặng Thị Tuyết đứng tên sử dụng.
Ngày 9/1/2018, bà Tuyết ký hợp đồng đặt cọc bán thửa đất trên tại 1 văn phòng công chứng (VPCC) cho 3 người với giá 12 tỷ đồng. Do thửa đất của bà Tuyết đang tranh chấp lối đi chung với các hộ dân xung quanh, hai bên giao cho bị cáo Trịnh Trường Giang (đã bị toà tuyên án) thực hiện hợp đồng dịch vụ làm giấy tờ để sang tên đăng bộ và giải quyết tranh chấp lối đi với phí dịch vụ là 2,9 tỷ đồng.
Nhận tiền và bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giang không thực hiện công việc như thỏa thuận mà đưa giấy tờ đất trên cho bị cáo Trần Thanh Hải (đã bị toà tuyên án).
Do có quen biết từ trước, Giang nói dối với ông Hà Ngọc Diện rằng Hải đã mua từ bà Tuyết, nay muốn bán. Giang đưa ông Diện xem “giấy ủy quyền toàn quyền”, trong đó có quyền được mua bán với thửa đất trên từ bà Tuyết cho Hải.
Ngày 3/10/2018, ông Diện và Hải ký hợp đồng giấy tay mua bán thửa đất trên với giá 18,5 tỷ, Giang là người làm chứng.
Hải và Giang cam kết có trách nhiệm “hủy bỏ hợp đồng mua bán giữa Hải và bà Tuyết; yêu cầu bà Tuyết lập giấy mua bán viết tay cho bà Thanh; lập giấy ủy quyền toàn phần từ bà Tuyết cho bà Thanh; giao toàn bộ hồ sơ bản chính thửa đất cho ông Diện.
Nhận tiền cọc, Giang nhờ Ngụy Cao Khánh (nhân viên Văn phòng công chứng (VPCC) Đầm Sen, phường 2, quận 11 – nay đổi tên VPCC Nguyễn Thị Sáu) soạn thảo hợp đồng uỷ quyền từ bà Tuyết cho ông Diện.
Giang và Khánh lấy lý do bà Tuyết già yếu, không tự đi lại được nên yêu cầu ký hợp đồng bên ngoài trụ sở VPCC. Ông Diện tin tưởng nên ký, lăn tay vào hợp đồng.
Khoảng 10 ngày sau, Giang đem hợp đồng ủy quyền có chữ ký chứng thực của công chứng viên Nguyễn Duy Thức (là công chứng viên VPCC Đầm Sen) đưa cho ông Diện và nói đã ký xong hợp đồng ủy quyền.
Ngày 29/10/2018, ông Diện giao đủ 18,5 tỷ đồng cho Giang và Hải, nhận bàn giao đất. Rồi ông Diện chuyển nhượng thửa đất cho em trai Hà Ngọc Hùng.
Sự việc sau đó bị bà Tuyết tố cáo đến công an. Kết luận giám định 730/KLGĐ-TT ngày 22/4/2020 và 1107/KLGĐ-TT ngày 19/6/2020 của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP.HCM xác định chữ ký, chữ viết tên Đặng Thị Tuyết, dấu vân tay trên hợp đồng uỷ quyền và bản photocopy giấy CMND mang tên Đặng Thị Tuyết thu thập tại VPCC Đầm Sen không phải của bà Đặng Thị Tuyết.
Theo ông Diện, khi nhận hợp đồng uỷ quyền mà VPCC Đầm Sen đã công chứng, để “chắc ăn”, ông còn nhờ VPCC khác tra cứu giúp xem có trên hệ thống công chứng hay chưa. Khi xác định hợp đồng uỷ quyền đã lên hệ thống, ông mới giao đủ tiền, nào ngờ vẫn bị lừa.
Tòa phúc thẩm kiến nghị tiếp tục điều tra
Bản án phúc thẩm cho rằng, với hành vi của ông Nguyễn Duy Thức và ông Nguỵ Cao Khánh, trong quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ yêu cầu làm rõ, nhưng CQĐT và VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
Căn cứ khoản 1 Điều 298 BLTTHS quy định về giới hạn xét xử thì tòa chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh VKS truy tố và tòa đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Từ đó, TAND cấp cao tại TP.HCM đánh giá không có căn cứ để hủy án sơ thẩm. Với hành vi của ông Thức và ông Khánh, TAND cấp cao tại TP.HCM kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp tục điều tra làm rõ dấu hiệu sai phạm để tránh bỏ lọt tội phạm.
