Di tích lịch sử cấp tỉnh ĐÌNH LONG CHIẾN

Đình Long Chiến tọa lạc tại ấp 2 xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Đại diện chính quyền địa phương và lãnh đạo các cấp dự lễ công nhân di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đình được xây dựng do người dân Việt (thuộc thôn Long Chánh, tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long) xây dựng vào khoảng năm 1820, có tổng diện tích là 4200,6m2. Đó là một công trình kiến trúc tôn giáo tiêu biểu cho tính chất chuẩn mực và kiểu thức một ngôi đình làng nông thôn mang đậm nét miền Đông Nam Bộ. Đình được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 1783/QĐ-UBND ngày 15/7/2011 của UBND tỉnh.
Ban quí tế chụp ảnh cùng chính quyền địa phương và lãnh đạo các cấp.
– Đình có cấu trúc chính bao gồm:
+ Tiền đình với hai bên tả hữu là hai bức phù điêu đắp nổi chữ thọ, sáu cột hiên là cột tròn theo kiểu long trụ án ngữ phía trước. Là nơi nhân dân tập trung sửa soạn vật phẩm trước khi hành lễ trong các dịp lễ hội đình.
+ Chánh điện là nơi đặt bàn thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh ở chính giữa và các vị thần linh khác ở hai bên như: bàn thờ Tả ban và Hữu ban; bàn thờ Tiền hậu, Hậu hiền, Tiên giác, Hậu giác. Phía trước Thành Hoàng là bàn thờ Hội đồng nội.
+ Nhà khách nằm bên trái đình, có không gian thoáng đãng, mát mẻ, lo việc hậu cần mỗi khi có tế lễ ở đình.
– Hàng năm, tại Đình diễn ra hai loại lễ:
+ Lễ chính: Lễ Kỳ Yên tổ chức vào ngày 16 tháng 2 âm lịch;
+ Lễ phụ: Lễ Khai Sơn vào mùng 7 tháng Giêng, Lễ Tam Nguyên vào rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10.
– Đình gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Bình Lợi nói riêng, Vĩnh Cửu nói chung. Đình được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Trong quá trình tồn tại và phát triển, Đình Long Chiến đã trở thành cơ sở vững chắc của cách mạng, là nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử vẻ vang.
– Nơi đây là sở chỉ huy của vị tướng huyền thoại Huỳnh Văn Nghệ trong một số trận đánh buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi tập kết của du kích địa phương, là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường tiếp tế vũ khí, lương thực, thuốc men cho Chiến khu D, góp phần quan trọng trong quá trình giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Dâng hương trong lễ kì yên.
– Đình Long Chiến là một thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; là nơi duy trì, lưu truyền các lễ hội, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp; xây dựng khối đại đoàn kết tình làng nghĩa xóm, tạo nên sức mạnh toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, đình còn là nơi tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp, những người hiền tài và trao đổi kinh nghiệm thành công trong học tập, lao động và sáng tạo.
Ban nhạc lễ trong dịp cúng lễ kì yên.
– Đình Long Chiến hiện nay là di sản được kế thừa, phát huy qua nhiều thế hệ. Gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng và quá trình hình thành, phát triển vùng đất Bình Lợi, chứa đựng những tình cảm, tri thức và cả những lời gửi gắm, nhắn nhủ của các thế hệ tiền nhân cho thế hệ nối tiếp về sự đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước về cội nguồn dân tộc, về đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Nguồn: UBND xã Bình Lợi
LHT.