Không tìm kiếm sự lãng mạn ở huấn luyện viên Troussier
Bất kỳ sự kỳ vọng nào vào lối chơi tấn công lãng mạn của tuyển Việt Nam dưới thời Philippe Troussier có thể sẽ phải thất vọng…
Tân huấn luyện viên Philippe Troussier đã bắt tay vào công việc với đội U23 Việt Nam, chưa chính thức bắt đầu với đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, với phương pháp làm việc mà huấn luyện viên người Pháp thể hiện vài ngày qua, sẽ không có gì khác biệt giữa U23 và đội tuyển quốc gia cả.
Nếu có khác, chỉ là việc cựu huấn luyện viên đội tuyển Nhật Bản sẽ không phải chỉ bảo cho các tuyển thủ quốc gia phải đỡ bước 1 thế nào…
Đương nhiên, giới chuyên môn và người hâm mộ quan tâm đến lối chơi của 2 đội tuyển dưới thời Troussier. Ông đã hứa sẽ áp dụng triết lý tấn công cho bóng đá Việt Nam trong giai đoạn mới.
Cùng huấn luyện viên Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam có giai đoạn thành công với triết lý phòng ngự – phản công. Tuy vậy, tất cả đều hiểu rằng, để thực sự vươn mình, một đội bóng phải biết tấn công.
Khi mục tiêu là World Cup, đương nhiên càng phải tự hoàn thiện khả năng tấn công, chứ tấm vé đến sân chơi thế giới không tự đến với đội bóng chỉ biết phòng ngự.
Vấn đề là, tấn công cũng có nhiều cách. Những đội đủ mạnh, đủ cầu thủ giỏi thì chọn cách áp đặt thế trận, gây sức ép toàn diện. Còn với các đội ở mức trung bình thì sao?
Với bóng đá Việt Nam, liệu có thể tấn công ào ạt? Cũng có thể, nhưng việc duy trì cường độ được bao lâu trong 90 phút lại là chuyện khác.
Khi ông Troussier hứa về bóng đá tấn công, hẳn không ít người trông đợi về một phong cách đẹp mắt, uyển chuyển, lãng mạn… Thế nhưng, sự kỳ vọng đó có thể sẽ phải nhận lại nỗi thất vọng.
Bởi yếu tố “đẹp” của Troussier nằm ở góc độ khác…
Với sự tiếp cận bóng đá thế giới trong nhiều năm qua, nói đến phong cách lãng mạn, người hâm mộ hình dung ngay đến những Fernando Redondo, Zinedine Zidane, Ronaldinho, Andrea Pirlo, Kaka, Lionel Messi…
Sự đẹp mắt, uyển chuyển của họ được gắn với chất thơ, với tính nghệ sĩ. Nhưng rõ ràng, họ ở một “vũ trụ khác”, đẳng cấp khác.
Khi huấn luyện viên có biệt danh “Phù thủy trắng” nổi tiếng cả ở khía cạnh nghiêm khắc, khắt khe, nóng tính, sẵn sàng nổi cáu và hét vào mặt bất kỳ cầu thủ nào, thật khó để thấy sự “lãng mạn” trong lối chơi.
Trong sự nghiệp của mình, Troussier hiếm khi dẫn dắt các đội bóng mạnh. Vì sao vậy?
Vì với những dữ kiện được xâu chuỗi, cá tính của ông dễ “va” với các ngôi sao. Như ở Marseille – câu lạc bộ danh tiếng nhất mà Troussier dẫn dắt, ông và hậu vệ Bixente Lizarazu – một trong những ngôi sao của bóng đá Pháp, đã không thể giải quyết mâu thuẫn khi “không hợp cách làm việc”.
Trước khi đội tuyển Nhật Bản vươn mình trở thành một trong những thế lực của bóng đá Châu Á, Troussier là người rèn họ các vấn đề tổ chức, kỷ luật. Không ít cầu thủ Nhật Bản tỏ rõ việc không thích phong cách của ông.
Vậy nên, khi Troussier cần những con người kỷ luật trong đội hình, yếu tố “đẹp” sẽ được thể hiện ở khía cạnh tập thể. Một tập thể kỷ luật nghĩa là mọi chi tiết đều được thực hiện vì nhau, vì mục tiêu chung.
Đó là lý do vì sao Troussier nói, khi đội có bóng, ông muốn các học trò thực hiện “ít nhất 5 đường chuyền chính xác”. Những người chơi bóng hẳn sẽ hiểu việc này quan trọng thế nào.
Đó là sự khởi đầu cho một pha bóng mà các cầu thủ hiểu và tin rằng, họ dần dần ở đúng vị trí, đúng thời điểm để có thể cùng nhau tạo ra cơ hội dứt điểm. Đẹp là ở chỗ đó – ở sự đồng bộ, gắn kết, liền mạch của tập thể.
Nói Troussier thực dụng như Jose Mourinho cũng không sai, nhưng quan trọng là ông giúp cho đội bóng biết cách tấn công một cách hợp lý. Quan trọng hơn, ông có thể giúp đội đạt hiệu quả tối đa.
TAM NGUYÊN/laodong