Đối sánh để tự hoàn thiện và đổi mới nhờ Chuẩn cơ sở GD đại học

GD&TĐ – Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) với 6 tiêu chuẩn và 26 tiêu chí.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội tại Cuộc thi lập trình điều khiển robot 2023. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội tại Cuộc thi lập trình điều khiển robot 2023. Ảnh: NTCC

Từ góc nhìn của nhà khoa học, các chuyên gia nhấn mạnh, cần thiết ban hành bộ Chuẩn này; qua đó giúp các trường đổi mới tổ chức quản trị và nâng cao chất lượng đào tạo.

Hoàn thiện khung pháp lý

GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, nhấn mạnh, việc ban hành Chuẩn cơ sở GDĐH sẽ là cơ sở xem xét, thẩm định và giám sát các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các trường. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34); từ đó tạo ra đổi mới trong quản lý Nhà nước theo cơ chế tự chủ đại học; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Nhìn chung, về cơ bản các tiêu chuẩn, tiêu chí trong dự thảo thông tư bám sát thực tiễn và quy định ở mức tối thiểu để cơ sở GDĐH áp dụng và vận dụng trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển cho đơn vị mình”, GS.TS Phạm Hồng Quang trao đổi; đồng thời bảy tỏ, dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở GDĐH không thể đáp ứng hài lòng của hơn 200 cơ sở GDĐH. Song nhìn vào dự thảo các tiêu chuẩn, tiêu chí cho thấy, quy định có tính thực tiễn và xuất phát từ thực tế khách quan, tiến tới hội nhập quốc tế.

Cho rằng, những định hướng để đưa ra Chuẩn cơ sở GDĐH là phù hợp, GS.TS Vũ Văn Yêm, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, ĐH Bách khoa Hà Nội, phân tích: Cần có nhiều góc nhìn, trước mắt từ góc độ của pháp luật: Luật số 34 quy định, Bộ GD&ĐT xây dựng Chuẩn cơ sở GDĐH để thực hiện nhiều mục tiêu khác nhau; trong đó có nhiệm vụ quy hoạch phát triển mạng lưới để các bộ, ban, ngành, địa phương và cơ sở GD đầu tư phát triển GDĐH.

Tiếp đó, xu hướng hiện nay, tự chủ đại học đang triển khai mạnh mẽ trong toàn hệ thống. Theo đó, Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào nội bộ hoạt động của các trường. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải quản lý về hiệu quả và chất lượng. Muốn vậy, cần có Chuẩn để làm công cụ thực hiện quản lý, điều này hoàn toàn phù hợp.

Cuối cùng, nhìn trên phương diện của các cơ sở GDĐH, đây cũng là định hướng tốt để các trường đổi mới tổ chức quản trị. Những tiêu chuẩn, tiêu chí cũng như chỉ số trong bộ Chuẩn đưa ra rất tốt cho nhà trường để đổi mới phát triển theo mục tiêu đảm bảo chất lượng, công bằng, ổn định lâu dài và nâng cao hiệu quả.

Đối sánh để tự hoàn thiện và đổi mới nhờ Chuẩn cơ sở GD đại học ảnh 1
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Cơ sở để xếp hạng đại học trong nước

Ngoài ra, Chuẩn cơ sở GDĐH cũng là cơ sở tốt để thời gian tới có thể hình thành xếp hạng đại học trong nước. Theo đó, những tổ chức, cá nhân hoặc đơn vị nghiên cứu, cơ quan tổ chức độc lập có thể dựa vào Chuẩn, các tiêu chí và dựa theo kết quả hoạt động của từng đơn vị để tiến hành xếp hạng.

Đặt vấn đề, có cần thiết phải xây dựng Chuẩn cơ sở GDĐH hay không khi đã có một bộ Chuẩn về kiểm định cơ sở GDĐH? GS.TS Vũ Văn Yêm trao đổi, Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ GD&ĐT ban hành Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, cần phân biệt giữa bộ Chuẩn này với Chuẩn cơ sở GDĐH. Hai Chuẩn này khác nhau. Cụ thể, Chuẩn kiểm định thường dựa theo nguyên tắc là kiểm định theo những gì các trường đã tuyên bố; tức là không có mặt bằng chung cho toàn bộ. Trong Chuẩn kiểm định thì theo nguyên lý: Trường đã tuyên bố như thế nào thì thực hiện đúng như vậy.

