Phẩm chất anh hùng Trần Lê Đông
Sau gần 4 năm chống chọi với bệnh ung thư quái ác, vào lúc 19 giờ 14 phút ngày 7/10/2021, Anh hùng Lao động, Tiến sĩ khoa học địa chất dầu khí Trần Lê Đông, nguyên Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (trước đây là XNLD Vietsovpetro) đã nhẹ nhàng ra đi về với thế giới người hiền. Ông là biểu tượng của bông hoa đẹp tình hữu nghị Việt – Xô trước đây, Việt – Nga hôm nay, để lại sự cảm mến và thương tiếc của nhiều người trong và ngoài ngành dầu khí.
Phạm Quốc Toàn
Nhận bằng tiến sĩ địa chất dầu khí hạng ưu từ Liên bang Xô Viết, Trần Lê Đông về nước nhận nhiệm vụ tại Viện Dầu khí Việt Nam, thuộc Tổng cục Dầu khí. Một thời gian sau đó, tiến sĩ Trần Lê Đông được bổ nhiệm Phân viện phó Phân viện dầu khí phía Nam. Ấp ủ nhiều đề tài nghiên cứu, mong muốn công việc nghiên cứu gắn liền với hoạt động thực tiễn sinh động các giàn khoan dầu trên vùng thềm lục địa, Trần Lê Đông đề đạt với tổ chức nguyện vọng chuyển công tác về Tp. Vũng Tàu, làm việc tại XNLD Vietsovpetro. Theo ông, hoạt động ở cơ sở là điều kiện tối ưu để trải nghiệm kiến thức tích lũy và ý tưởng tiếp tục nghiên cứu khoa học với hoạt động thực tiễn sống động.
Và năm 1987 niềm vui vỡ òa, Trần Lê Đông nhận quyết định chuyển công tác đến Xí nghiệp Khai thác, thuộc XNLD Vietsovpetro, với chức vụ Phó Giám đốc – Chánh Địa chất của Xí nghiệp cho đến năm 1989. Chính trong thời gian này, Trần Lê Đông có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu “Vỉa dầu trong móng”. Trần Lê Đông không có vinh dự tham gia vào quá trình phát hiện ra “Vỉa dầu trong móng” của mỏ Bạch Hổ nhưng ông lại rất tự hào đã cùng tập thể người lao động Xí nghiệp Khai thác làm việc quên mình, không kể ngày đêm, để khai thác tấn dầu đầu tiên từ tầng móng mỏ Bạch Hổ.
Từ năm 1990 đến năm 1995, Trần Lê Đông được bổ nhiệm Phó Viện trưởng thứ nhất và từ năm 1996 đến năm 1998 là Viện trưởng Viện NIPI thuộc XNLD Vietsovpetro. Trong hơn 8 năm chủ trì công việc nghiên cứu khoa học của Viện, Trần Lê Đông đã gặt hái nhiều kết quả mĩ mãn và thành công về nghiên cứu khoa học và ứng dụng các công trình nghiên cứu vào hoạt động thực tiễn địa chất dầu khí biển.
Việc Vietsovpetro phát hiện ra tầng chứa dầu trong móng đá granit trước Đệ Tam ở vùng mỏ Bạch Hổ có trữ lượng lớn ở Đông Nam Á, đã đưa ra một cách nhìn mới mẻ và khả quan, xác định một phương hướng mới trong chiến lược thăm dò địa chất dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Đây là đóng góp có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn cho ngành Dầu khí Việt Nam và thế giới. Việc phát hiện ra vỉa dầu trong tầng móng đã khó thì việc phải tìm ra giải pháp khai thác nó với hệ số thu hồi dầu lớn nhất, để tận dụng triệt để tài nguyên lòng đất lại là công việc khó khăn hơn nhiều.
