Phim Việt đang bỏ quên những đề tài đắt giá
“The Glory” (tên tiếng Việt “Vinh quang trong thù hận”) tiếp tục khuynh đảo trên các nền tảng số, trở thành bộ phim được xem nhiều nhất ở nhiều quốc gia, phim lấy đề tài về bạo lực học đường – vốn là vấn nạn nhức nhối, được nhiều người quan tâm.
Loạt đề tài thấm đẫm hơi thở cuộc sống gần như bị bỏ quên trên phim Việt
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động về loạt đề tài nóng, bám sát thực tiễn cuộc sống đang bị đề tài gia đình “nhấn chìm” trên giờ vàng, đạo diễn – NSND Khải Hưng có chia sẻ, ông tiếc nhất những dự án chống tham nhũng. “Sinh tử” ra mắt từ năm 2019, hơn 3 năm đã trôi qua, không biết đến khi nào – những bộ phim có đề tài về công cuộc chống tham nhũng như thế mới lại được lên sóng.
Không chỉ công cuộc sống tham nhũng, nhiều đề tài mang tính “sát sườn” khác đang giúp phim ảnh thế giới khuynh đảo về rating, lại hoàn toàn thiếu vắng trên phim Việt.
Bộ phim “The Glory” được ví là đỉnh cao mới về đề tài bạo lực học đường của Hàn Quốc. Phim gây bão màn ảnh ở nhiều quốc gia và đang là ứng viên nặng ký đoạt Baeksang 2023 ở hạng mục Phim truyền hình xuất sắc.
Bạo lực học đường là vấn nạn nhức nhối từng trở thành đề tài trong loạt dự án phim Hàn, trong đó nhiều tác phẩm xuất sắc, ấn tượng, khai thác góc tối học đường với cách kể chuyện gai góc, chân thực, khiến khán giả sốc.
Nhờ những thước phim bóc trần góc tối trường học, nạn bạo lực học đường đã được cảnh báo ở cấp quốc gia, được chính phủ Hàn Quốc quan tâm sát sao với nhiều chính sách cải thiện.
Bạo lực học đường cũng là một vấn nạn nhức nhối ở Việt Nam. Mạng xã hội trong nhiều năm qua đã rò rỉ, lan truyền hàng loạt video đánh đập bạn bè, bắt nạt tập thể chấn động dư luận, bên cạnh đó còn là những phương pháp giáo dục gây rạn nứt trong mối quan hệ thầy – trò ở trường học. Tuy nhiên, đề tài này vắng bóng trong phim Việt.
Đề tài thanh xuân vườn trường về thời đi học ngây thơ, trong sáng cũng giúp Trung Quốc, Hàn Quốc có nhiều dự án gây sốt, thậm chí trở thành “kinh điển”, được khán giả trẻ Việt Nam yêu thích, truyền nhau lan tỏa những lời thoại thấm thía về tuổi trẻ, tình yêu thời đi học.
Gần nhất, khi bộ phim “Quy lộ” của Trung Quốc được xem nhiều trên các nền tảng, hàng loạt bộ phim thanh xuân vườn trường nổi tiếng một thời cũng được tìm xem lại, có thể kể đến như: Điều tuyệt vời nhất của chúng ta, Gửi thời thanh xuân ngây thơ tươi đẹp, Reply 1988, Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi…
Ở màn ảnh nhỏ Việt Nam, bộ phim “Phía trước là bầu trời” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải được yêu thích trong suốt nhiều năm, kể từ khi phim lên sóng năm 2001. Phim xoay quanh cuộc sống của nhóm sinh viên thuê trọ cùng nhau học tập, đùm bọc lẫn nhau khi lên thành phố học tập.
Để thấy, đề tài về học sinh, sinh viên, thời đi học… luôn được khán giả yêu thích, nhưng đã gần như bị bỏ quên trên màn ảnh Việt.
Cách đây chừng 10 năm, loạt phim về nông thôn như Ma làng, Gió làng Kình, Đất và Người… từng gây tiếng vang, tạo thương hiệu cho nhiều đạo diễn.
Chưa kể đến nhiều đề tài khác được cho là “quá khó” với phim Việt, do yêu cầu về chi phí sản xuất, trường quay, đơn cử như phim lịch sử.
Bế tắc về kịch bản ở phim Việt
Ở cả mảng điện ảnh và truyền hình, đề tài đang ngày càng quẩn quanh, thiếu đa dạng. Gia đình với những mối quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn – hiện vẫn là chủ đề được khai thác nhiều nhất.
Đánh giá về việc đề tài trên phim Việt thiếu bứt phá, thiếu sáng tạo, diễn viên Hứa Vĩ Văn cho rằng, điểm yếu lớn nhất đang nằm ở biên kịch. “Kịch bản phim Việt yếu và thiếu. Để tìm được một kịch bản hay, rất khó. Biên kịch của chúng ta thiếu vốn sống, thiếu trải nghiệm” – diễn viên Hứa Vĩ Văn nói.
Phim Việt đang thiếu biên kịch trầm trọng tính về cả mặt chất lượng và số lượng. Ở cả mảng điện ảnh và truyền hình, những tác phẩm gây sốt nhất hầu hết đều có kịch bản remake (làm lại) do mua bản quyền từ nước ngoài về sản xuất.
Biên kịch Đặng Thiếu Ngân chia sẻ: “Một biên kịch Hàn Quốc có thể sống cả đời với số cát-xê được trả sau một dự án phim gây sốt. Số tiền thù lao biên kịch Hàn nhận được khác xa với số tiền biên kịch ở Việt Nam được trả. Sự so sánh rất khập khiễng.
Việc biên kịch Hàn Quốc có lực lượng đông đảo, viết về nhiều lĩnh vực khác nhau từ chống tham nhũng đến y học, bạo lực học đường… là bởi họ đang làm việc trong một guồng quay công nghiệp. Họ được đào tạo, làm việc chuyên nghiệp, và hơn thế, đó là một nghề được trả lương rất cao”.