Chuẩn kiểm định có quá nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí và tính định lượng thấp. Còn bộ Chuẩn cơ sở GDĐH mang tính định lượng rất cao và đó là khác biệt lớn. Bộ Chuẩn này đi vào những gì thực sự cốt lõi về chất lượng, hiệu quả hoạt động của một trường đại học cho nên rất gọn. Nó phản ánh chỉ số chính của kết quả hoạt động. Còn Chuẩn kiểm định là theo nguyên tắc hướng dẫn, rồi kiểm tra để cho phù hợp.

Ngoài ra, không phải trường nào cũng bắt buộc phải kiểm định. Có nhiều trường không kiểm định nhưng vẫn hoạt động bình thường. Còn Chuẩn cơ sở GDĐH sẽ quy định, hằng năm các trường phải báo cáo chỉ số hoạt động, công khai minh bạch với xã hội; đặc biệt là các chỉ số phải thực sự đi vào giá trị cốt lõi để đảm bảo chất lượng cũng như tính bền vững hoạt động của một trường đại học. Có thể có trường đạt Chuẩn kiểm định nhưng những chỉ số này chưa chắc đã đạt.

Đưa ra phân tích trên, GS.TS Vũ Văn Yêm đồng thời cho rằng, theo Luật số 34, để quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH thì bắt buộc phải đưa ra Chuẩn để Nhà nước đầu tư, phát triển cho các trường và đảm bảo ổn định trong toàn hệ thống. Còn Chuẩn kiểm định không có quy định đó.

“Thực ra, các trường bám vào chỉ số của Chuẩn cơ sở GDĐH để cải tiến sẽ rất tốt; bởi những chỉ số này là cốt lõi. Tất nhiên, cũng còn tùy theo chiến lược phát triển của các trường. Ví dụ, trường đẩy mạnh nghiên cứu thì chú trọng tăng mạnh các chỉ số về nghiên cứu. Những trường theo định hướng ứng dụng sẽ cải tiến, chăm lo cho các chỉ số theo định hướng này”, GS.TS Vũ Văn Yêm nhấn mạnh.

Viện dẫn Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2016 đã thực hiện tự chủ, GS.TS Vũ Văn Yêm cho hay, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đổi mới cơ chế quản trị nhà trường. Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nhiều chỉ số đã đi vào thực chất, hướng đến quản trị dựa trên kết quả hoạt động và dữ liệu. Tức là, khi đưa ra chính sách, quy định, quy chế để cải tiến phải dựa trên cơ sở dữ liệu cụ thể, chứ không thể chung chung được.

Đối sánh để tự hoàn thiện và đổi mới nhờ Chuẩn cơ sở GD đại học ảnh 2
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC

Bảo đảm tính hội nhập

TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT), nhấn mạnh, mục đích sử dụng Chuẩn nhằm thực hiện quản lý Nhà nước đối với GDĐH; quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDĐH; thành lập, cho phép hoạt động đào tạo trường đại học, học viện; giải thể trường đại học, học viện; đình chỉ hoạt động đào tạo của trường đại học, học viện; đảm bảo chất lượng GDĐH; xem xét, giám sát các điều kiện, tiêu chí về mở ngành, duy trì hoạt động ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo.

Dự thảo Chuẩn được xây dựng theo hướng phần lớn các tiêu chí phù hợp với thông lệ quốc tế để đảm bảo tính hội nhập nhưng đồng thời phù hợp với đặc điểm thực tiễn tại Việt Nam như: Tỷ lệ sinh viên/giảng viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, công bố khoa học của giảng viên; tỷ trọng kinh phí nghiên cứu; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, tỷ lệ tốt nghiệp, thôi học; kiểm định chương trình đào tạo…

Để đảm bảo tính khả thi trong triển khai, dự thảo được chỉnh lý ngưỡng chuẩn dựa trên kết quả phân tích, thống kê số liệu khảo sát, đánh giá mức độ đạt được của các cơ sở GDĐH để có tính thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH, tính phù hợp với sự đa dạng và đặc thù của các loại cơ sở GDĐH khác nhau, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho hệ thống GDĐH.