Với cấu tạo địa chất phức tạp của các vỉa dầu có tầng chứa nứt nẻ trong tầng móng chưa có một công trình khoa học nào được đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp thu hồi dầu một cách có hiệu quả. Giai đoạn 1992-1993, vấn đề này được đặt ra cấp bách. Đội ngũ cán bộ khoa học của Viện NIPI thuộc XNLD Vietsovpetro đã mày mò nghiên cứu, tìm ra nhiều hướng đi khác nhau. Trực tiếp điều hành công việc này là Viện trưởng – Tiến sĩ Aresep E.G; Phó viện trưởng thứ nhất – Tiến sĩ Trần Lê Đông và Viện sĩ Vakitop G.G. cùng tập thể các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng giám đốc phụ trách địa chất XNLD Vietsovpetro Ngô Thường San. Sau một thời gian nghiên cứu, Viện NIPI đề xuất giải pháp bảo tồn áp suất vỉa tầng dầu trong móng bằng bơm ép nước .Trong thời gian này, nhiều công ty dầu khí nước ngoài và cả chuyên gia dầu khí của ngân hàng thế giới cũng lần lượt vào XNLD Vietsovpetro nghiên cứu thực trạng để tìm giải pháp thu hồi dầu. Khi nghe Tiến sĩ Trần Lê Đông thay mặt Viện NIPI trình bày phương án đề xuất của mình, nhiều chuyên gia nước ngoài không đồng tình, ngay cả một số chuyên gia của Việt Nam cũng tỏ ra do dự, họ khuyên: “Các ông không bao giờ được dùng phương pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa, bởi vì trong tầng đá móng của các ông có rất nhiều khe nứt nẻ, nếu dùng phương pháp này lập tức các giếng khai thác khác sẽ bị ngập nước”. Và họ chất vấn gay gắt: “Vỉa dầu ngập, thiệt đơn thiệt kép, mất tiền lớn, ai phải chịu trách nhiệm?”.
Tôi hỏi ông về điều này, tiến sĩ Trần Lê Đông tâm sự:
– Lúc đó tôi cảm thấy thất vọng, bởi trong số đối tượng phản đối này có cả chuyên gia kỹ thuật của Ngân hàng thế giới.
Ngay lúc đó, trên bàn họp, Tiến sĩ Trần Lê Đông lập tức vững tâm lại và anh rất tin ở chính mình; tự tin bởi phương pháp XNLD Vietsovpetro đưa ra đã tính toán khá kỹ lưỡng, đã khảo sát thực nghiệm bằng tài liệu thực tế mặc dù chưa có tiền lệ trên thế giới. Dân xứ Nghệ vốn rất “máu”, dám làm dám chịu, lại có thêm những người bạn tin cậy Nga và Việt ngồi cùng bàn họp nháy mắt ngầm cổ vũ, nên Trần Lê Đông thêm vững tâm, không lùi bước. Ngay lúc đó, trong cuộc họp ngày ấy, Trần Lê Đông đứng dậy, nhìn thẳng vào đôi mắt vị chuyên gia kỹ thuật Ngân hàng thế giới, chất vấn ông ta:
– Thưa ngài, nếu không sử dụng phương pháp bơm ép nước vào vỉa thì xin ngài chỉ cho chúng tôi nên áp dụng phương pháp gì?
Câu hỏi khiến vị chuyên gia kỹ thuật Ngân hàng thế giới đỏ mặt rồi lắc đầu trả lời:
– Chính tôi cũng không biết nữa.
Buổi thảo luận xảy ra rất sôi nổi, nhiều luận cứ khoa học, nhiều câu hỏi phản biện hóc búa được nêu ra nhưng cuối cùng các chuyên gia không thuyết phục được nhau.
Thế là XNLD phải đơn thương độc mã trên đường tìm kiếm giải pháp, trông cậy hoàn toàn vào đội ngũ khoa học – kỹ thuật của mình, những người bạn Nga đã sát cánh, tiếp thêm niềm tin cùng các cán bộ khoa học – kỹ thuật Việt Nam trong XNLD Vietsovpetro tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề án.
Phòng Thí nghiệm ở Viện NIPI thuộc XNLD Vietsovpetro được đầu tư hệ thống phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất của Pháp. Những vỉa đá nứt nẻ chứa dầu được mô phỏng tại đây. Mục tiêu nghiên cứu duy nhất được xác định. Nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau của các viện nghiên cứu khoa học của Việt Nam phải vào cuộc, nhiều thành tựu khoa học tiên tiến được ứng dụng, đặc biệt chuyên ngành thủy động lực học phải nghiên cứu kỹ sự giao thoa giữa các giếng với nhau để kết luận có sự liên hệ thủy động lực hay không?
