Lạm thu núp bóng tự nguyện: Học phí 1 đồng phụ thu 10 đồng

(VTC News) – 

Tình trạng lạm thu mang danh nghĩa các khoản đóng góp “tự nguyện” trở thành câu chuyện đến hẹn lại lên mỗi dịp đầu năm học.

Thời điểm đầu năm học, các bậc phụ huynh ngổn ngang trăm mối lo, tiền mua sắm đồ dùng học tập, quần áo cho con, cộng thêm các khoản đóng góp tự nguyện khác nên gánh nặng tài chính càng chồng chất.

Bài toán cân đối tài chính khiến nhiều cha mẹ trăn trở không yên giấc, nhất là những gia đình khó khăn, đang phải vật lộn với các khoản chi tiêu hàng ngày.

Học phí 1 đồng phụ thu 10 đồng

Con vào năm học mới, phụ huynh lại chất chồng nỗi lo vì trăm khoản phải nộp. (Ảnh minh họa)

Con vào năm học mới, phụ huynh lại chất chồng nỗi lo vì trăm khoản phải nộp. (Ảnh minh họa)

Vợ chồng anh Nguyễn Quốc (37 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) phải tiết kiệm dè xẻn, “dắt túi” hơn 12 triệu đồng mới gọi là tạm đủ để mua sắm cũng như đóng các khoản phí đầu năm học cho hai con lớp 1 và lớp 3.

Tiền học không hết nhiều, con lớp 1 của anh không phải đóng học phí nhưng chi phí thực tế cho con trong năm học mới là vấn đề “đau đầu” – đủ các loại quỹ, chi phí cho hoạt động trải nghiệm, học kỹ năng sống, trang trí lớp học. Số tiền này thường được thu đầu năm, nếu trong năm có phát sinh sẽ “vận động” thêm.

“Tất cả đều được ghi chú là ‘tự nguyện’ nhưng thực tế không nộp không xong, trưởng ban phụ huynh ngày nào cũng nhắn thúc giục“, anh nói. Thông thường, giấy thông báo các khoản thu này sẽ không để đích danh tên trường, cô giáo chủ nhiệm mà sẽ thu theo danh nghĩa của hội cha mẹ học sinh.

Phụ huynh sẽ được thêm vào một nhóm zalo để trao đổi, thảo luận về các vấn đề trong lớp học. Trong đó, đại diện hội phụ huynh học sinh sẽ thống kê, thậm chí là đề xuất các khoản cần đóng góp, thường được xé nhỏ, nếu chỉ đọc qua sẽ nghĩ “không đáng bao nhiêu”. Tuy nhiên, khi gộp hơn chục đầu mục, phụ huynh phải nộp lên đến tiền triệu.

Năm nào cũng thế, các khoản kêu gọi phụ huynh đóng góp trên tinh thần “tự nguyện” dài cả trang giấy. Anh nhớ năm ngoái, trừ các ngày lễ đặc biệt như 20/11, Tết Nguyên đán, 20/10, 8/3, trung thu, ban phụ huynh còn “vẽ” ra quà cho cô giáo lễ giáng sinh, ngày Halloween và nhiều khoản trang hoàng khác.

Năm nay, con gái lớp 3 của anh phải nộp tiền quỹ phụ huynh học sinh hơn 2 triệu đồng, còn cậu con trai lớp 1 phải đóng 3 triệu đồng. Chưa kể đến tiền đồng phục, sách vở… cũng phải tiêu tốn một khoản kha khá nữa.

“Miễn học phí cho học sinh cũng không có nhiều ý nghĩa vì các khoản phụ thu lại gấp mấy lần. Đầu năm, trăm khoản phải nộp, nào là tiền vệ sinh, tiền sinh hoạt câu lạc bộ, tiền cải tạo cơ sở vật chất… Thật không sai nếu nói học phí mất 1 đồng mà phụ thu đến 10 đồng. Phụ huynh không có điều kiện tất tả ngược xuôi mới góp đủ tiền”, vị phụ huynh ngao ngán.

Nhập nhèm các khoản đóng tự nguyện

Con năm nay lên lớp 3, chị Ngọc Mai (37 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đóng hơn 1,5 triệu đồng/học kỳ cho quỹ phụ huynh để mua sắm cơ sở vật chất. Số tiền này được hội cha mẹ học sinh thống kê mua một số đồ dùng, thiết bị, trong đó, đề xuất lắp đặt tivi cảm ứng theo chị Mai là hoàn toàn không cần thiết.

