Kết quả đáng kể nhất sau 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

GD&TĐ – GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ những kết quả nổi bật đạt được sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW.
Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp. Ảnh minh họa.
Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp. Ảnh minh họa.

Thay đổi về nhận thức

GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, mọi sự đổi mới đều gặp phải khó khăn, cản trở. Trong đó, cản trở lớn nhất là nhận thức về tinh thần đổi mới đã nêu ra trong Nghị quyết; đó là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nước nhà.

Tinh thần này của Nghị quyết đã lan tỏa trong toàn bộ hệ thống, từ cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và toàn bộ xã hội.

“Đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, yêu cầu này có vai trò đặc biệt quan trọng. Dù mức độ nhận thức vẫn chưa đồng đều, nhưng đây là kết quả quan trọng và ý nghĩa nhất. Vì rằng, nhận thức đúng thì hành động mới đúng và từ nhận thức mới đến hành động”, GS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.

Kết quả tiếp theo, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhắc đến việc một hệ thống giáo dục có tính tổng thể và liên thông từ mầm non đến đại học đã được định hình với mạch xuyên suốt đều hướng đến hình thành phẩm chất, năng lực người học.

Trong đó, các mối tương quan ngang và dọc, phổ thông với nghề nghiệp, phổ thông với đại học, các cơ sở bảo đảm học tập suốt đời đã tạo thành một hệ thống logic.

Riêng đối với phổ thông, đây là lần chuẩn bị chương trình GDPT một cách bài bản, khoa học và hệ thống nhất từ trước đến nay.

Vấn đề xã hội hóa giáo dục cũng bắt đầu hình thành rõ nét hơn, thể hiện trong hệ thống trường lớp, biên soạn sách giáo khoa; Nhà nước thông qua Bộ GD&ĐT vẫn giữ vai trò chủ đạo nhằm bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

 

Vấn đề sát thực tiễn hơn nữa là Chương trình GDPT 2018 đã chú trọng đến giáo dục đạo đức, lý tưởng, giáo dục địa phương, giáo dục tiếng dân tộc như là tiếp cận sát thực tiễn và tạo nên sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Trên cơ sở đó, các văn bản pháp lý (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, các Nghị định, Nghị quyết…) kịp thời ra đời tạo hành lang pháp lý cho quá trình thực hiện thuận lợi hơn. Tự chủ đại học là một bước tiến đáng kể nhờ các Luật và Nghị định nói trên. Từ bộ máy đến học thuật và tài chính là những nội hàm quan trọng khẳng định bước đi đúng đắn của chủ trương này.

“Với những mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, những giải pháp phù hợp đã mang lại tín hiệu tích cực trong việc giáo dục toàn diện, cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước”, GS Nguyễn Văn Minh nhận định.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nhiều hạn chế, yếu kém đã được khắc phục

Cũng theo GS Nguyễn Văn Minh, trong 10 năm qua, nhiều hạn chế, yếu kém của GD-ĐT được chỉ ra trong Nghị quyết 29/NQ-TW đã được khắc phục.

Cụ thể, Nghị quyết 29 chỉ ra những hạn chế, yếu kém về chất lượng, về tính liên thông, về lý thuyết và thực hành, quan hệ giữa nghiên cứu và ứng dụng, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống cho người học, phương pháp kiểm tra, đánh giá. Về mặt quản lý còn bất cập, cả chất lượng và số lượng; đầu tư cho giáo dục chưa hiệu quả; cơ sở vật chất còn thiếu và lạc hậu.

Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, những tín hiệu ban đầu đáng mừng đã xuất hiện. Từ chất lượng giáo dục phổ thông đến đại học đã có những chuyển biến tích cực.

Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo có những tiến bộ. Trình độ hiểu biết, năng lực tiếp cận tri thức, công nghệ mới, khả năng sáng tạo và năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên được chú trọng.

Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có kết quả thi Olympic quốc tế cao nhất. Số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tăng mạnh. Một số cơ sở giáo dục đại học và lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo được xếp hạng trong các bảng xếp hạng uy tín của khu vực và thế giới.

Công tác quản lý giáo dục và quản trị trường học có chuyển biến tích cực theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng kế hoạch dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, tăng quyền hạn gắn với trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, trình độ ngày càng được nâng cao. Bất hợp lý về số lượng, cơ cấu từng bước được khắc phục, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT.

Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quản lý và dạy học, cơ sở dữ liệu ngành được xây dựng, chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả.

Cơ sở vật chất trường học được cải thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo mới.

Công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, hệ thống trường học ngoài công lập phát triển nhanh, hoạt động ngày càng hiệu quả. Công tác thi, kiểm tra, đánh giá đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Vẫn còn hạn chế cần tiếp tục khắc phục

Tuy nhiên, cũng theo GS Nguyễn Văn Minh, những tồn tại, yếu kém đã chỉ ra chưa khắc phục được hết ngày một, ngày hai. Ngay cả một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết vẫn chưa triển khai được vì nhiều lý do khác nhau.

Chẳng hạn, chất lượng vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề, nhất là trình độ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cơ cấu ngành nghề còn chưa toàn diện; những ngành khoa học cơ bản đang gặp những khó khăn.

Việc xã hội hóa giáo dục cần có định chuẩn, tránh thị trường hóa vội vàng và cần có sự giám sát chặt chẽ hơn.

Công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử cần cải tiến nhiều hơn nữa. Tư tưởng bằng cấp còn khá nặng nề.

Các đầu tư giáo dục cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, nhất là kiên cố hóa trường học, nhà công vụ cần có một chính sách đặc thù và quyết liệt hơn.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở, cần sự vào cuộc thực chất hơn nữa của gia đình – nhà trường – xã hội. Quan tâm hơn nữa cả việc dạy chữ và dạy người, cần có giải pháp thiết thực hơn, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay.

Sự liên thông trong toàn hệ thống chưa thật thông suốt, định hướng nghề nghiệp chưa thực hiện rốt ráo. Đặc biệt, chưa gắn bó hữu cơ giữa phân luồng, định hướng nghề nghiệp gắn với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tình trạng này lâu dài sẽ tạo nên sự mất cân đối nguồn nhân lực giữa các địa phương.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta đã nhận ra những cái được, những cái chưa được, những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Tôi hy vọng, với một chủ trương đúng đắn, với sự cầu thị và thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế, yếu kém, thời gian tới tinh thần của Nghị quyết sẽ được hiện thực hóa trong thực tiễn giáo dục tốt hơn và chúng ta kỳ vọng sự nghiệp GD-ĐT sẽ có những bước tiến mới. –

 

GS Nguyễn Văn Minh

https://giaoducthoidai.vn/ket-qua-dang-ke-nhat-sau-10-nam-doi-moi-can-ban-toan-dien-gd-dt-post670194.html