Ngăn chặn học sinh dùng mạng xã hội để thách đố, giải quyết mâu thuẫn
Vào tháng 2.2023, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) thông tin, vừa xác minh, làm rõ vụ hai nhóm nữ sinh một trường THPT ở thị trấn Thường Tín đánh nhau.
Qua điều tra, lực lượng công an làm rõ, N.H.T, 16 tuổi, học sinh lớp 10 có xích mích qua lại trên mạng xã hội Facebook với N.V.M.A, 16 tuổi, học cùng khối.
Sau đó, M.A kể với bạn về mâu thuẫn với H.T, thiếu niên này liền nhờ hai nữ học sinh khác đi cùng M.A. đến nói chuyện với đối phương, cả hai hẹn gặp nhau tại khu vực cầu Xém vào sau giờ tan học.
Khoảng 11h50 ngày 13.2, sau khi rời khỏi trường, H.T rủ thêm bạn đến điểm hẹn gặp M.A. Tới nơi, hai bên nói chuyện được một lúc thì M.A và hai người bạn đi cùng lao vào đánh H.T, song được can ngăn nên tất cả ra về.
Cay cú vì bị đánh, tối cùng ngày, H.T nhắn tin hẹn M.A. trưa 14.2 ra cầu Xém nói chuyện tiếp.
Đúng giờ hẹn, H.T cùng nhóm bạn ra thì thấy M.A và bạn bè đã chờ sẵn. Cho rằng đối phương đánh mình hôm trước là sai nên H.T yêu cầu nhóm này phải xin lỗi nhưng M.A không nói gì mà lên xe đi thẳng.
Khi tới cuối đường Nguyễn Vĩnh Tích, H.T đuổi kịp nên cùng cả nhóm lao vào túm tóc, dùng dép đánh, đấm M.A. Trong quá trình ẩu đả, một nữ sinh đã quay lại rồi gửi cho bạn bè đăng lên mạng xã hội.
Một vụ việc khác tương tự: Mới đây, vào tháng 3.2023, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết đã khởi tố bị can đối với 8 đối tượng có độ tuổi từ 14 -16 tuổi đang là học sinh về tội cố ý gây thương, để điều tra theo quy định.
Theo đó, xuất phát từ việc thách thức trên mạng xã hội Facebook, các đối tượng đã hẹn nhau qua mạng, sau đó dùng dao chém gây thương tích cho 2 nạn nhân.
Hình ảnh học sinh đánh nhau rất phản cảm, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của trường, của lớp và ngành giáo dục.
Câu hỏi đặt ra đối với những vụ bạo lực học đường, đó là người lớn ở đâu? Người lớn ở đây trước hết phải là phụ huynh học sinh. Việc lo lắng cho con không chỉ đơn thuần là miếng cơm manh áo, sách vở, học hành mà là diễn biến tâm lý của học sinh. Ở lứa tuổi này, tâm lý chưa ổn định cần có sự định hướng, nếu không sẽ bị lệch lạc, nhìn nhận sự việc theo chiều hướng tiêu cực, khi đó sẽ rất khó giải quyết.
Mỗi phụ huynh đều có cách dạy dỗ, giáo dục con khác nhau, tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa để ý con mình nghĩ gì, muốn làm việc gì… Nhiều trường hợp các em tự tìm cách giải quyết và thực hiện theo ý mình một cách cảm tính mà không có sự chỉ bảo, định hướng của phụ huynh.
Hiện nay, đa số học sinh đều được phụ huynh trang bị điện thoại thông minh để liên lạc nên các em dễ dàng tiếp cận với mạng xã hội. Mạng xã hội như “con dao hai lưỡi”, nó có thể cho ta nhiều kiến thức, giúp ta có được bạn bè tốt… nhưng ngược lại nó có thể lôi kéo, dụ đỗ, kích động, lừa đảo…
Đối với học sinh việc sử dụng mạng xã hội để giao lưu với bạn bè là một việc tốt nhưng với mục đích để chửi bới, nói xấu, khiêu khích đánh nhau là việc không nên làm. Thực tế, nhiều trường hợp học sinh lợi dụng mạng xã hội để thách đố, hẹn gặp nhau giải quyết mẫu thuẫn… thường xuyên xảy ra trong thời gian qua.
Ai cũng có quyền sử dụng mạng xã hội, pháp luật không nghiêm cấm việc này, nhưng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị nghiêm trị.
Đối với học sinh cũng không ngoại lệ, các em có quyền sử dụng mạng xã hội nhưng vì chưa trưởng thành nên cần thiết phải có sự giám sát của phụ huynh. Nên khuyến khích con sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho nhu cầu học tập như trao đổi, giải quyết các bài tập, câu hỏi khó, các phương pháp học tập hiệu quả hay chia sẻ những câu chuyện bổ ích, mang tính giáo dục hoặc có thể nắm bắt thông tin của trường, của lớp, thông qua đó, để giúp đỡ các bạn có học lực kém hay hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Phụ huynh thay vì cấm đoán thì hãy thường xuyên nhắc nhở, giám sát con mình sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn. Đừng để các em “cô độc” với mạng xã hội, nếu không sẽ có nguy cơ bị lạm dụng và vi phạm pháp luật.
laodong.vn