Dự báo, xu hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới nếu như không có những giải pháp căn cơ.
Lặng lẽ bỏ bảng đen phấn trắng
Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ giáo viên nghỉ việc, bỏ việc nhiều nhất cả nước. Ông Nguyễn Văn Phong – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, từ tháng 1/2021 đến nay, ngành Giáo dục địa phương có hơn 500 giáo viên nghỉ việc. Tình trạng này chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên nghỉ việc, bỏ việc do thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống.
Tương tự, tại một số địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…, tình trạng giáo viên bỏ việc vẫn xảy ra.
Theo TS Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), những khu vực này, giáo viên có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn. Một số địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, số giáo viên nghỉ việc do lương, trợ cấp còn thấp, chưa tương xứng, trong khi khối lượng công việc nhiều.
Chứng kiến cảnh hàng loạt đồng nghiệp xin nghỉ việc, chuyển việc, cô La Thị Mây – giáo viên Trường Tiểu học Năng Khả (Na Hang, Tuyên Quang) nhìn nhận, mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng nhưng giáo viên vùng cao sẽ khó khăn hơn nhiều. Cũng vì lương thấp nên không ít đồng nghiệp lặng lẽ bỏ nghề, chuyển việc. “Tiền lương là yếu tố quan trọng, giúp giáo viên có thêm động lực bám trường, bám lớp”, cô Mây khẳng định.
Để “giữ chân” giáo viên bám trụ với nghề, cô Mây cho rằng, cần có giải pháp tổng thể, dài hơi và mang tính bền vững. Theo đó, tăng thu nhập để giảm nỗi lo cơm áo, gạo tiền cho giáo viên cũng là giải pháp hữu hiệu.
Ngoài ra, cần tiến hành cải cách tiền lương theo hướng ưu tiên tính chất đặc thù của nghề dạy học; có như vậy giáo viên mới an tâm công tác. Cùng với đó, cải thiện điều kiện làm việc, mỗi cơ sở giáo dục cần xây dựng môi trường sư phạm cởi mở, dân chủ để giáo viên có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đến trường.
Giải pháp gốc rễ
Cho rằng, gốc rễ của vấn đề là giải quyết thu nhập cho giáo viên, TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh, nếu không giải quyết căn cơ vấn đề này, giáo viên buộc phải bỏ nghề hoặc làm thêm để đảm bảo cuộc sống. Hiện, mức lương của giáo viên trung bình 5 – 7 triệu đồng/tháng/người. Mức lương này không phải là cao. Bởi, công nhân lao động phổ thông cũng có thu nhập từ 7 – 9 triệu đồng/tháng.
Học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài |
“So sánh như vậy để thấy thu nhập của giáo viên thấp đến mức nào”, TS Hoàng Trung Học nói và đưa ra khuyến nghị, các nhà quản lý giáo dục cấp trường, phòng, sở, bộ phải ngồi lại với nhau để rà soát công tác quản lý giáo viên. Hãy cắt giảm những cuộc thi không cần thiết và loại bỏ sổ sách hành chính, nhiệm vụ kiêm nhiệm đang chi phối giáo viên. Rũ bỏ tất cả thủ tục hành chính làm giáo viên mệt mỏi, để thầy cô được dành trọn thời gian cho công tác giảng dạy, giáo dục.
Từ thực trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, bỏ việc, ông Lê Tuấn Tứ – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa, đại biểu Quốc hội khóa XIV đề xuất, Bộ GD&ĐT, các địa phương cần tham mưu, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội về việc không thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục.
Tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; trong khi đó, việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% đã khiến tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục.
Để đảm bảo tính thuyết phục, ông Tứ cho rằng, việc này cần thực hiện bài bản, khoa học và gắn với thực tiễn về số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện nay. Mỗi địa phương cần xác định đâu là khâu quan trọng, thiết yếu để có giải pháp phù hợp, hiệu quả; tránh đầu tư dàn trải. Trước mắt, triển khai đúng, đủ, nghiêm túc, công bằng việc bổ nhiệm, thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giúp các thầy, cô yên tâm công tác.
Tại buổi làm việc với UBND thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy và lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh về việc chuẩn bị năm học 2023 – 2024, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu, ngành Giáo dục thành phố nghiên cứu đề xuất chính sách về thu nhập, điều kiện làm việc thu hút giáo viên các môn học đặc thù còn thiếu như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học và Tiếng Anh tiểu học để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018. TP Hồ Chí Minh không thể thiếu những giáo viên cần thiết như trên.
Dù giáo viên bỏ việc, chuyển việc không nhiều (khoảng 10 giáo viên xin nghỉ việc, chủ yếu là nghỉ hưu trước tuổi), nhưng để tình trạng này không xảy ra, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) – ông Huỳnh Văn Gắt cho hay, UBND huyện đã đề xuất với UBND tỉnh chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên về địa phương.
Các chính sách tập trung vào việc thu hút giáo viên theo khu vực đối với các trường học trên địa bàn khó khăn. Cùng với đó, thu hút giáo viên bộ môn còn thiếu nhiều, khó tuyển dụng ở cấp tiểu học và THCS như: Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Thể dục, Lịch sử, Địa lý…
“Ngoài ra, chúng tôi cũng tham mưu với UBND huyện đề xuất chính sách thu hút giáo viên mới ra trường, giáo viên mầm non… Mức đề xuất hỗ trợ giáo viên là phụ cấp thêm từ 75 – 100% mức lương hiện hưởng hoặc thêm 1 lần mức lương cơ sở mỗi tháng tùy theo đối tượng”, ông Gắt trao đổi, đồng thời nhấn mạnh, huyện cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chế độ, chính sách đối với sinh viên sư phạm; vận động học sinh lớp 12 đăng ký theo học ngành này và trở về phục vụ địa phương sau khi ra trường.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2022 – 2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gần 10.100 giáo viên nghỉ hưu và gần 9.300 giáo viên nghỉ việc).
Trước đó, thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục cho thấy, năm học 2021 – 2022 có hơn 16.200 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành; trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là hơn 10.400 người, giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.
Tính từ tháng 8/2020 – 8/2023, cả nước có khoảng 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc. Hiện, cả nước còn thiếu hơn 118.200 giáo viên, số giáo viên thiếu tăng thêm trên 11.300 người so với năm học 2021 – 2022.
Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tính đến hết năm học 2022 – 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là trên 1,2 triệu giáo viên (tăng 71.927 người so với năm học 2021 – 2022 (trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%) và hơn 100 nghìn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (công lập chiếm 90,4%, ngoài công lập chiếm 9,6%).
Hải Minh