Nghịch lý hài hước về bữa ăn trong phim Hàn và phim Việt
Khán giả Việt vốn vẫn truyền nhau câu bình luận: “Xem 10 phim Hàn, cả 10 phim đều có cảnh ăn mì. Xem phim 12 tập, tập nào cũng có cảnh ăn kim chi, kimbap”.
Mỗi phân cảnh ăn uống đều là chiến lược
Gần nhất, bộ phim “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” đã đưa món kimbap (cơm cuộn) trở thành “hot trend” trên mạng xã hội. “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” có kịch bản mới mẻ xoay quanh hành trình trở thành luật sư tài giỏi của cô gái mắc chứng tự kỷ Woo Young Woo. “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” ngay khi lên sóng đã liên tiếp lập những kỳ tích về lượng người xem (rating).
Đặc biệt, nhân vật luật sư mắc chứng tự kỷ Woo Young Woo trong phim không thích ăn món gì ngoài kimbap. Woo Young Woo ăn kimbap theo cách riêng, cô luôn sắp xếp những miếng kimbap một cách gọn gàng, ngay ngắn trước khi thưởng thức.
Để chiều theo sở thích của con gái, đồng thời kiếm sống, cha của Woo Young Woo đã mở tiệm bán kimbap ngon nổi tiếng.
Giống như nhiều bộ phim Hàn Quốc khác, “Nữ luật sư Woo Young Woo” đã xây dựng món ăn kimbap công phu và giàu chất liệu như một nhân vật phụ trên phim. Hình ảnh của kimbap khi xuất hiện chứa đựng tính cách, cảm xúc của nhân vật chính.
Một món ăn vốn thân quen, quen thuộc với mỗi người Hàn bỗng khoác lên mình một số phận mới mẻ thông qua những thước phim ở “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo”.
Theo tờ Soompi của Hàn Quốc, khi phim “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” lên sóng, khán giả đổ xô đi ăn kimbap. Món kimbap trở nên thịnh hành ở khắp các cơ quan công sở.
Chính kịch bản, sự chau chuốt và câu chuyện xúc động ở “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” đã biến kimbap trở thành món ăn hấp dẫn, khán giả nào xem phim xong cũng muốn thưởng thức ngay kimbap.
Cách đưa ẩm thực vào phim vốn đã là cả một chiến lược của người Hàn. Ở bất kỳ phim Hàn nào, dù lấy đề tài gì, cũng sẽ có cảnh ăn uống. Những món ăn vốn thân quen, gần gũi với người Hàn như kimbap, kim chi, tokbokki, mì gói… đều được đưa vào những phân cảnh sinh hoạt đậm đặc chất đời sống của các tuyến nhân vật.
Những phân cảnh này được sắp xếp, quay dựng đẹp mắt. Ở nhiều phim, ẩm thực còn được xây dựng, dàn cảnh với cả một chiến lược kịch bản riêng biệt, đầy thông điệp ẩn chứa.
Có thể lấy ví dụ ngay từ bộ phim “Mother of Mine” – phim vừa được Việt Nam mua về làm lại với 2 phần “Thương ngày nắng về”. Người mẹ ở “Mother of Mine” có quán bán món canh xương bò.
Chỉ là món ăn rất đỗi thân quen nhưng đã có câu chuyện riêng, mùi vị riêng, được chăm chút, tỉ mẩn trong từng cảnh quay, qua từng cuộc hội thoại, để khán giả có thể cảm nhận được nhân vật người mẹ nấu canh xương bò ngon như thế nào. Và nhờ món canh xương bò này, bà đã nuôi các con khôn lớn.
Món canh xương bò qua câu chuyện của 3 mẹ con đã chứa đầy cảm xúc, trở thành câu chuyện có đời sống riêng.
Phim Hàn đã biến ẩm thực Hàn trở nên đặc biệt thông qua câu chuyện, kịch bản, cách quay dựng.
Chính nhờ cách làm phim chú trọng đến việc quảng bá ẩm thực, quảng bá cho các món ăn truyền thống của Hàn Quốc như thế, những món đơn giản như kim chi, kimbap hay tokbokki, canh rong biển… đã xuất khẩu và có mặt ở khắp các quốc gia trên thế giới.
Khi mua bản quyền kịch bản “Mother of Mine”, bộ phim “Thương ngày nắng về” xây dựng bà Nga bán bún riêu. “Thương ngày nắng về” được đánh giá “remake” tương đối thành công, thu hút khán giả, tuyến nhân vật giàu cảm xúc, nhưng cách xây dựng hình ảnh về quán bún riêu và món bún riêu cua không có gì đặc biệt.
Phim Việt chưa có chiến lược cho ẩm thực Việt.
Phim Việt đầu tư sơ sài cho ẩm thực
Phim Việt đang nỗ lực để kể những câu chuyện có khả năng thu hút khán giả nhất có thể, ngoài ra, chưa từng chú trọng đầu tư cho thông điệp quảng bá văn hóa, ẩm thực, du lịch… như Hàn Quốc hay Trung Quốc đã làm.
Phim Việt ít cảnh ăn uống, và nếu có, cũng được dàn dựng sơ sài, qua loa, không có bất cứ dụng ý nào, chỉ phục vụ mục đích minh họa cho câu chuyện phim.
Một họa sĩ phụ trách đạo cụ cho phim từng chia sẻ, nhiều phim truyền hình Việt chỉ dựng cảnh bàn ăn từ đồ nhựa. Gà quay bằng nhựa, thịt quay nhựa, xếp lên vài lá xà lách cho đẹp, để ghi hình. Những đạo cụ bằng nhựa này thậm chí còn được dùng đi dùng lại ở nhiều phim.
Những phân cảnh ăn uống trong phim Việt chỉ được quay cho có, trong thời gian dài, các nhà làm phim đã đổ lỗi cho kinh phí. Họ không có kinh phí để đầu tư nhiều cho phân cảnh ăn uống với mâm cao cỗ đầy.
Trên thực tế, để quảng bá ẩm thực thành công, những món ăn Việt cần một chiến lược có tầm nhìn, chứ không chỉ là câu chuyện kinh phí.
Chưa có bất cứ dự án phim nào có mục tiêu xây dựng những thông điệp, câu chuyện có sức truyền cảm hứng cho món ăn Việt để cài cắm vào nội dung kịch bản. Để từ đó, biến những món ăn Việt vốn quen thuộc, gần gũi trở nên sinh động với một số phận đầy cảm xúc trên phim.
Ẩm thực Việt đa dạng, phong phú không kém Hàn Quốc. Nhiều món ăn của Việt Nam được du khách quốc tế yêu thích.
Khi chiến lược công nghiệp hóa văn hóa đang được triển khai, ẩm thực Việt cũng cần một chiến lược bài bản để bước lên màn ảnh.