Nguyên cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo nhận định về nội dung chi trùng vụ án bà Lê Thị Dung
Sau loạt bài phản ánh về vụ án bà Lê Thị Dung – nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An – bị kết án 5 năm tù đăng trên báo Lao Động, độc giả – nhà giáo ưu tú Trần Dư Sinh đã có ý kiến chia sẻ thêm góc nhìn về vụ việc.
Nhà giáo ưu tú Trần Dư Sinh (trú 23/11 Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh, TP. Huế) cho rằng, vấn đề cơ bản trong vụ án bà Lê Thị Dung là có chi trùng hay không.
Vấn đề mấu chốt của vụ án này là cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hưng Nguyên buộc tội cô giáo Lê Thị Dung chủ trì soạn thảo quy chế chi tiêu nội bộ chi trùng 2 khoản: phụ cấp bí thư chi bộ theo Quy định 169-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tính trừ giờ dạy của Giám đốc Trung tâm theo Thông tư 28/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
Theo nhiều chuyên gia luật và cán bộ quản lý các trường THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên đã phân tích, hai khoản chi nói trên là khác nhau, một bên là phụ cấp cấp ủy (phụ cấp trách nhiệm), một bên là định mức tiết dạy (công sức lao động) dành cho chức danh bí thư chi bộ. Do đó, không thể coi đây là hai khoản chi trùng nhau, vì tính chất, đối tượng, mức chi là không trùng nhau.
Tôi là giáo viên có 37 năm công tác, từng làm tổ trưởng chuyên môn ở trường THPT, rồi chuyên viên Sở GDĐT, đã theo nhiều đoàn thanh tra về cơ sở, trong đó có đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường và trung tâm đều chi cả 2 mục này cho cùng một chức danh.
Ngay cả tổ trưởng chuyên môn được phụ cấp chức vụ 0,35 lương cơ bản và giảm trừ 3 tiết/tuần theo định mức tiết dạy/tuần. Bao lâu nay không ai khẳng định là chi sai, trùng lặp và phải xuất toán, không có người nào bị quy kết phạm tội.
Vấn đề đặt ra là đã có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định đã nhận phụ cấp cấp uỷ theo Quy định 169 thì không được hưởng chế độ trừ tiết dạy cho giám đốc theo Thông tư 28/2008 và ngược lại?
Đến nay, tôi chưa thấy có văn nào có nội dung quy định như trên. Do đó, cần xem xét việc buộc tội cô Lê Thị Dung phạm tội đã bảo đảm căn cứ pháp lý hay chưa.
Theo văn bản ngày 18.11.2022 của Sở Tài chính Nghệ An trả lời Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên, quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là “có hiệu lực thi hành trong phạm vi chịu trách nhiệm trước pháp luật của người đứng đầu đơn vị”. Vì vậy, việc quy kết giám đốc ký ban hành quy chế đó là phạm tội cần được xem xét lại một cách cẩn trọng.
Nếu các cơ quan tư pháp của huyện Hưng Nguyên thấy bất hợp lý thì có văn bản kiến nghị Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ GDĐT sửa luật. Việc luận giải để buộc tội nhà giáo Lê Thị Dung trong trường hợp này theo tôi là chưa thuyết phục, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc.
Mong rằng hội đồng xét xử phiên toà phúc thẩm nghiên cứu vụ án một cách đầy đủ, toàn diện, khoa học, khách quan, có khảo sát tình hình thực tế trong các trường phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên và tham khảo ý kiến ngành Giáo dục để có một bản án hợp tình, hợp lý, nhân văn, nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.
NHÀ GIÁO ƯU TÚ TRẦN DƯ SINH