Chính phủ thông qua đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo
Tuần qua, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề pháp luật tháng 6/2023, trong đó xem xét Tờ trình của Bộ GD&ĐT về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, ý kiến trao đổi của các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận thống nhất với Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật.
Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ; phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng pháp luật.
Luật góp phần khẳng định vị thế của nhà giáo. |
Nhấn mạnh đây là luật khó, có tác động lớn trong xã hội, Thủ tướng lưu ý Bộ GD&ĐT tập trung nguồn lực, đảm bảo việc xây dựng và trình dự án Luật đúng tiến độ và có chất lượng; chú ý việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần tiếp thu được tinh hoa của nhân loại, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam; khắc phục được sự tản mạn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo.
Việc Chính phủ đồng ý thông qua đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo có thể nói là niềm vui lớn không chỉ của riêng nhà giáo, mà là của toàn Ngành. Bởi nếu Luật Nhà giáo được thông qua, thì lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của ngành Giáo dục, có một Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo.
Luật góp phần khẳng định vị thế của nhà giáo, đồng thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo được quy định toàn diện, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp nhà giáo.
Theo dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo của Bộ GD&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối năm học 2021 – 2022, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong các cơ sở công lập và ngoài công lập, từ mầm non, phổ thông, đại học và hệ thống dạy nghề.
Ngoài ra, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Gần 115.000 sinh viên đang học tập tại trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước. Đây là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.
Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra từ ngày 27 – 29/6/2023 với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.024.063 em. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%.
Trong những ngày diễn ra kỳ thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng đã dẫn đầu đoàn công tác, trực tiếp kiểm tra ở nhiều địa phương như: Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sơn La, Hòa Bình, Trà Vinh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác coi thi tại tỉnh Hưng Yên. |
Qua hoạt động kiểm tra công tác coi thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, các Hội đồng thi khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót để đảm bảo thực hiện nghiêm túc Quy chế, quy định trong tổ chức Kỳ thi. Việc vận chuyển bài thi về điểm chấm và tổ chức tốt công tác chấm thi, ghép điểm, gửi điểm thi về Bộ cũng được lưu ý.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm nghiêm túc, đúng Kế hoạch.
Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi. Tuy nhiên, sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức Kỳ thi.
Đặc biệt, năm 2023 là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện quy trình có kiểm soát đề thi bằng phần mềm để loại trừ sự trùng lặp. Đề thi năm nay giữ ổn định, nằm trong chương trình lớp 12, không ra vào chương trình giảm tải và có tính phân hóa.
Kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT đã công bố đáp án, thang điểm bài thi Ngữ văn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT. |
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý thực hiện các công đoạn tiếp theo của Kỳ thi. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành Giáo dục mầm non năm 2023.
Các tỉnh, thành cần thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng Quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; triển khai tốt công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các khâu chấm thi, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau khi kết thúc Kỳ thi.
Tra cứu điểm thi vào lớp 10. Ảnh minh hoạ |
Cũng trong tuần qua, thông tin được hàng trăm nghìn phụ huynh Hà Nội quan tâm là kết quả thi vào lớp 10 THPT công lập. Vào chiều ngày 1/7, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập và THPT chuyên; song ngữ tiếng Pháp và chương trình song bằng.
Tốp trường THPT công lập có điểm chuẩn cao nhất vẫn là những trường quen thuộc như THPT Chu Văn An, THPT Kim Liên, THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, THPT Việt Đức, THPT Phan Đình Phùng…