Người vi phạm bỏ chạy, CSGT có được quyền đuổi theo?
Nhiều bạn đọc Báo Giao thông thắc mắc: Lực lượng CSGT có được quyền đuổi theo người vi phạm hay không, nếu xảy ra tai nạn thì xử lý thế nào?
Khi tài xế chấp hành hiệu lệnh của CSGT thì sẽ không có chuyện truy đuổi
Giải đáp thắc mắc trên, luật sư Nguyễn Thị Thuý Kiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong trường hợp người vi phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự thì việc truy đuổi của CSGT, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, người dân… là chuyện bình thường.
Nếu bắt quả tang trường hợp phạm tội như trộm cắp, cướp giật… thì bất cứ ai cũng được quyền truy đuổi, bắt giữ.
Luật sư Nguyễn Thị Thuý Kiều
Theo luật sư Kiều, CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường, nếu phát hiện hoặc nhận được tin báo của nhân dân về trường hợp người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông (TNGT) bỏ chạy; đối tượng mang theo vũ khí, ma tuý; đối tượng có dấu hiệu phạm tội hình sự; phạm tội quả tang như trộm cắp, cướp giật… thì được truy đuổi, bắt giữ.
Còn các trường hợp tài xế chỉ vi phạm giao thông thông thường ở mức xử phạt hành chính, hiện pháp luật chỉ có quy định cho phép CSGT được quyền dừng xe của người vi phạm một cách an toàn để thực hiện việc kiểm tra. Tuy nhiên, pháp luật cũng không quy định cấm CSGT truy đuổi người vi phạm.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật số: 15/2012/QH13, ngày 20/6/2012) thì về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, và phải bị xử lý nghiêm minh.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2016TT-BCA của Bộ Công an cũng khẳng định, CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
“Về nguyên tắc chung, khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, người tham gia giao thông chấp hành thì sẽ không có chuyện CSGT phải truy đuổi. Do đó, việc CSGT có cần truy đuổi người vi phạm giao thông không cần phải được làm rõ, cụ thể trong tình huống nào, ở địa bàn nào thì nên truy đuổi”, bà Kiều phân tích.
Theo bà Kiều, trên thực tế, đã xảy ra trường hợp CSGT truy đuổi người vi phạm dẫn đến TNGT. Do đó, cán bộ, chiến sĩ CSGT có thể chụp ảnh, quay camera ghi lại hình ảnh vi phạm và gửi thông báo xử phạt nguội, không cần thiết truy đuổi.
Tai nạn xảy ra khi CSGT truy đuổi người vi phạm: Xử lý thế nào?
Nếu như trong quá trình truy đuổi người vi phạm giao thông mà xảy ra tai nạn, thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc xảy ra tai nạn là do lỗi của ai, vô ý hay cố ý.
Nếu là lỗi cố ý (CSGT có sử dụng vũ lực như đạp đổ xe, chèn ép xe, chặn đầu xe …) dẫn tới người bị truy đuổi bị thương tích hoặc chết người thì tùy theo mức độ của hành vi và tình huống khi đó mà CSGT có hành vi truy đuổi có thể bị xử lý kỷ luật (đình chỉ công tác, hạ cấp bậc…), phải bồi thường thiệt hại và thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong tình huống này, CSGT có thể bị truy cứu về một trong các tội: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Làm chết người trong khi thi hành công vụ…
“Trường hợp trong quá trình truy đuổi mà CSGT không có lỗi dẫn đến tai nạn, việc tai nạn là do người vi phạm (có thể là vượt đèn đỏ, đánh võng …) thì người CSGT đó không bị xử lý”, luật sư Kiều cho hay.