Lý do mức án cao nhất cho Ngọc Trinh là 3 tháng đến 2 năm tù giam
Việc Ngọc Trinh bị bắt tạm giam vì “Gây rối trật tự công cộng”, thu hút dư luận những ngày qua.
Ngày 19.10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét chỗ ở và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (Ngọc Trinh) về tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến vụ việc, Công an TPHCM đã ra lệnh tạm giam Ngọc Trinh trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 19.10.2023.
Trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 21.10, luật sư Trần Viết Hà – luật sư thành viên Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn chia sẻ cụ thể về lý do Ngọc Trinh bị bắt tạm giam.
“Trường hợp này, nếu bị điều tra thì phải vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, hành vi vi phạm là xâm hại tới tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản của người khác. Trường hợp của Ngọc Trinh hoàn toàn không có điều đó.
Ngọc Trinh tự ngã và bị trầy xước. Nhưng, hành vi điều khiển môtô phân khối lớn, buông thả hai tay, nằm trên xe là hành vi vi phạm liên quan tới quy tắc khi tham gia giao thông.
Hành vi đưa truyền video lên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng xấu tới trật tự an toàn xã hội. Và, nó phù hợp với việc cấu thành nên tội “Gây rối trật tự công cộng”, được quy định tại Điều 318 của Bộ luật Hình sự”, luật sư Viết Hà cho biết.
Theo luật sư Trần Viết Hà, với trường hợp “Gây rối trật tự công cộng”, hình phạt thấp nhất là từ 5 triệu đồng tới 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 2 năm, nặng nhất là phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm.
Trong trường hợp phạm tội có tổ chức, khung hình phạt sẽ từ 2 tới 7 năm tù.
Luật sư Trần Viết Hà nhấn mạnh: “Có những sự việc rất đơn giản trong cuộc sống như lái xe môtô, nhiều người sẽ nghĩ, làm sao vi phạm pháp luật? Tuy nhiên, chúng ta sống trong môi trường phải thượng tôn pháp luật. Nên trước khi thực hiện bất kỳ một hành vi nào, chúng ta phải suy xét, tìm hiểu thật kỹ”.
Bên cạnh đó, tại Báo cáo gửi Quốc hội của Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 75/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất các giải pháp nhằm hướng đến việc siết chặt quản lý thông tin, nội dung trên không gian mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix…
“Bộ sẽ tổ chức thực hiện, phối hợp rà quét, xử lý các nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Theo đó, chủ tài khoản mạng xã hội chịu trách nhiệm về việc định danh người dùng, quản lý nội dung livestream, có trách nhiệm gỡ bỏ ngay trong vòng 3 giờ khi có yêu cầu…
ANH TRANG/laodong.vn