Cẩn trọng kẻo mua phải sách giáo khoa giả

GD&TĐ – Hiện nay nhiều trường học tại TPHCM đã công bố danh mục sách giáo khoa sử dụng trong năm học mới ở các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Học sinh lựa chọn sách giáo khoa lớp 11 tại một nhà sách ở Quận 5.
Học sinh lựa chọn sách giáo khoa lớp 11 tại một nhà sách ở Quận 5.

Cùng với đó, các cơ sở cũng thông báo tới phụ huynh cách để tránh nguy cơ mua sách giáo khoa giả (sách in lậu).

Phân biệt sách giáo khoa thật, giả

Nhiều gia đình có thói quen mua sắm sách vở và đồ dùng học tập trong thời gian nghỉ hè để học sinh tranh thủ xem bài học trước khi vào năm học mới. Do đó, hàng năm từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, chủ đề “sốt” sách giáo khoa lại rôm rả trên các diễn đàn, mạng xã hội, đặc biệt với các khối lớp lần đầu tiên triển khai chương trình mới.

Tại nhiều nhà sách trên địa bàn TPHCM những ngày qua không khí rất sôi động. Nhiều học sinh mong muốn sớm mua được bộ sách năm học kế tiếp để có thể tìm hiểu trước nội dung sẽ học trong năm mới. Không chỉ vậy, thị trường mua sách trực tuyến cũng rất sôi động. Nhiều “chợ sách” trên mạng được mở ra, giới thiệu với phụ huynh là cung cấp tất cả bộ sách giáo khoa, từ lớp 1 tới lớp 12.

Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cảnh báo tình trạng sách in lậu diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Cụ thể trên fanpage chính thức của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có bài viết cảnh báo nguy cơ sách giả, cách thức phân biệt sách thật và sách giả (sách in lậu) tới phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Một số nội dung trong sách in lậu được đánh máy lại nhưng không qua các khâu kiểm duyệt như sách thật, có thể làm sai lệch kiến thức. Đối với sách lậu, trên các mã tem vì được in cùng một mã số seri nên không kích hoạt được. Nếu mua phải sách giả, học sinh không thể truy cập và sử dụng kho học liệu điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách in lậu là sách do các cá nhân/đơn vị tự sao chụp hay scan từ tựa sách thật rồi in lại, với nội dung và cách trình bày giống sách thật.

Nhiều cuốn sách in lậu không đảm bảo đầy đủ nội dung, chất lượng hình minh họa để tiết kiệm chi phí in ấn. Sách in lậu được bán ra với nhiều mức giá khác nhau, có thể thấp hơn, nhưng cũng có nơi bán sách lậu ngang với giá niêm yết trên bìa của sách thật.

Cũng theo thông tin Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách in lậu thường bị cắt xén, có khổ sách nhỏ hơn sách thật, đóng gáy cẩu thả, gáy sách mỏng dễ bị bong rời các trang, thiếu trang. Sách in lậu thường in ấn kém chất lượng hơn sách thật, sử dụng giấy in chất lượng thấp, không sử dụng các công nghệ in đặc biệt (ép nhũ, cán mờ…).

Khi mua phải sách in lậu, sách kém chất lượng, người tiêu dùng đã vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, học sinh không được sử dụng những cuốn sách chất lượng, được bảo hộ nguồn gốc. Các hình ảnh, nội dung trong sách bị nhòe, mờ, không rõ nét dẫn đến việc thị lực bị suy giảm nếu sử dụng sách kém chất lượng trong thời gian dài.

Cẩn trọng kẻo mua phải sách giáo khoa giả ảnh 1
Tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp) phụ huynh có nhu cầu nhà trường sẽ mua sách hộ.

Nhà trường hỗ trợ phụ huynh

Bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 cho biết, hàng năm các đơn vị cung cấp sách đều gửi bảng báo giá danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt đến các trường để thông tin cho phụ huynh. Phụ huynh hoàn toàn có thể tự trang bị sách giáo khoa theo danh mục nhà trường đã công bố.

Ngoài ra, nếu phụ huynh có nhu cầu đặt mua sách tại trường, các trường sẽ hỗ trợ tổng hợp số lượng để chuyển đến các đơn vị cung cấp nhằm tránh hàng giả. Hiện tại, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận đã công bố với phụ huynh học sinh các bộ sách giáo khoa mà con em mình học trong năm học mới để phụ huynh nắm thông tin.

“Phụ huynh có thể đăng ký tại bộ phận thư viện để trường tổng hợp nhu cầu chuyển cho đơn vị cung cấp, giúp phụ huynh và học sinh không bị lúng túng về việc trang bị sách giáo khoa. Các trường học không tổ chức phát hành mà chỉ hỗ trợ phụ huynh tiếp cận nguồn sách giáo khoa, đảm bảo ba tiêu chí gồm đúng giá quy định, đầy đủ và kịp thời phục vụ cho nhu cầu sử dụng của học sinh trong năm học mới”, bà Châu chia sẻ.

Tương tự, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho hay, trước nguy cơ sách giả, sách in lậu xuất hiện trên thị trường, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã đưa ra cảnh báo và Phòng GD&ĐT quận Bình Tân cũng khuyên phụ huynh học sinh có thể đăng ký mua sách giáo khoa ở trong trường. Việc đăng ký mua sách trong trường giúp phụ huynh học sinh mua đúng sách, đủ sách, tránh nguy cơ mua phải sách giả, sách in lậu ngoài thị trường.

Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3) cũng đã có thông báo đến phụ huynh và học sinh về danh mục sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 sử dụng tại trường. Theo đó năm học mới 2023 – 2024, nhằm hỗ trợ học sinh, cha mẹ học sinh khối 10, 11 trong việc chọn mua sách giáo khoa, nhà trường sẽ đặt mua hộ cho các trường hợp học có nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Tường Minh cho biết: “Thư viện nhà trường có hỗ trợ đăng ký sách giáo khoa giúp học sinh. Do đó, nếu phụ huynh khó tìm mua có thể liên hệ đến trường để được hỗ trợ. Thời gian đăng ký từ 10/8 đến 20/8”.

Bà Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (Bình Thạnh) cho biết: “Với học sinh lớp 1 năm học 2023 – 2024, đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh, nhà trường sẽ hướng dẫn cha mẹ học sinh đăng ký mua sách giáo khoa nếu có nhu cầu. Với các em năm nay lên lớp 4, giáo viên chủ nhiệm cũng thông tin đến cha mẹ học sinh đợi đến khi các em tập trung đầu năm học mới đăng ký mua sách giáo khoa theo trường. Nhà trường mua hộ sách để tránh nguy cơ mua phải sách giả”.

Chị Trịnh Thị Yến (TP Thủ Đức) có con năm học tới vào lớp 4 chia sẻ: Mấy năm qua vào dịp trước năm học mới, thông qua group của giáo viên chủ nhiệm và thông báo của trường tôi đã đăng ký và nhờ nhà trường mua giùm. Theo danh mục có rất nhiều loại sách nên việc nhờ nhà trường mua hộ sách cho học sinh cũng giúp tôi và nhiều gia đình tiết kiệm được thời gian trong việc ra nhà sách lựa chọn đúng loại sách cho con.

Hồ Phúc