Thời điểm đó, Trần Lê Đông và các đồng nghiệp ở Viện NIPI làm ngày làm đêm, làm việc cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ. Giọt mồ hôi nhễ nhại, chảy dài trên má, Trần Lê Đông nói với các cộng sự: “Giọt mồ hôi không phụ công người, nhất định chúng ta sẽ thành công”. Và quả thật, sau một thời gian nghiên cứu, thí nghiệm, Viện NIPI đã cho ra một kết luận chắc chắn và khẳng định: Dùng phương pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa ở tầng móng vùng mỏ Bạch Hổ hoàn toàn có thể thực hiện được, trên cơ sở phải tuân thủ triệt để ba nguyên tắc. Một là, bơm đúng chỗ phần dưới tầng chứa dầu. Càng sâu càng tốt, vì tầng chứa dầu ở đây không có nước đáy cho nên phải tạo ra tầng nước đáy để đẩy dầu lên. Hai là, bơm đúng lúc. Khi bắt đầu khai thác là phải bơm ngay để duy trì áp suất vỉa từ đầu. Bởi vì, nếu để áp suất vỉa xuống thấp có thể các vết nứt nẻ sẽ khép lại, khi đã khép lại thì không thể mở ra được nữa, nước ở vùng đáy khi bơm vào cũng không thể đẩy dầu có hiệu quả. Đây là đặc trưng khác hẳn với những vỉa dầu ở tầng trầm tích. Ba là, bơm đúng khối lượng. Đó là nguyên tắc cực kỳ quan trọng, phải tính toán sao cho dòng nước chỉ được đi xuống đáy mà không thể tràn vào kẽ nứt để gây ngập các giếng khác.
Nói thì đơn giản vậy, nhưng nó là bài toán cực kỳ nan giải thách đố các nhà khoa học kỹ thuật XNLD Vietsovpetro. Nhưng bằng mọi nỗ lực và lòng tự trọng, cuối cùng họ đã tìm ra được lời giải. Trong một buổi làm việc với lãnh đạo Viện NIPI, đoàn chuyên gia Viện Nghiên cứu Dầu mỏ nổi tiếng của Pháp, tuy đã xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nhưng họ cũng không ủng hộ phương án thu hồi dầu bằng phương pháp bơm ép nước của các nhà khoa học, nghiên cứu của XNLD Vietsovpetro. Phó Viện trưởng thứ nhất Tiến sĩ Trần Lê Đông, các cán bộ khoa học XNLD Vietsovpetro mời họ đi thăm phòng thí nghiệm để trình bày các kết quả nghiên cứu và phải trả lời họ rất nhiều câu hỏi mang tính phản biện. Lý lẽ khoa học buộc họ phải nhận thức lại rồi chính họ không thể không khẳng định: “Đối với tầng đá móng mỏ Bạch Hổ, không còn cách thu hồi dầu nào tốt hơn, các ông ứng dụng ngay phương pháp này, nhất định sẽ cho ra một hiệu quả bất ngờ”.
Cuối năm 1993, việc thử nghiệm bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa trong tầng móng của Viện NIPI đã được ứng dụng tại giếng 421 vùng mỏ Bạch Hổ đạt kết quả ngoài mong đợi. Các năm tiếp theo phương pháp này đã được áp dụng cho toàn bộ mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng. Nhờ phương pháp này, hệ số thu hồi dầu tầng móng mỏ Bạch Hổ từ 15-18% được nâng lên 35-38%, rồi 40,3%, theo kết quả mô hình hóa năm 2003. Như vậy, việc ứng dụng phương pháp bơm ép nước vào vỉa cho hiệu quả kinh tế cao, mang tính đột biến rõ rệt. Được biết, nếu việc điều chỉnh quá trình khai thác một cách hợp lý, kịp thời thì hệ số thu hồi dầu còn cao hơn nữa.
