Hàng ngày, nghệ sĩ quanh quẩn trong ngôi nhà lợp tôn 15 m2 ở con hẻm quận Bình Thạnh. Do chứng giãn tĩnh mạch, thoái hóa khớp, phải dùng gậy khi di chuyển, ông nói hầu như không ra khỏi nhà, chỉ làm bạn với tivi và điện thoại. Ông cũng mắc nhiều bệnh nền như cao huyết áp, tràn dịch màn phổi, hở van tim.
Hồi đầu tháng 4, một số nghệ sĩ đàn em đến tặng quà ông. Tiếp khách, với tay tắt chiếc loa được vặn âm thanh hết cỡ một tuồng cải lương, Hoàng Linh nói: “Tôi mở cải lương cả ngày, sống một mình, nhà có tiếng người sẽ đỡ cô quạnh. Tôi vui lắm vì còn được mọi người nhớ”
Hoạt động nghệ thuật gần 50 năm, ở tuổi xế chiều, nghệ sĩ được một người quen cho ở nhờ vì thương hoàn cảnh. Giữa không gian ẩm thấp, thiếu ánh sáng, đồ đạc bề bộn, ông dành một góc trên mảng tường xám treo ảnh chân dung thời còn hoạt động cho đoàn Sài Gòn 2. Gia tài giá trị của nghệ sĩ là chiếc xe máy và xe đạp gỉ sét.
Không thu nhập, cuộc sống của nghệ sĩ bấp bênh vì mỗi tháng phải tốn vài trăm nghìn tiền điện, nước. Dù vậy, Hoàng Linh nói không thấy tủi thân vì còn có chỗ che nắng mưa, được các nhà hảo tâm, hàng xóm thường xuyên giúp đỡ. Hoàng Linh miêu tả cuộc sống của ông đơn sơ và bình yên. Ông chỉ ở trong nhà, “có gì ăn nấy”. Quen đạm bạc, bữa ăn của ông chỉ là chén cơm trắng với vài con cá khô.
Mỗi sáng, ông thức dậy pha ly trà, lên mạng coi lại các trích đoạn cải lương trên Youtube. Nghệ sĩ nói: “Tuổi già vậy thôi, quanh đi quẩn lại hết một ngày. Tôi bằng lòng với những gì đang có để tự thấy mình còn hạnh phúc”.
Dù tên tuổi không quá đình đám, Hoàng Linh có một thời lăn lộn diễn cải lương khắp các rạp hát lớn nhỏ ở Sài Gòn và tỉnh miền Tây. Yêu nghề, nên có vai là ông nhận, cả những vai là dàn bao cho kép chính, thu nhập đủ sinh hoạt, xăng xe rong ruổi theo đoàn. Khi gia đình ly tán, sân khấu cải lương qua thời hoàng kim, cuộc sống của ông trở nên khó khăn, không kịp chuẩn bị cho tuổi già.
Theo nghệ sĩ, ông từng có vợ con nhưng không giữ được hôn nhân vì mải miết đi diễn, thiếu sự chu toàn cho gia đình. Con đầu lòng của ông đã qua đời, hai người còn lại định cư nước ngoài. “Tôi không buồn khi các con không hỗ trợ chăm sóc cha vì trước đây tôi là người có lỗi”, Hoàng Linh nói.
Ông sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trong một gia đình sáu anh em, cha là thầy đàn Chín Trích. Từ nhỏ ông được tiếp xúc với bộ môn tuồng cổ khi theo cha đi diễn ở đình, chùa. Cha Hoàng Linh cho ông theo học ca với nhạc sĩ Tám Lắm ở đường Bùi Viện, quận 1. Sau vài năm, ông gia nhập vào đoàn cải lương Đồng Ấu Minh Tơ diễn nhiều vở như Tiêu Anh Phụng loạn trào, Mẹ ghẻ con chồng. Sau đó, nghệ sĩ tham gia các đoàn hát từ Đồng Ấu Kim Nam, Trùng Dương, Đồng Nai đến Sài Gòn 2.
Đầu những năm 1980, Hoàng Linh lọt vào mắt xanh của nghệ sĩ Kim Cương, được mời thủ vai vai trung úy Cường trong vở Nhân danh công lý. Ông gia nhập đoàn kịch nói Kim Cương, trở thành một kép đẹp của đoàn, xuất hiện trên băng rôn quảng cáo bên cạnh tên tuổi: Thẩm Thúy Hằng, Huỳnh Thanh Trà. Ông từng vào vai Chu Phác Viên (Lôi Vũ), Tâm (Vực thẳm chiều cao), Vũ Hoàng (Lá sầu riêng).
Không còn diễn cải lương nhiều năm nhưng nói đến sân khấu, Hoàng Linh vẫn nhiệt huyết. Nghệ sĩ cho biết luôn trân trọng các vai diễn dù lớn hay nhỏ. Nhắc đến vai Cường trong vở Nhân danh công Lý, ông nhớ kỷ niệm từng đến nhà riêng của nghệ sĩ Kim Cương ngồi thoại với bà suốt đêm, trước ngày công diễn. Không ngờ, lối diễn của ông được khán giả yêu thích, người trong nghề công nhận.
“Tôi thấy hãnh diện vì có một thời sôi nổi với nghề, thể hiện đa dạng nhân vật. Bây giờ, tôi không còn điều gì hối tiếc hay mong ước. Sống được ngày nào hay ngày đó”, Hoàng Linh nói.
Hoàng Dung
Nguồn VnExpress