Mạng xã hội ngày càng độc hại, nghệ sĩ phải lên tiếng tự bảo vệ chính mình
Chuyện nghệ sĩ bị lan truyền tin đồn có clip nóng, ghép mặt vào video nhạy cảm, ảnh hưởng danh tiếng cho thấy MXH độc hại và họ phải tự bảo vệ chính mình.
Khi nghệ sĩ nữ bị tung tin đồn lộ clip nhạy cảm
Ngày 8/12, Phương Mỹ Chi lên tiếng phủ nhận là nhân vật xuất hiện trong clip nhạy cảm xuất hiện trên mạng. Giọng ca Vũ trụ có anh là nạn nhân mới nhất của vấn nạn lan truyền tin đồn lộ clip nhạy cảm trên mạng xã hội thời gian qua.
“Thông tin trên là sai lệch, vô căn cứ và ảnh hưởng đến hình ảnh, tâm lý của tôi cùng khán giả yêu thương tôi. Tôi xin khẳng định đó là thông tin bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự. Tôi luôn không ngừng nhắc nhở bản thân phải có ý thức, trách nhiệm giữ gìn hình ảnh”, Phương Mỹ Chi nói.
Phương Mỹ Chi nói cô yêu cầu cộng đồng mạng ngừng nhắc tên cô trong những clip nhạy cảm. “Việc nhiều người chia sẻ bài viết và nhắc tên tôi không đơn giản là phát tán thông tin chưa xác thực trên mạng, mà là hành vi tiếp tay vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu hình sự”, cô chia sẻ thêm.
Phương Mỹ Chi không phải sao Việt duy nhất bị lan truyền tin thất thiệt.
Năm 2021, Ninh Dương Lan Ngọc bị gọi tên, sau khi một tài khoản đăng video nhạy cảm lên mạng, khẳng định đó là diễn viên Cánh đồng bất tận.
Nữ diễn viên nhanh chóng giải thích, bác tin: “Đây là cú sốc với tôi. Là nghệ sĩ hoạt động chân chính và đang đại diện cho nhiều nhãn hàng uy tín, tôi luôn giữ gìn hình ảnh, không bao giờ cho phép xảy ra những sự việc thế này”.
Thu Quỳnh cũng là nạn nhân trong vụ bị lan truyền thông tin sai sự thật. Năm 2019, “My Sói” bị gọi tên trong clip nhạy cảm. Nữ diễn viên bức xúc, cho rằng bản thân bị xúc phạm.
Nữ diễn viên sau đó lên bài đính chính, gửi lời xin lỗi, trấn an bạn bè và người hâm mộ bị hoang mang vì tin đồn. Thu Quỳnh đồng thời yêu cầu dừng nhắc tên cô, bức xúc vì bị bôi nhọ bởi thông tin sai lệch.
Một số sao Việt khác như Bích Phương, Hoàng Thùy, MC Hoàng Linh… cũng từng lên tiếng phủ nhận khi có tin đồn lộ clip nhạy cảm.
Mạng xã hội ngày càng độc hại
Pete Cashmore, giám đốc điều hành của trang web truyền thông trực tuyến Mashable, nhận định quyền riêng tư đã chết, mạng xã hội như khẩu súng có thể chĩa vào người nổi tiếng hay bất kỳ ai.
Sự gia tăng sử dụng mạng xã hội trong thập kỷ qua tương ứng với lượng thời gian mọi người dành cho trực tuyến tăng đột biến. Giới trẻ là trung tâm của xu hướng này. Tại châu Âu, thời gian người trẻ sử dụng mạng xã hội đã tăng gấp đôi vào năm 2020 so với 10 năm trước, từ 2-3,5 tiếng/ngày.
Điều này cần được quan tâm vì giới trẻ sống trực tuyến nhiều hơn, dễ trở thành đối tượng bắt nạt người khác thông qua những lời bình luận, chia sẻ tin giả, lan truyền tin đồn và có những quan điểm không thực tế về cuộc sống, bao gồm tung tin đồn nghệ sĩ lộ clip nhạy cảm hoặc chia sẻ công khai video nhạy cảm người khác.
Theo nghiên cứu của tổ chức National Literacy Trust, người trẻ dễ dàng chia sẻ tin giả trên mạng, hầu như không cần bằng chứng, chỉ chia sẻ để đạt được mục đích gây chú ý. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ đẩy người khác vào tâm điểm chỉ trích.
Theo ExpressVPN, tin giả không bao giờ tha cho người nổi tiếng. Chỉ số thông tin sai lệch năm 2023 của trang nghiên cứu chỉ ra nhiều người nổi tiếng như BTS, Taylor Swift, Lionel Mess vướng vào nhiều câu chuyện bịa đặt, thiếu kiểm chứng.
Bên cạnh việc gán ghép những người không liên quan và cho đó là nghệ sĩ, thủ đoạn mới tinh vi hơn để bôi nhọ người nổi tiếng là sử dụng AI, công nghệ deepfake, dán gương mặt sao nữ vào video nhạy cảm, tạo tin giả.
Deepfake được tạo ra từ công nghệ AI, ghép mặt nghệ sĩ vào thân hình người khác, tạo những câu chuyện không đúng sự thật. Công nghệ này hiện là công cụ chính để lan truyền câu chuyện giả mạo về người nổi tiếng.
BlackPink là nạn nhân của vấn nạn deepfake. Loạt video khiêu dâm gắn mặt Jennie, Lisa, cùng các thành viên của nhóm Twice chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Thống kê của Deeptrace cho thấy có đến 96% sản phẩm deepfake có nội dung khiêu dâm, phụ nữ vô tình trở thành nạn nhân, không biết bị lợi dụng hình ảnh.
Theo Xinhua, deepfake gây tổn hại hình ảnh người nổi tiếng. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc từng nhận đơn tố cáo web đen chuyên mua bán phim người lớn của nghệ sĩ (dùng công nghệ deepfake) cho trẻ vị thành niên. Cảnh sát sau đó bắt giữ kẻ cầm đầu đường dây chuyên mua bán video 18+.
Ettoday đưa tin diễn viên kém tên tuổi Chu Ngọc Thần cầm đầu đường dây buôn bán văn hóa phẩm đồi trụy, bôi nhọ hình ảnh người khác. Kẻ phạm tội kiếm tiến bằng cách livestream để “khách” lựa chọn, sau đó dùng công nghệ deepfake ghép mặt nghệ sĩ vào video và rao bán.
Vấn nạn tung video nhạy cảm, nhắc tên người khác, dùng công nghệ deepfake gây ra tình trạng ảnh hưởng danh tiếng của nghệ sĩ. Tuy nhiên, điều này rất khó kiểm soát, truy nguồn. Những kẻ dùng deepfake lại dùng địa chỉ IP giả để trục lợi.
“Nghệ sĩ phải liên tục cảnh giác, đính chính để danh tiếng không bị ảnh hưởng. Mạng xã hội ngày càng độc hại, không có cách nào khác ngoài việc tự bảo vệ chính mình”, chuyên gia nêu ý kiến.