Thực ra, phương pháp bơm ép nước vào vỉa đã được nhiều nước khai thác dầu mỏ trên thế giới ứng dụng, điều khác nhau ở đây là, họ chỉ thực hiện ở các vùng mỏ trong tầng trầm tích. Với những đặc điểm địa chất rất phức tạp, trong khi đó lại chưa hề có lý thuyết hay kinh nghiệm thực tế dẫn đường, thế nhưng bằng trí tuệ, bản lĩnh, ý chí và quyết tâm, dám nghĩ dám làm, đội ngũ những người làm khoa học ở Vietsovpetro đã tìm ra được giải pháp tối ưu cho việc thu hồi dầu bằng phương pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa ở tầng đá móng. Giải pháp này được coi là một phát minh khoa học phục vụ đắc lực cho ngành Dầu khí Việt Nam và đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại trong quy trình công nghệ khai thác dầu mỏ trên thế giới.
Bằng phương pháp bơm ép nước vào vỉa, tính tới cuối năm 2010 đã làm lợi cho hai nhà nước Việt Nam và Liên Bang Nga hơn 15 tỷ USD. Giải pháp này vẫn còn mang lại hiệu quả cho đến ngày nay. Nhiều mỏ của các công ty liên doanh dầu khí ở Việt Nam như mỏ Rạng Đông của JVPC, mỏ Sư Tử Đen của Cửu Long JOC đã áp dụng phương pháp này để thu hồi dầu trong các mỏ của mình một cách có hiệu quả.
Thành công xuất phát từ sự thông minh sáng tạo và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của XNLD Vietsovpetro, trong đó có tiến sĩ Trần Lê Đông đã góp phần tạo dựng được uy tín và vị thế lớn cho ngành dầu khí Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Hội đồng cấp nhà nước đánh giá cao đề án khoa học bơm ép nước vào vỉa, coi đây là sáng kiến – sáng tạo mới đem lại hiệu quả kinh tế – kỹ thuật của Việt Nam, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của người Việt trong lĩnh vực địa chất dầu khí biển.
Giải pháp khai thác thân trong móng mỏ Bạch Hổ, đặc biệt giải pháp bảo tồn áp suất vỉa bằng bơm ép nước vào vỉa (thân dầu) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế số 5275 ngày 07/11/2005 và là một trong những nội dung chính thành tựu xuất sắc được Chủ tịch nước tặng giải thưởng danh giá: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, năm 2012. Đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học đi đôi với ứng dụng vào thực tiễn để tiến sĩ Trần Lê Đông trở lại nước Nga bảo vệ xuất sắc tiến sĩ khoa học địa chất dầu khí.
Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết gắn Huy hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Tiến sĩ khoa học, Tổng Giám đốc XNLD Vietsovpetro Trần Lê Đông (năm 2009). |
***
Đã có những thời điểm, sự tồn tại của XNLD Vietsovpetro đặt ra trước không ít thách thức. Tìm được dầu, đưa vào khai thác công nghiệp, nhưng sau đó khi XNLD Vietsovpetro tiến hành khoan thăm dò thêm một số giếng nữa, ở vòm phía bắc mỏ Bạch Hổ, kết quả không được như mong muốn. Điều đó cho thấy cấu tạo địa chất vùng mỏ Bạch Hổ rất phức tạp. Thời điểm đó vỉa dầu ở tầng trầm tích Mioxen của giếng số 1 đã giảm sản lượng, ngày một cạn dần, đẩy XNLD Vietsovpetro vào một tình thế hết sức khó khăn có nguy cơ phải thu nhỏ mô hình, hoặc phải chuyển thăm dò nơi khác như tình trạng các công ty tư bản vào thăm dò ở đây, lần lượt rút lui. Dầu khí với công việc thăm dò là thế, ở đâu và bao giờ cũng phải chấp nhận một sự thật phũ phàng mà thuật ngữ của nghề dầu khí gọi là sự rủi ro. Sự rủi ro ấy có thể phải chôn xuống biển hàng triệu USD mà không thấy sủi lên một bọt tăm dầu hy vọng.
