Đội tuyển Việt Nam chưa cần cầu thủ ngoại nhập tịch
Thất bại của đội tuyển bóng đá nam tại Asian Cup 2023 một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về chuyện có nên đẩy mạnh chính sách nhập tịch cầu thủ ngoại.
Sự thua thiệt thấy rõ
Trong giai đoạn Đội tuyển Việt Nam được dẫn dắt bởi Huấn luyện viên Park Hang-seo, cầm hòa 1-1 trên sân tuyển Nhật Bản tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 là một trong những ấn tượng mạnh nhất. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng ở giai đoạn vòng loại đó, Tuyển Việt Nam thua đến 8 trận trước các đối thủ ở nhóm hàng đầu châu Á. Cùng ông Park, chiến thuật của đội là phòng ngự – phản công.
Chuyển sang giai đoạn được ông Philippe Troussier dẫn dắt, triết lý và phong cách chơi đang có sự dịch chuyển sang sự chủ động hơn. Kết quả, sau gần 1 năm, vẫn là chưa tốt. Có nhiều lý do để phân tích, nhưng một trong những khía cạnh cần được lưu tâm là chuyện nhập tịch cầu thủ.
Có 2 kiểu nhập tịch cầu thủ. Một là với những cầu thủ có dòng máu Việt Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Hai là những cầu thủ ngoại hoàn toàn. Từ quá khứ đến hiện tại, đội tuyển quốc gia từng triệu tập những nhân tố thuộc 2 diện này – như Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La hay Huỳnh Kesley (cầu thủ ngoại hoàn toàn) và hiện tại là Đặng Văn Lâm, Nguyễn Filip (gốc Việt).
Trong khi thời gian dành cho các nhân tố ngoại chưa đủ dài để đánh giá, những thể hiện của Văn Lâm và Nguyễn Filip cho thấy họ có thể bổ sung chất lượng – cùng nhiều yếu tố khác, cho đội tuyển. Thêm những minh chứng khác, từ bóng đá Đông Nam Á (với Philippines, Indonesia đẩy mạnh), đến bóng đá trình độ cao trên thế giới, chuyện nhập tịch không còn xa lạ nữa.
Theo một cách hiểu, chuyện nhập tịch giống như việc yếu chỗ nào thì bổ sung chỗ đó. Như Đội tuyển Pháp chẳng hạn, vốn được đánh giá cao về yếu tố lãng mạn nhưng thiếu sức mạnh. Và Đội tuyển Pháp vô địch thế giới lần đầu tiên vào năm 1998 với nhiều cầu thủ gốc Phi, sinh ra ở Lục địa đen, kể cả Zinedine Zidane. 20 năm sau, họ vô địch thế giới lần thứ hai, năm 2022 giành ngôi á quân với đội hình phần lớn là cầu thủ da màu.
Chưa cần cầu thủ nhập ngoại
Từ góc độ tích cực, như đã nói trên, việc yếu chỗ nào bổ sung chỗ đó sẽ giúp Tuyển Việt Nam cải thiện cả về thể hình, thể lực, tốc độ lẫn tư duy chơi bóng, qua đó dần thu hẹp khoảng cách trình độ với nhóm đầu châu lục, đến gần hơn với cơ hội dự World Cup. Dù vậy, cũng có những vấn đề khác, ít nhất là về mặt thời gian theo quy định của pháp luật (tối thiểu 5 năm lao động tại Việt Nam).
Trong khi đó, với Zidane và các đồng đội, họ sinh ra tại Pháp hoặc chuyển đến từ khi còn nhỏ để có đủ thời gian trở thành công dân của quốc gia…
Nhưng cho đến thời điểm này, khi không đồng ý chính sách triệu tập các nhân tố ngoại nhập tịch, người ta hiểu rằng, thể thao Việt Nam đang cần tự đi lên bằng nguồn lực, khả năng và sự tự hào của mình. Thế nhưng, đổi lại, chính thể thao nước nhà nói chung và bóng đá nói riêng phải có sự nỗ lực thay đổi trong tư duy.
Về cơ bản, giới chuyên môn thấy rằng, những cầu thủ nhỏ con thường sở hữu kỹ thuật cá nhân tốt, nên lối chơi ban chuyền nhiều được cho là phù hợp. Nhưng với bóng đá Việt Nam, trong thời gian dài, bóng đá nội phụ thuộc vào ngoại binh nên quen với lối chơi khác. Điều đó cũng kéo theo việc câu lạc bộ đào tạo, tuyển mộ cầu thủ theo hướng đi đó mà bỏ qua yếu tố kỹ năng.
Kết quả là đội tuyển có rất ít cầu thủ thể hiện được kỹ thuật cơ bản khi được yêu cầu chơi bóng một cách chủ động.
Thực ra, trình độ cầu thủ Việt Nam không ở mức quá yếu kém, chỉ là sự kết hợp giữa tâm lý, sự tự ti, bản lĩnh yếu, kinh nghiệm thi đấu kém, nên không thể có tập thể mạnh. Hiện tại, Huấn luyện viên Troussier đang hướng đến áp dụng phong cách chơi đó, ông cần sự ủng hộ từ cơ sở. Nghĩa là sự thay đổi mang tính đồng bộ của nền bóng đá Việt Nam.
Khi vẫn chưa thử tự mình thay đổi, cứ tạm thời bỏ qua ý nghĩ nhập tịch cầu thủ ngoại (vẫn có thể thêm cầu thủ gốc Việt). Vì rõ ràng, bản thân bóng đá Việt Nam chưa làm hết mọi cách có thể với chính nguồn lực của mình. Có thể sẽ mất hành trình dài, nhưng đáng để thử, đáng phải làm.
TAM NGUYÊN
https://laodong.vn/the-thao/doi-tuyen-viet-nam-chua-can-cau-thu-ngoai-nhap-tich-1299053.ldo