NHỚ CÂY DUỐI QUÊ HƯƠNG
Ảnh:Internet.
Ai đã từng được sinh ra nơi làng quê rồi lớn lên từ đó chắc hẳn sẽ có rất nhiều kỉ niệm đẹp gắng liền với tuổi thơ của mình từ con người, cảnh vật, đến trò chơi trẻ con… bất chợt tôi nhớ về một loại cây thân thuộc trong kí ức tôi đó là cây duối.
Duối là một loài cây mọc tự nhiên. Duối mọc dại rất nhiều trên quê tôi ngày ấy một ngôi làng thuộc mãnh đất miền đông nam bộ. Duối sống theo hàng rào, theo ven đường mòn, trên gò đồi. Nơi đâu cũng thấy họ hàng nhà duối.
Duối thân gỗ, có màu trắng, không nâu hay đen như những loài cây khác. Lá duối tròn tròn cỡ ngón chân cái. Lá duối là món ăn mà trâu bò rất thích.
Điều đặt biệt là cây duối rất dẻo dai. Từ thân duối toả ra rất nhiều nhánh con, xoắn xýt vào nhau đan ken dầy đặc. Với tính chất dẻo dai, có phần mềm mại, những cành duối như những ngón tay đan xen vào nhau tạo ra nhiều hình thù đa dạng.
Có những cây duối mọc bờ rào vườn nhà, ranh đất tạo hình như chiếc dù hay mái hiên nhà và vô hình trở thành trò chơi thân thuộc của bọn trẻ chúng tôi ngày ấy. Những buổi trưa hè nắng nóng, chúng tôi thường hay tập trung kéo nhau đi tắm sông, bắt chim, bắt cá rồi núp bóng dưới bóng mát bờ tre, xen mấy cây duối lớn. Chúng tôi cùng nhau trèo lên ngọn duối có tán xoè rộng, ngồi đánh võng đong đưa, hay nhún nhẩy làm cầu bập bênh mà không sợ cành bị gãy. Lâu dần những cành con mòn nhẵn, quằng xuống như một chiếc võng.
Mùa hè cũng là mùa duối chín. Mỗi khi duối chín, cả một cây duối to đẹp ngất ngây bởi một màu vàng tươi xen kẻ với lá xanh.
Trái duối hình như trái tim lõm phần mũi, nhỏ xíu xinh xinh căng mọng mà mềm mại. Gặp lúc duối chín chúng tôi thi nhau hái. Cái thú là không hái ăn liền, mà hái để khum hai lòng bàn tay lại, đựng đầy trái duối, ngắm nghía khoe nhau rồi mới nhâm nhi từng trái một. Trái duối đưa vào miệng, mật tươm ra. Vị ngọt thanh lan toả như hương vị quê ngấm vào tuổi thơ tôi.
Hồi ấy, đi đâu cũng gặp hình ảnh cây duối. Ven cánh đồng thỉnh thoảng vẫn có những bụi duối to trên bờ mương dẫn nước. Đó là bóng mát để người làm đồng nghỉ chân, hay là nơi để bày biện mâm cơm đồng của cả nhà khi mùa vụ tới.
Trên gò đồi, duối đứng thành từng cụm. Mỗi cây tạo một dáng vẻ khác nhau, nhưng cây nào cũng đẹp. Người nông dân vẫn giữ gìn những cây duối quanh đất đai của mình vừa làm ranh giới, vừa ngăn sạt lở.
Một thời người ta săn duối để làm cây cảnh, nên duối từ môi trường tự nhiên đã về những vườn cây cảnh, nhà biệt thự… Từ đây, duối được tạo hình theo ý tưởng của con người. Nhưng với tôi, duối đứng ngoài thiên nhiên vẫn đẹp nhất. Vì lẽ đó mà duối đã thưa thớt và gần như vắng bóng ở những nơi trước đây được xem là môi trường của duối.
Hôm trước có dịp về thăm đình làng Long Chiến. Trên con đường dẫn vào đình, đoạn đường dài khoảng 3km (từ trung tâm xã đi vào) con đường này ngày trước nguyên là con đường đất đỏ nên hai bên mọc rất nhiều cây duối, có những cây thật sự đã lên hàng “cổ thụ”
nhưng giờ thì đã được nâng cấp thành con đường nhựa thẵng tấp. Và kéo theo đó những cây duối ngày nào đã hoàn toàn biến mất, gây cho tôi cảm giác như mất đi những người bạn thân thiết.
Tôi ước gì duối vẫn còn đó, mộc mạc hiền hoà thân thuộc…
Tò mò tôi rẽ ngang và chạy men theo con đường vào Bến Đôi, ngày xưa đây được gọi là đường Hòm nơi có rất nhiều cây duối 2 bên đường, thật mai mắn trước mắt tôi vẫn còn đây vài cây duối đứng chênh vênh ngạo nghể bên hàng rào nhà ai đó.
Lòng tôi cảm thấy vui như gặp lại người bạn thân lâu ngày không gặp. Bao kí ức lại ùa về.
Rất mừng khi nơi đây vẫn còn duối.
Ôi! những cây duối của tuổi thơ và những cây duối hôm nay tôi gặp lại đây, đã giữ trong tâm hồn tôi một tình quê không bao giờ phai nhạt.
Bài; Lê Hữu Thủy.
Ảnh:Internet.