Đứng trước vận mệnh ngàn cân treo sợi tóc, lúc đó ban lãnh đạo XNLD Vietsovpetro cùng đội ngũ cán bộ địa chất trong Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế đã tiến hành xem xét, đánh giá lại tầng móng của vùng mỏ này trên cơ sở tồn tại tầng sét dày có khả năng chắn dầu phủ trên tầng đá móng và đặc biệt là hiện tượng mất dung dịch khi khoan vào tầng móng của giếng số 1. Bước đột phá vào tầng đá móng đã phá vỡ những lý thuyết kinh điển của thế giới đã đóng băng trong giáo trình địa chất, theo kiểu “được ăn cả ngã về không” bằng một quyết định thử nghiệm ở mũi khoan số 6. Khi mũi khoan xoáy sâu vào tầng đá móng 23m thì được lệnh ngừng lại thử vỉa. Nghiên cứu đi liền với ứng dụng, sự nghiệp thăm dò, khai thác dầu ở thềm lục địa phía Nam do XNLD Vietsovpetro liên tục thu hái thành công.
Năm 2018 – 2019, với thành công của dự án mỏ Cá Tầm, khai thác liên tục 7 giếng, đạt sản lượng khoảng 16.000 thùng/ngày, dự kiến đạt 23.000 thùng/ngày trong năm 2020, đạt hiệu quả kinh tế đến năm 2032. Đây là sự kiện thêm một dấu mốc quan trọng, trở thành sức bật đối với công việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, mở ra hướng thăm dò mới của Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro trong những năm tiếp theo. Bông hoa của tình hữu nghị Việt – Nga thêm thắm tươi. Năm 2019 và năm 2020 trong bối cảnh ngành dầu khí gặp nhiều khó khăn, thử thách, XNLD Việt – Nga Vietsovpetro vẫn là đơn vị đi đầu, hoàn thành kế hoạch sản xuất trước thời hạn; ngọn cờ về sản xuất, kinh doanh, có đóng nộp lớn cho ngân sách hai nước Việt – Nga. Tháng 6 năm 2021, XNLD Vietsovpetro tròn tuổi 40 – 40 năm hoạt động với bao biến cố thăng trầm – 40 năm khẳng định sự ra đời, tồn tại, phát triển và thành công của một liên doanh kinh tế đặc thù, ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Tổng thống Nga V.V. Putin trao tặng Phó Tổng Giám đốc XNLD Vietsovpetro Trần Lê Đông (thời điểm 2001), Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga. |
* * *
Tôi hỏi Trần Lê Đông về những kỷ niệm sâu sắc, in đậm trong trái tim nhiệt huyết của một trong những người đứng đầu XNLD Vietsovpetro, một nhà khoa học địa chất dầu khí uy tín. Trần Lê Đông nở nụ cười đôn hậu, khiêm nhường, như bản tính xưa nay của ông:
– Kỷ niệm sâu sắc thì nhiều lắm, tôi có dự định ghi lại trong một tập hồi ký, nhưng rồi do công việc cuốn hút không dứt ra được, vài ba năm gần đây sức khỏe giảm sút, nên chưa thể thực hiện. Ví như việc tôi và các cộng sự dám đương đầu với khó khăn, sự khác biệt để tìm và khẳng định phương pháp khai thác dầu khí Bơm ép nước vào vỉa với bao tình tiết xúc động dâng trào; một cuốn sách dày cũng chưa thể nói hết. Một tập thể kiên định, ngoan cường của công trình ấy, tình yêu nẩy nở, hạnh phúc dâng đầy – không có tình bạn, tình đồng nghiệp cao cả luôn bên nhau, hỗ trợ cho nhau sẽ không thể có thành công ấy.
– Nghe nói siêu bão số 9, tháng 12/2006 đổ bộ vào Bà Rịa – Vũng Tàu và Nam bộ. Tổng Giám đốc đã quyết đoán, không đóng giếng khoan mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng? Tôi hỏi cựu Tổng Giám đốc XNLD Vietsovpetro.
Tổng Giám đốc Trần Lê Đông nhớ lại kỷ niệm “siêu bão” ngày ấy, tất cả hiện về như một cuốn phim quay chậm. Đó cũng là một kỷ niệm nhớ đời, theo suốt cuộc đời – năm tháng làm khoa học, làm quản lý của Anh hùng Lao động, doanh nhân, tiến sĩ Trần Lê Đông. Siêu bão số 9, tên quốc tế gọi là Durian, có nghĩa là Sầu Riêng, hình thành từ biển Philippine ngày 29/11/2006, cường độ cực đại 320 km/h, vùng gần tâm bão cấp 14, 15, giật trên cấp 16, dự báo bão sẽ quét qua vùng mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng, đổ bộ vào Việt Nam.