Bên cạnh đó, để thực hiện Chuẩn với lộ trình đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của các cơ sở GDĐH, đối với một số chỉ số có ảnh hưởng lớn tới hệ thống cơ sở GDĐH, dự thảo quy định theo hướng cho phép áp dụng từ năm 2025.

“Bên cạnh các tiêu chí được dự thảo trên cơ sở điều kiện thực tiễn và đặc thù của Việt Nam như: Diện tích xây dựng, diện tích sàn xây dựng, số tháng khuyết vị trí chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, tỷ lệ nhập học, biến động nhập học… một số tiêu chí khác cũng phù hợp với các cơ sở GDĐH mang tính đặc thù như trường đào tạo cho lực lượng vũ trang…”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ.

Đối sánh để tự hoàn thiện và đổi mới nhờ Chuẩn cơ sở GD đại học ảnh 3
Giảng đường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Vẫn còn băn khoăn

Nhấn mạnh đến nội dung của 6 tiêu chuẩn và 26 tiêu chí như trong dự thảo Thông tư đề cập, GS.TS Vũ Văn Yêm ghi nhận, hầu hết tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, có sự khác biệt trong tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí hiện nay là có đối sánh những bộ tiêu chuẩn, tiêu chí của nước ngoài để hội nhập quốc tế, song cũng có những đặc thù của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo GS.TS Vũ Văn Yêm có 1 – 2 tiêu chuẩn, tiêu chí cần cân nhắc thêm để đảm bảo phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Chẳng hạn như tiêu chí về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian.

Cụ thể: Đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ; trên 10% đối với các trường chuyên ngành đặc thù. Đạt trên 40% và từ năm 2025 đạt trên 50% đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ; trên 20% đối với các trường chuyên sâu nghệ thuật hoặc thể dục, thể thao có đào tạo tiến sĩ. “Tất nhiên, tiêu chí càng cao thì càng tốt, nhưng cần có lộ trình phù hợp để nâng dần và bảo đảm tính khả thi”, GS.TS Vũ Văn Yêm nêu quan điểm.

GS.TS Phạm Hồng Quang góp ý thêm, tiêu chuẩn 3 quy định về điều kiện dạy và học nên bổ sung hoặc sửa đổi theo hướng phổ quát hơn. Chẳng hạn, có thể sử dụng cụm môi trường giáo dục; bởi cụm từ này bao hàm cơ sở vật chất, điều kiện dạy – học và cả mối quan hệ bên trong của cơ sở đào tạo.

Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh, trên cơ sở thực hiện Chuẩn, các cơ sở GDĐH sẽ rà soát, củng cố điều kiện đảm bảo chất lượng và hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của đơn vị. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần rà soát, chỉnh sửa các quy định về kiểm định để việc thực hiện trong thời gian tới đảm bảo cơ sở GDĐH đạt chuẩn kiểm định theo từng giai đoạn 5 năm nhưng cũng đồng thời phải đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của Chuẩn.

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, quy định trên nhằm tránh trường hợp có một số cơ sở GDĐH đạt chất lượng kiểm định nhưng khi thực hiện thanh tra, kiểm tra lại phát hiện chưa đáp ứng các quy định tối thiểu về các mặt hoạt động của cơ sở GDĐH theo quy định của pháp luật.

Ở nhiều nước trên thế giới, thông thường kiểm định là bộ phận độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước. Còn Chuẩn cơ sở GDĐH là công cụ để quản lý Nhà nước theo định hướng chung. Chuẩn này có nhiều ý nghĩa, mục tiêu khác, chẳng hạn như để quy hoạch mạng lưới. 

 

GS.TS Vũ Văn Yêm