Phòng, chống bạo lực học đường không hiệu quả nếu chỉ… bắt lỗi hành vi

GD&TĐ – Từ vụ bạo lực học đường ở Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang), một lần nữa vấn đề tư vấn tâm lý học đường được nhấn mạnh.
Mô hình tham vấn học đường Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Mô hình tham vấn học đường Trường THCS – THPT Ban Mai (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Các chuyên gia cho rằng, cả giáo viên và học sinh cần được tư vấn. Muốn vậy, phải có giải pháp căn cơ, chặn tận gốc chứ không chỉ giải quyết phần ngọn.

Giáo viên, học sinh cần được hỗ trợ tâm lý

Cho rằng, bất cứ thời điểm nào, công tác tâm lý trường học cũng cần được quan tâm mạnh mẽ và đúng mức, TS Lê Minh Công – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, tâm lý trường học không chỉ là việc can thiệp (tham vấn hay trị liệu) cho học sinh và thành viên trong nhà trường có vấn đề sức khỏe tâm thần. Mục tiêu của tâm lý trường học là giúp học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục khỏe mạnh, hạnh phúc và thăng tiến.

Vì thế, xây dựng chính sách, hoạt động dịch vụ tâm lý trường học phải là công việc của toàn trường, trong đó có lãnh đạo, giáo viên, phụ huynh và các thành viên khác. Cùng đó, người đề xuất kế hoạch, chiến lược phải là nhà tâm lý trường học được đào tạo chuyên nghiệp, đủ năng lực.

Theo TS Lê Minh Công, bất cứ hành vi bạo lực nào trong nhà trường đều không thể chấp nhận. Hành vi học trò bạo lực với chính giáo viên của mình là tình trạng đáng báo động, vấn đề đạo đức xã hội, cần phải nhìn nhận ở khía cạnh hệ thống – xã hội chứ không chỉ trong trường học (bao gồm các yếu tố tác động từ nền tảng giáo dục, yêu thương của gia đình, môi trường xã hội; trong đó có yếu tố mạng xã hội, áp lực và căng thẳng từ nhà trường, thậm chí chính giáo viên).

Vì thế, hỗ trợ, giáo dục học sinh cần sự thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chứ không thể phó mặc nhà trường. “Lâu nay, chúng ta thường nói đến mối quan hệ không thể tách rời giữa gia đình (cha mẹ), nhà trường (giáo viên) và xã hội; song có lẽ sự kết nối này vẫn rời rạc, thiếu vắng, thậm chí mâu thuẫn với nhau. Việc hỗ trợ đời sống tinh thần của học sinh thông qua giải pháp tâm lý trường học là cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay”, TS Lê Minh Công khẳng định.

Tâm lý học đường hướng nhiều đến nền tảng khoẻ mạnh của bất cứ cá nhân nào thông qua nhiều dịch vụ như: Phòng ngừa và can thiệp. Tuy nhiên, phòng ngừa phải là quan trọng. Song, để có được các dịch vụ chuyên nghiệp, điều đầu tiên nhà tâm lý phải có chính sách làm việc độc lập, theo chuẩn giá trị ngành nghề. Họ phải có năng lực và được hỗ trợ, kết nối của cả hệ thống.

“Nếu chỉ có một nhà tâm lý thì không thể giải quyết hết mọi vấn đề về đời sống tinh thần, mối quan hệ hay học tập của học sinh. Hỗ trợ tâm lý bao hàm cả học sinh và giáo viên hay bất cứ thành viên nào trong trường học. Do đó, họ phải được làm việc độc lập và tuân thủ chặt chẽ các giá trị đạo đức xuyên suốt”, TS Lê Minh Công nêu quan điểm.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Cần hệ thống chuyên nghiệp

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông (Thông tư 20). Theo đó, bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông. TS Lê Minh Công nhìn nhận, đây là động thái tích cực, giúp giáo viên, học sinh được tư vấn tốt hơn; từng bước ngăn chặn bạo lực học đường.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không cho họ các nền tảng cơ bản và thiết chế độc lập để làm việc thì có thể xảy ra các tình huống: Nhiều người làm cho có và nhiều người khác sẽ bị kiệt sức vì yêu nghề… “Vì thế, chúng ta muốn giải quyết dứt điểm các vấn đề tâm lý, sức khoẻ tinh thần của học sinh, giáo viên thì cần một hệ thống chuyên nghiệp, không nên “giật gấu vá vai”’, TS Lê Minh Công nhấn mạnh.

Trường học phải thực sự là môi trường giáo dục chuẩn mực, an toàn, thân thiện với thầy, trò và các lực lượng giáo dục khác. Muốn vậy, TS Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Tâm lý, Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, các kiến thức tâm lý, giáo dục cần được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi vào mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường, từ hoạt động giáo dục và dạy học; mối quan hệ thầy – trò cho đến hoạt động quản lý và đảm bảo sức khỏe tâm thần học đường cho học sinh cùng lực lượng liên quan.

Thực tế, với vai trò là nhà giáo dục, các thầy cô giáo vẫn thực hiện những tác động tâm lý theo cách thức khác nhau để hỗ trợ học sinh. Nhiều trường, giáo viên được đào tạo, tập huấn để kiêm nhiệm làm công tác tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, điều này không dễ; vì thế về lâu dài, cần tiến tới mô hình hỗ trợ tư vấn tâm lý; trong đó các chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp giữ vai trò chủ đạo.

Nếu chỉ tập trung cắt hành vi thì tình trạng bạo lực học đường còn diễn ra, TS Nguyễn Thị Thanh Nga – Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhìn nhận, đồng thời nhấn mạnh, cần giáo dục thật tốt các giá trị sống; đó mới là gốc của vấn đề.

TS Nguyễn Thị Thanh Nga viện dẫn, UNESCO đưa ra 12 giá trị sống như sau: Hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, trách nhiệm, hạnh phúc, giản dị, tự do, đoàn kết. Đây là những giá trị sống nhất thiết phải được đưa vào giáo dục cùng kỹ năng sống. Những giá trị sống này cần “cài cắm” vào tất cả nội dung môn học. Tránh giáo dục giáo điều hoặc hô khẩu hiệu… Làm được điều này giúp học sinh có “cái gốc” để tránh xa bạo lực học đường.

Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), Thông tư 20 bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông nhằm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tư vấn học sinh trong các trường phổ thông. Qua đây, cũng như thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác tư vấn tâm lý học đường trong bối cảnh những bất ổn tâm lý học sinh là vấn đề nhức nhối thời gian qua với những biểu hiện tiêu cực như: Bạo lực học đường, bắt nạt trên mạng, rối nhiễu tâm lý dẫn tới các hành vi lệch lạc, tiêu cực…

“Hỗ trợ tâm lý học sinh phải là trách nhiệm của cả hệ thống, chứ không phải của bất cứ ai. Tuy nhiên, hệ thống đó phải khoẻ mạnh, có giá trị tích cực và là nền tảng tích cực cho việc triển khai các hoạt động chứ không chỉ chạy theo thành tích”, TS Lê Minh Công khẳng định.