Lẽ đương nhiên, với dự báo đường đi của bão, các giếng khoan phải đóng lại để bảo đảm an toàn, không để xẩy ra sự cố. Siêu bão có thể thổi tung giàn khoan, làm sập giếng khoan, người lao động trên giàn khoan nếu không sơ tán vào bờ sẽ bị bão tố cuốn phăng, nhấn chìm xuống biển dữ. Tai họa không thể đo lường, đong đếm.
Đối với người chỉ huy cao nhất hoạt động giàn khoan thời điểm bão tố, đứng trước hai quyết định nhọc nhằn: Một là, trước khi bão đổ bộ, cần hạ lệnh đóng giếng khoan, rút tất cả chuyên gia, kỹ sư, công nhân vận hành về đất liền. Đây được coi là quyết định an toàn nhất, dễ dàng nhất đối với người chỉ huy cao nhất – Tổng Giám đốc Trần Lê Đông. Tuy nhiên, hệ lụy của quyết định này vào thời điểm tháng 12 sẽ đi liền với việc năm 2006, XNLD Vietsovpetro không hoàn thành kế hoạch khai thác dầu do Chính phủ hai nước giao. Hai là, không đóng giếng khoan, mọi hoạt động ở giàn khoan vẫn diễn ra bình thường, không gây thiệt hại về kinh tế, sản lượng dầu khai thác vào thời điểm cuối năm sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức vượt kế hoạch. Cuối năm 2006, tập thể người lao động XNLD Vietsovpetro sẽ có thêm một mùa tết nguyên đán vui tươi, nồng ấm cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nếu quyết định này không chuẩn xác, diễn tiến không như mong đợi, thiệt hại thật khôn lường, người chịu trách nhiệm trước tập thể, trước Nhà nước và cả trước pháp luật là Tổng Giám đốc – lãnh đủ.
Từ trưa và chiều tối ngày 4, kéo qua sáng ngày 5 tháng12, bầu trời Tp. Vũng Tàu mây đen vần vũ, mưa rất to, gió rít từng cơn, sóng biển ào ạt cao 2 – 3 mét xô bờ trắng xóa. Trên các con đường đổ vào thành phố vắng ngắt xe cộ và người đi lại.
Tổng Giám đốc Trần Lê Đông ngồi yên bên bàn máy, theo dõi sát sao các thông tin của các đài báo bão ở trong và ngoài nước về cường độ, dự báo đường đi của cơn bão. Diễn biến của thời tiết tại Vũng Tàu và theo dự báo của các đài thì cơn bão dị thường này có khả năng đổi hướng, khi gần bờ sẽ quặt xuống chạy dọc theo bờ biển phía Nam qua các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà mau, Kiên Giang…
21 giờ đêm, Chánh kỹ sư XNLD Vietsovpetro Nguyễn Thúc Kháng điện thoại cho Tổng giám đốc xin lệnh đóng các giếng khoan. Tổng Giám đốc Trần Lê Đông mạnh mẽ, dứt khoát, trả lời:
– Theo thông tin tôi có được thì quỹ đạo của bão có thể thay đổi, sẽ chạy dọc bờ biển phía Nam. Không đóng mỏ, công việc khai thác vẫn diễn ra bình thường. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định của mình! Anh có thể ghi lại quyết định của tôi…
Chánh kỹ sư XNLD Vietsovpetro biết rõ bản lĩnh xưa nay của Tổng Giám đốc; biết đó là mệnh lệnh của người chỉ huy. Anh truyền mệnh lệnh của Tổng Giám đốc Trần Lê Đông ra mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng: “Không đóng giếng, vận hành khai thác các giếng như bình thường!”
Tổng Giám đốc Trần Lê Đông thức trắng. Đài PT-TH địa phương liên tục thông báo diễn biến cơn bão, những thiệt hại ban đầu có thể tạm thống kê. Tổng Giám đốc Trần Lê Đông ngồi trước bàn, nhấp thêm một ngụm trà, thắt tim lắng nghe từng cơn gió giật trên mái nhà, những cơn mưa xối xả, nước tràn lênh láng sân vườn, đường ngõ khu phố. Mấy cây trước cửa ngã đổ ngả nghiêng, do bão giật.
