Do đó, việc bồi dưỡng, hun đúc tinh thần, kiến thức, kĩ năng… tạo nên nền tảng, sự tự tin cho các em vô cùng quan trọng, cần thiết.
Ý tưởng trong cuộc sống
Tại Diễn đàn “Hành trình học sinh, sinh viên khởi nghiệp” do Trường ĐH Mở Hà Nội phối hợp tổ chức (ngày 1/3), nhiều sinh viên đặt câu hỏi với các diễn giả về việc những kiến thức, kỹ năng cần có để khởi nghiệp? Sinh viên Đinh Tiến Dũng – Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Mở Hà Nội băn khoăn, yếu tố đầu tiên của khởi nghiệp là gì? Làm thế nào để biết ý tưởng khởi nghiệp của mình đúng và có giá trị để phát huy vào thực tiễn?
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova đã chia sẻ, ý tưởng có ngay trong cuộc sống mỗi người. Chẳng hạn, nếu bạn phát hiện một vấn đề mà nhiều người quan tâm thì hãy tìm hiểu và đặt câu hỏi: Tại sao nhiều người quan tâm đến thế, có gì đặc biệt? Khi đó, ý tưởng có thể xuất hiện từ những câu trả lời.
“Ý tưởng khởi nghiệp cũng xuất phát từ những câu hỏi, mâu thuẫn đặt ra trong cuộc sống. Tôi cho rằng, 100% ý tưởng đúng nếu giải quyết được mâu thuẫn thực tế”, ông Lê Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Nam – Giám đốc phát triển kinh doanh MindX schools gợi mở, bất cứ sinh viên nào cũng được học môn Triết học. Trong môn học này có nội dung quan trọng là, nếu đối diện với mâu thuẫn thì cần tìm cách giải quyết. Giải quyết được mâu thuẫn, đồng nghĩa có tiến bộ xã hội.
Viện dẫn về nhân vật khởi nghiệp thành công, bà Jen Vũ Hường – Giám đốc chương trình & cộng đồng BK Holdings, chia sẻ: Một nhà sáng lập, có trụ sở trên 50 quốc gia. Một ngày đẹp trời, hai vợ chồng vào quán uống cà phê và không có chuyện gì xảy ra. Ngày hôm sau, họ tiếp tục vào cửa hàng đó để uống cà phê. Cốc cà phê không khác gì hôm trước nhưng khi về nhà họ cảm thấy mệt mỏi và say.
Hai vợ chồng đã vào Internet để tìm hiểu và biết được thông tin lượng cà phê trong mỗi cốc khác nhau. Vậy là họ có ý tưởng, tại sao không có thiết bị “đo đếm” lượng cà phê. Họ thông báo trên mạng xã hội về thiết bị này, bất ngờ nhận được nhiều đơn đặt hàng. Thời điểm đó, hai vợ chồng chưa có bất cứ thứ gì trong tay nên đành hạ thông tin xuống. Tuy nhiên, lúc nào họ cũng nung nấu về ý tưởng này. Hai năm sau, họ “bắt tay” triển khai thực hiện…
“Từ câu chuyện trên, tôi muốn nói, đôi khi ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ việc chúng ta quan sát hiện tượng xung quanh, hoặc từ những mối quan hệ của người thân, xã hội…”, bà Jen Vũ Hường bật mí.
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội đặt câu hỏi với diễn giả tại Diễn đàn “Hành trình học sinh, sinh viên khởi nghiệp”. Ảnh: TG |
Định vị bản thân
Theo ông Phạm Hùng Anh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT), để khởi nghiệp, các em cần cảm hứng, niềm đam mê và sự chuẩn bị, tích lũy kiến thức cùng những năng lực, kỹ năng mềm.
“Các bạn không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp mới là khởi nghiệp, có thể khởi nghiệp trong doanh nghiệp mà bạn đang làm. Điều quan trọng cần có khát vọng, tri thức, đam mê và ý tưởng tốt…”, ông Phạm Hùng Anh gợi mở.
Đặt vấn đề, hiểu thế nào về khởi nghiệp? Ông Hùng Anh trao đổi, không nhất thiết ra trường, mở doanh nghiệp mới được xem như khởi nghiệp. Các thầy, cô trong trường đại học có khởi nghiệp, dù họ không có doanh nghiệp. Vì vậy, việc sinh viên, học sinh cần làm là học tập tốt, bồi dưỡng và phát triển năng lực, kỹ năng mềm để bù đắp những thiếu hụt.
Với nhiều kinh nghiệm “thực chiến” cũng như giảng dạy trong môi trường doanh nghiệp; ông Nguyễn Đức Cường – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari P&T Việt Nam đã tư vấn, giải đáp những thắc mắc về nghiệp vụ, kinh nghiệm, tình huống sẽ gặp phải trong quá trình khởi nghiệp cũng như trong đời sống thực tiễn. Ông Cường nhấn mạnh đến những kiến thức về phát triển bản thân và định hướng tương lai.
Theo ông Cường, việc đầu tiên các bạn cần áp dụng cách thức định vị bản thân, thuyết con Nhím. Từ đó đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của mình. Ngoài ra, cần hiểu rõ được tầm quan trọng việc đặt mục tiêu; cách đặt mục tiêu theo phương pháp thông minh. Sinh viên cũng cần phân tích được các yếu tố cấu thành nên năng lực. Đồng thời, xác định được xu hướng của thị trường trong tương lai cần gì? Định hướng rèn luyện và tự rèn luyện bản thân. Mặt khác, cần định vị được mình trong tương lai tại các thời điểm quan trọng và lựa chọn, xây dựng những giá trị tốt đẹp cho bản thân.
Khẳng định, những ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng của sinh viên sẽ được nhà trường tiếp tục hỗ trợ, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho hay, việc này sẽ giúp sinh viên có thể tiếp cận gần hơn các đơn vị, doanh nghiệp và tham gia vào sân chơi khởi nghiệp lớn hơn.
Đối với các giảng viên, cần đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp dẫn dắt định hướng, truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng cho sinh viên. Đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang năng lực, phẩm chất toàn diện.
Mặt khác, tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tạo môi trường khơi gợi khả năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Cùng đó, quan tâm, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường trong thời gian tới.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, yếu tố đầu tiên của khởi nghiệp là sinh viên cần có ý tưởng. Trước khi khởi nghiệp, nên quan tâm đến học tập, phát triển bản thân ở lĩnh vực Startup. Thời gian đầu, có thể các bạn sẽ đối diện với khó khăn, thách thức nhưng đừng vội nản chí. Các bạn hãy biến khó khăn, thách thức thành động lực và cơ hội cho mình hoặc có thể tìm đến các chuyên gia để được tư vấn và có những bước đi phù hợp.