Trong đơn gửi đến VKSND Tối cao và TAND Tối cao, ông Diện tố giác ông Nguyễn Duy Thức và ông Nguỵ Cao Khánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định cụ thể tại Điểm C, Khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Ông Diện cho rằng, công văn 893/TTCC ngày 4/11/2022 của Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng (Sở Tư Pháp TP.HCM) thể hiện, ngày 21/9/2018, VPCC Đầm Sen công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, số công chứng: 00030011 từ bà Đặng Thị Tuyết sang cho ông Trần Thanh Hải.
Ngoài ra, khi hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Tuyết và bị cáo Hải còn hiệu lực, chưa bị huỷ bỏ, ngày 17/10/2018, chính VPCC Đầm Sen cũng thực hiện công chứng ủy quyền theo số công chứng 00032901 từ bà Tuyết sang cho ông Hà Ngọc Diện (đây là hợp đồng ủy quyền mà ông Thức và ông Khánh thực hiện không đúng quy định về công chứng dẫn đến chữ ký, dấu vân tay không phải của bà Tuyết).
Sau đó đến ngày 24/10/2018, VPCC Đầm Sen công chứng hủy hợp đồng mua bán giữa bà Tuyết và ông Hải. Nội dung uỷ quyền ông Diện được ký kết các hợp đồng đặt cọc, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng đặt cọc, chuyển nhượng mua bán, tặng cho, huỷ bỏ hợp đồng tặng cho…
Như vậy lúc này tài sản không còn thuộc sở hữu của bà Tuyết, nhưng công chứng viên Nguyễn Duy Thức vẫn thực hiện cho bà Tuyết uỷ quyền cho ông Diện là trái pháp luật.
“Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại về dân sự không thể khắc phục được là do ông Khánh và ông Thức đã thực hiện các thủ tục công chứng trái pháp luật nhiều lần dẫn đến hợp đồng chuyển nhượng số 0004837 bị vô hiệu hoá.
Trong quá trình điều tra, ông Thức và Khánh thừa nhận về hành vi công chứng sai quy trình của mình và xin chịu trách nhiệm về hành vi nhưng cơ quan điều tra đã không xem xét trách nhiệm hình sự của 2 người này”, ông Diện trình bày.
Ông Diện yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra việc thực hiện giao dịch giữa bà Tuyết và ông Hải có đúng không. Bởi bản chất vụ việc có thể thay đổi nếu như trên hợp đồng giao dịch giữa bà Tuyết và ông Hải là chữ kí thật của bà Tuyết.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra không thu thập được giấy uỷ quyền nào từ bà Tuyết cho Trần Thanh Hải. Trong khi các bị cáo khai là có nhưng không xác định được thời điểm (chỉ nhớ đầu 2018), do VPCC Đầm Sen thực hiện.
Luật sư Trần Hải Đức (Công ty Luật TNHH Phúc Tín P&T), Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, vụ án bắt nguồn từ lỗi phần lớn của công chứng viên VPCC Đầm Sen, cụ thể là công chứng viên Nguyễn Duy Thức. Với chức trách của mình, Thức phải kiểm tra thông tin giao dịch của miếng đất, tuy nhiên người này không kiểm tra mà công chứng là sai quy định.
Ngoài ra, công chứng viên không kiểm tra giấy tờ của đương sự nhưng trực tiếp ký công chứng ngoài trụ sở, sau đó lại tiếp tục thực hiện hành vi huỷ giấy uỷ quyền nhằm che giấu sai phạm.
Sự tắc trách của công chứng viên đã gián tiếp tạo điều kiện cho bị cáo Giang thực hiện hành vi gian dối, tạo lòng tin để từ đó ông Diện tiếp tục giao số tiền mua bán đất còn lại.
Ngoài trách nhiệm của công chứng viên, chuyên viên Nguỵ Cao Khánh là người am hiểu pháp luật, biết rõ hành vi của mình là sai quy định nhưng vẫn thực hiện, từ đó tiếp tay cho vi phạm của Giang và có cơ sở thể hiện Khánh và Giang đã quen biết nhau từ trước.
Đối với ông Thức là Phó VPCC Đầm Sen, đã cho phép Khánh đem hợp đồng đến tận nơi để các bên ký tại nhàm ngoài ta không kiểm tra hệ thống giao dịch, cũng gián tiếp tạo điều kiện cho Giang và Hải thực hiện hành vi phạm tội.