Bão đã làm Tp. Vũng Tàu gần như tan hoang. Rừng cây Giá Tỵ trên sườn núi danh thắng Bạch Dinh ngã rạp. Nhiều làng chài ở Bà Rịa – Vũng Tàu như Sao Mai – Bến Đình, Phước Hải, Lộc An, Bến Lội, Bình Châu.v.v… thiệt hại nặng nề. Bão đi men qua Bạch Hổ, dịch xuống Tây Nam bộ, hàng ngàn ngôi nhà bị đổ, tốc mái, nhiều bà con ngư dân tỉnh Cà Mau bị sóng cuốn trôi cùng tàu thuyền, ngư lưới cụ, do bão đổi hướng không xoay trở kịp.
4 giờ sáng, chuông điện thoại đổ liên hồi. Từ Bạch Hổ và mỏ Rồng, các trưởng giàn báo cáo với Tổng Giám đốc Trần Lê Đông: “Mỏ an toàn, vận hành tốt trong bão, dầu vẫn tuôn chảy về trạm rót dầu không bến!”. Chánh kỹ sư Nguyễn Thúc Kháng reo trong máy, khi gọi cho Tổng Giám đốc: “Báo cáo anh, tuyệt vời giàn khoan, anh em Bạch Hổ và Rồng chống chọi bão rất kiên cường!”…
Không gì có thể diễn tả được niềm vui sướng tột cùng vào thời điểm đó của doanh nhân, Tổng Giám đốc Trần Lê Đông. Một quyết định trong bão tố mạnh mẽ, táo bạo, quyết đoán và thành công. Tập thể người lao động XNLD Vietsovpetro năm 2006 vui mừng, biết ơn người chỉ huy dám làm dám chịu trách nhiệm, không bao giờ đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên hoặc cấp dưới, người chỉ huy dám hy sinh mình vì đại cục, vì sự phát triển và lớn mạnh của tập thể doanh nghiệp, của đất nước.
Tổng Giám đốc Trần Lê Đông và tập thể lãnh đạo XNLD Vietsovpetro, năm 2008. |
Tổng Giám đốc XNLD Vietsovpetro Trần Lê Đông (bên phải hàng đầu) cùng ông Tokarev N.P, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí RVO Zarubezhneft của Liên bang Nga, tại kỳ họp Hội đồng VSP lần thứ 29. |
Có thể kể ra nhiều câu chuyện sống động, rất đời thường phẩm chất Anh hùng của nhà khoa học địa chất dầu khí Trần Lê Đông. Tiến sĩ khoa học, Anh hùng Lao động, cựu Tổng Giám đốc XNLD Việt – Nga Vietsovpetro đã mãi mãi đi xa, vào những ngày đất nước ta phải đối mặt với bao khó khăn của đại dịch COVID – 19, cơ bản đã được kiểm soát trên cả nước.
Trần Lê Đông là người có cuộc sống nhân hậu, ứng xử mọi việc nhân văn nhưng bản lĩnh, táo bạo, quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Ông là người có “ý chí thép” cả lúc bệnh chuyển nặng, đau đớn nhưng im lặng chịu đựng và mỉm cười khi ngớt cơn đau. Ông ra đi thanh thản, trong tình cảm nồng ấm của gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
Bài viết này như nén tâm nhang tiễn biệt một người Anh hùng, người bạn quý !
Tp. Vũng Tàu, 8/10/2021
P.Q.T
LTS: Nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn là người chấp bút tập ký sự “Trần Lê Đông – từ làng quê Trung Lễ đến mỏ dầu Bạch Hổ”. TSKH Trần Lê Đông và nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn là đồng hương, người cùng thời, cùng làm việc lâu năm trên cùng một địa bàn. Vì thế, gần nửa thế kỷ nay, hai ông luôn gắn bó bên nhau, trên mảnh đất Vũng Tàu, nơi được coi là thủ phủ của ngành Dầu khí Việt Nam.
NGUỒN: PHẠM QUỐC TOÀN / PETRO TIMES – TẠP CHÍ CỦA HỘI DẦU KHÍ VIỆT NAM