“Đất rừng phương Nam” và hồi kết dành cho khán giả
Những ngày gần đây, cuộc tranh luận về bộ phim truyện điện ảnh “Đất rừng phương Nam” đã tạo ra một cơn sốt thực sự với những luồng ý kiến trái chiều khác nhau, trên báo chí, truyền thông chính thống và đặc biệt là mạng xã hội.
Việc chọn một tác phẩm văn học nổi tiếng như “Đất rừng phương Nam” và trước đó là thành công của phim truyền hình nhiều tập “Đất phương Nam” để làm một phim truyện điện ảnh “Đất rừng phương Nam” với kinh phí khủng là một nỗ lực đáng ghi nhận của nhà sản xuất và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng êkip làm phim.
Bài viết phản biện của một tiến sĩ chuyên ngành lý luận phê bình văn học nghệ thuật đặt vấn đề về việc đề cao vai trò của hai tổ chức “Nghĩa Hòa Đoàn” và “Thiên Địa Hội” trong phim là chưa đúng với lịch sử; trang phục của diễn viên chưa đúng với người dân Nam Bộ thời kỳ đó, tinh thần, cái hồn cốt mà nhà văn Đoàn Giỏi muốn gửi gắm trong tác phẩm chưa được thể hiện trong phim. Bài viết đã thổi bùng lên những tranh luận dữ dội. Phía phản bác thì cho rằng, phim là sáng tạo riêng của đạo diễn, không thể theo khuôn mẫu của tác phẩm và ngay tác phẩm của Đoàn Giỏi cũng không phải là tiểu thuyết lịch sử. Đứng về phía ủng hộ bộ phim và ngược lại số phê phán phim đều có các nhà báo, nhà văn, KOL, đạo diễn, diễn viên… Ở cả hai phía đều có sự tham gia của những nhân vật có tên tuổi cho thấy vấn đề rất được chú ý.
Văn hóa tranh luận là vấn đề đáng nói đầu tiên. Mọi sự tranh luận đều phải xuất phát trên tinh thần cầu thị, tiếp thu và có những lập luận, cơ sở khoa học. Việc khen, chê một tác phẩm là bình thường và thực sự một tác phẩm tốt thì chê đến mấy nó cũng sẽ không thể mất đi giá trị của nó, nhưng ngược lại một tác phẩm vừa phải thì dù có phủ bao lớp hào quang lên nó vẫn không thể là một tác phẩm lớn. Nhưng việc dùng những ngôn từ miệt thị, mạt sát tư cách cá nhân, thậm chí vô văn hóa là đáng lên án. Ngoài ra, có những người “đục nước béo cò”, “mượn gió bẻ măng” để đẩy sự việc đi xa hơn, có lợi cho mình là điều có thể thấy.
Sự việc đi xa hơn khi có người tung tin giả “Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu nhà sản xuất phim “Đất rừng phương Nam” (ĐRPN) chỉnh sửa các nội dung dư luận phản ánh” – điều này là đáng lên án và cần xử lý nghiêm.
Nhà sản xuất đã lắng nghe ý kiến dư luận với tinh thần cầu thị và đã đổi tên hai tổ chức trong phim thành “Nam Hòa Đoàn” và “Chính Nghĩa Hội”, để hy vọng khán giả đón nhận nhiệt tình.
Nhưng những phản ứng trái chiều về trang phục hay nói đúng hơn là tinh thần hồn cốt của phim… vẫn tiếp tục. Thậm chí có những người chưa xem phim cũng đu “trend” để hoặc là bốc phim lên mây xanh, coi như kiệt tác, hoặc vùi dập đến đất đen, đòi cấm chiếu.
Có người bảo gạt bỏ những yếu tố lịch sử, chính trị thì đây là một phim giải trí làm công phu, đại cảnh hoành tráng, đánh đấm hay, phảng phất phim dã sử, kiếm hiệp, chưa kể nhiều cảnh quay đẹp góp phần quảng bá du lịch Việt, trong bối cảnh điện ảnh cần bắt tay với du lịch. Tuy nhiên thực sự về bản chất, dù là phim giải trí cũng không thể thoát ly hoàn toàn chính trị, nhất là khi phim nói về câu chuyện đi tìm cha trong bối cảnh kháng Pháp. Và nếu lấy cảm hứng từ truyện của Đoàn Giỏi ngay từ những trang đầu đã mô tả cái chợ quê đầy sống động và nhắc tới Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.
Cuộc tranh luận đúng sai chưa đi đến hồi kết và sẽ còn dai dẳng sắp tới, chưa kể chuyện hậu trường phía sau bộ phim từ khâu kịch bản đến khi làm phim, chiếu phim… còn tiếp tục được đào bới với những mục đích khác nhau.
Cũng phải thấy việc chuyển thể từ tác phẩm văn học sang phim truyện điện ảnh là một xu hướng của điện ảnh thế giới nói chung và điện ảnh Việt Nam nói riêng. Và thường thì tỉ lệ thành công của phim là thấp hơn so với tỉ lệ thất bại của phim nhất là với các tác phẩm văn học nổi tiếng, có chỗ đứng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Bộ phim “Đất rừng phương Nam” đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi và thực sự đáng suy nghĩ với nhiều bài học cần rút ra từ nhiều phía, kể cả nhà quản lý. Không thể đóng khung sáng tạo theo góc nhìn cứng nhắc, dập khuôn nhưng sáng tạo sao để không đến mức làm sai lệch, bóp méo, dễ gây ra những hiểu lầm về lịch sử, là cần thiết.
Cuối cùng thì bất cứ một bộ phim nào làm ra là để cho công chúng thưởng thức. Vì thế số đông khán giả và thời gian luôn là sự phán xét công minh nhất mà không phụ thuộc vào ý chí của một người hay một nhóm, tổ chức nào.
VIỆT VĂN/laodong.vn