“Một số khoản thu có thể chấp nhận được, nhưng mua tivi cảm ứng thì tôi thấy không phù hợp. Thực tế, tivi treo khá cao, vậy chức năng cảm ứng liệu có sử dụng đến hay không”, chị nói.

Phụ huynh đau đầu vì những khoản thu đầu năm học. (Ảnh minh hoạ)

Phụ huynh đau đầu vì những khoản thu đầu năm học. (Ảnh minh hoạ)

Theo đề xuất, chi phí để lắp đặt thiết bị này cho một lớp học là khoảng 25 triệu đồng. Lớp con chị có 44 học sinh, mỗi em sẽ đóng bình quân gần 600.000 đồng. Trong bảng chi phí do đại diện hội phụ huynh đưa ra không ghi rõ sẽ mua tivi của hãng nào mà chỉ thống kê chi phí mua sắm, kèm thêm công và phụ kiện lắp đặt là 2 triệu đồng.

Chị Mai nói, việc kêu gọi xã hội hóa, đóng góp tự nguyện để mua sắm, tu bổ thiết bị vật chất không phải là điều hiếm thấy ở các trường học trước thềm năm học mới. Thông thường, các việc này được chủ động bàn bạc trong nhóm nội bộ cha mẹ học sinh. Theo đó, quá trình từ đề xuất, xây dựng kinh phí, kêu gọi, nộp tiền… tất cả đều được mang danh là phụ huynh tự nguyện.

Người mẹ 2 con chia sẻ, dù thu nhập của vợ chồng chị vẫn đủ điều kiện để đóng các khoản trên nhưng nếu để nói tự nguyện thì chị cảm thấy không thực tế.

Bên cạnh các phụ huynh hưởng ứng khoản đóng góp này thì cũng có những người “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, chọn cách im lặng đóng tiền vì theo số đông cho an toàn. Việc dồn các khoản xã hội hóa giáo dục vào dịp đầu năm trở thành gánh nặng lớn cho nhiều gia đình.

Ngoài ra, chị Mai nhẩm tính, đầu năm học, mỗi con tốn hơn 5,5 triệu đồng cho các khoản. Các khoản đóng góp trên tinh thần tự nguyện chưa gồm tiền sách vở, đồng phục, học thêm, chi phí ngoại khóa…

Chúng tôi đồng ý đóng góp để phục vụ tốt chuyện học hành của học sinh, nhưng các khoản thu nên hợp tình hợp lý, đừng nói ‘tự nguyện’ nhưng lại trên tinh thần bắt buộc để phụ huynh không quá chật vật“, chị bày tỏ.

Trước thềm năm học mới, câu chuyện lạm thu trong trường học lại “nóng” trở lại. Vừa qua, một phụ huynh có con học lớp 1, trường Tiểu học Hữu Hoà (Thanh Trì, Hà Nội) đăng tải bài viết lên mạng xã hội phản ánh việc giáo viên chủ nhiệm lớp con yêu cầu cha mẹ học sinh đóng góp lắp điều hòa và máy chiếu phục vụ học tập của các con, đặc biệt, kèm theo cam kết phải tặng lại các tài sản này cho nhà trường sau khi các con tốt nghiệp lớp 5.

Theo người này, phụ huynh nào không cam kết tặng lại các tài sản này, nhà trường sẽ không cho lắp mới. Phụ huynh băn khoăn việc vì sao các gia đình phải cam kết tặng lại trường, trong khi những tài sản này có thể để lại học sinh khóa sau sử dụng cho tiết kiệm.

Sau đó, UBND huyện Thanh Trì thành lập tổ công tác gồm các phòng chức năng phối hợp UBND xã Hữu Hòa để kiểm tra xác minh thông tin. Theo ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, kết quả xác minh cho thấy các phụ huynh tự lập nhóm để bàn bạc trao đổi việc lắp điều hòa, nhà trường và giáo viên chưa có chủ trương về việc này.

Dù được “thanh minh”, song câu chuyện này vẫn khiến các phụ huynh “dậy sóng” bàn luận về tình trạng lạm thu đầu năm học.

Hồi tháng 2/2023, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi văn bản trả lời cử tri về kiến nghị xem xét chức năng của Hội cha mẹ học sinh khi để xảy ra “vấn nạn” nhiều khoản thu không đúng quy định.

Về kinh phí hoạt động, Bộ quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản không tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban, như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường.

Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không được thu các khoản tiền phục vụ việc khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

NHI NHI