Phụ huynh than trời con ôn thi cuối học kỳ căng thẳng như chuyển cấp
(VTC News) –
Để đạt điểm cao trong bài thi cuối kỳ, nhiều học sinh phải học tập, ôn luyện ngày lẫn đêm, phụ huynh cũng căng thẳng không kém lo con điểm kiểm tra thấp.
12h đêm, Nguyễn Minh Đức (học lớp 8, TP.HCM) vẫn miệt mài bên bàn học để ôn luyện cho kỳ thi học kỳ 1. Áp lực về lượng kiến thức phải ôn tập và điểm số trong các bài thi khiến Đức sụt đến gần 3 kg chỉ trong vỏn vẹn 10 ngày ôn thi. Dù rất mệt mỏi nhưng kể từ hôm “cao điểm” ôn thi giữa kỳ đến nay không hôm nào Đức đi ngủ trước 1h sáng.
Chẳng đành lòng đi ngủ trước con, chị Hiền (mẹ Đức) túc trực bên bàn học, giúp pha con ly sữa, gói mì ăn đêm khi con cần. Đó là biện pháp khích lệ tinh thần cho con học hành, dù thương nhưng đó là tất cả những gì chị có thể làm, muốn giỏi thì phải bỏ thời gian ra ôn luyện chứ không còn cách nào khác.
“Lượng kiến thức nhiều khiến em học mãi chưa thấy tự tin để chuẩn bị cho bài thi cuối kỳ. Muốn được điểm cao nên em cố gắng làm thêm nhiều bài tập hơn mỗi ngày”, cậu học trò chia sẻ.
Chị Đặng Lệ Hà (45 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) phải thuê gia sư riêng để kèm cho con ôn thi học kỳ, vì đây là kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích cả năm học. Chị định hướng con xét tuyển sớm đại học bằng học bạ nên thành tích các môn phải cao thì mới có khả năng cạnh tranh và trúng tuyển.
Cũng bởi định hướng đó mà điểm số của các bài kiểm tra, bài thi của con chị áp lực rất lớn. Trước mỗi kỳ thi con cùng gia sư thống kê và ôn tập lại loạt các kiến thức, rồi luyện đề tham khảo trước.
Môn nào có đề cương ôn thi thì đỡ hơn chút, còn với môn không có đề cương thì gần như phải học dàn trải tất cả mới có đủ kiến thức để đi thi.
Ngày trước ở bậc học nhỏ, chị cùng chồng còn có thể dạy con học, nhưng ở lớp lớn hơn, cộng với cải cách chương trình giáo dục thì vợ chồng chị đành phải “bó tay” và chọn giải pháp thuê người. Bạn bè, đồng nghiệp của chị cũng vậy, cứ đến mùa thi của con là lại nháo nhác hỏi nhau tìm giáo viên dạy thêm uy tín, chất lượng với chỗ bán đồ ăn ngon để bồi bổ cho con lấy sức ôn thi.
Học sinh bậc THCS, THPT số lượng môn học nhiều, áp lực thi cử cao đã đành, nay học sinh tiểu học cũng căng thẳng không kém. Chị Lê Thị Tâm (36 tuổi, Long Biên, Hà Nội) có con đang học lớp 5 trên địa bàn quận thậm chí phải dừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí trong 2 tuần để con tập trung ôn tập, đạt điểm số cao.
Nhà trường cho thi theo số báo danh và trộn chung cả khối với nhau chứ không thi riêng theo lớp. Việc thi tập trung và xếp theo số báo danh khiến con luôn lo lắng về những lần kỳ thi. Học kỳ 2 năm lớp 3,chỉ vì không làm được bài thi mà về nhà con ốm, sốt cả tuần khiến cả nhà lo lắng, đứng ngồi không yên.
“Tôi thấy kỳ thi học kỳ bây giờ của các con, áp lực và căng thẳng hơn cả ngày trước rất nhiều. Thực sự không biết cải cách, giảm tải thế nào mà càng giảm tải càng thêm áp lực cho học sinh”, phụ huynh than thở.
Học sinh căng thẳng do đâu?
Cô Nguyễn Thị Hảo, giáo viên THPT tại Thanh Hóa cho biết, theo quy định của Bộ GD&ĐT, số lượng bài kiểm tra trong năm giảm nhưng lại vô tình gây áp lực lớn cho học sinh và phụ huynh về điểm số.
Hiện điểm trung bình môn học kỳ được tính theo công thức: (Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên x hệ số 1 + điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ x hệ số 2 + điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ x hệ số 3)/Tổng số điểm đánh giá thường xuyên + 5.
Do đó các bài thi giữa kỳ, cuối kỳ ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập. Điều này lý giải vì sao học sinh càng ngày càng áp lực điểm số với những kỳ thi học kỳ.
Việc trộn đều, chia phòng thi theo số báo danh cũng góp phần làm tăng sự áp lực, căng thẳng của kỳ thi với các em học sinh. Tuy nhiên nữ giáo viên cũng nhận định, đây là một trong những việc làm cần thiết để hạn chế tối đa những tiêu cực trong thi cử.
Học sinh phải học tập nghiêm túc và chăm chỉ mới có thể đạt được kết quả cao trong các cuộc thi. Phương pháp thi tập trung cũng rèn cho các em quen với áp lực thi cử, để khi bước vào những kỳ thi mang tính bước ngoặt như vượt cấp hay thi tốt nghiệp không bị bỡ ngỡ, lạ lẫm.
Việc học sinh bị áp lực trong thi cử một phần lớn cũng xuất phát một phần từ phụ huynh coi trọng việc điểm số, không ngừng thúc giục và đặt cho con những mục tiêu điểm 9, 10.
“Trước sự kỳ vọng quá lớn từ bố mẹ, những đứa trẻ không còn cách nào khác là ôm sách vở ‘cày’ ngày ‘cày’ đêm. Muốn được kết quả cao thì hẳn nhiên phải đầu tư công sức, thời gian để học bài. Vì vậy phụ huynh không thể vừa muốn con học ít mà lại mong con đạt điểm cao được”, cô Hân nói.