Cần thay đổi ý thức chơi bóng của tuyển Việt Nam từ V.League
Việc một loạt cầu thủ tuyển Việt Nam có những hành động phạm lỗi sơ đẳng xuất phát từ thói quen xấu tại V.League.
Thói quen xấu từ V.League
Tại vòng loại World Cup 2022, chỉ riêng ở trận đấu với tuyển Oman, tuyển Việt Nam phải chịu 2 quả phạt đền đến từ tình huống đánh nguội của các cầu thủ.
Cụ thể, hậu vệ Hồ Tấn Tài có động tác thừa với Busaidi, còn trung vệ Đỗ Duy Mạnh đánh nguội Yahmadi bên phía đối thủ.
Đến Asian Cup 2023, nhiều người ngỡ ngàng khi trung vệ Nguyễn Thanh Bình kéo áo rất thô và lộ liễu với Rafael Struick của tuyển Indonesia. Chính vì bàn thua từ quả phạt đền, tuyển Việt Nam bị loại khỏi giải đấu.
Ngoài ra, ở trận đấu cuối cùng vòng bảng, tiền vệ Khuất Văn Khang có tình huống vào bóng rất nguy hiểm với cầu thủ Iraq, dù anh khó chiếm lợi thế trong pha bóng này.
Nếu nhìn vào quá trình các cầu thủ này chơi bóng tại V.League, không phải ngẫu nhiên mà họ hình thành thói quen không có lợi.
Ngay ở mùa giải 2023-2024, Khuất Văn Khang từng đá thẳng vào người của A Mít trong trận đấu giữa Thể Công Viettel và Thanh Hoá, nhưng trọng tài chính bỏ qua. Thanh Bình cũng “thoải mái” kéo áo Rimario ở tình huống tiền đạo đối phương chiếm lợi thế, song chỉ bị phạt cảnh cáo.
Không chỉ vậy, rất nhiều cầu thủ có hành vi đánh nguội đối phương thô bạo nhưng được trọng tài bỏ qua khó hiểu. Gần đây nhất, Thanh Thảo (TPHCM) đánh thẳng vào mặt Văn Hạnh (Hà Tĩnh) và chỉ nhận án phạt nguội khi Ban kỷ luật VFF xử lý bổ sung.
Tình trạng mắc lỗi nhận định, bỏ qua lỗi, sót lọt lỗi của các trọng tài Việt Nam còn nhiều. Các cầu thủ không cảm nhận được hậu quả mà mình gây ra nếu chơi xấu. Dễ hiểu tại sao khi thiếu đi sự ưu ái, họ liên tục gây bất lợi ở cấp độ đội tuyển quốc gia.
Biện pháp xử lý vấn nạn
Ngay sau trận đấu với Iraq, huấn luyện viên Phạm Minh Đức thẳng thắn cho rằng những lỗi ngớ ngẩn của các cầu thủ không phải trách nhiệm của huấn luyện viên Troussier.
Theo ông Đức, các trọng tài V.League còn thiếu cương quyết, xử phạt nhẹ tay với cầu thủ ở giải quốc nội. Trong khi đó, cầu thủ thì cố tìm cách che mắt trọng tài.
Tương tự như vậy, cựu Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF Dương Vũ Lâm nhận định một số trọng tài thiếu bản lĩnh, không xử lý nghiêm cầu thủ của một số đội bóng lớn. Điều này hình thành phản xạ chơi bóng tiêu cực, lạm dụng tiểu xảo của một bộ phận cầu thủ.
VFF hiểu vấn đề nằm ở đâu, trước tiên là thay đổi nhận thức của cầu thủ. Tổng thư kí VFF Dương Nghiệp Khôi từng chia sẻ: “Ông Troussier cần sự hỗ trợ của Ban trọng tài. Hiện nay, cầu thủ của chúng ta chưa hiểu cách ứng xử với VAR trong một trận đấu. Cầu thủ cần biết cách ứng xử trên sân cho tốt để tránh đi những lỗi vừa rồi khiến chúng ta nhận thẻ đỏ đáng tiếc”.
Ý kiến của VFF đúng, nhưng chưa đủ. Cầu thủ cần hiểu rằng họ chơi tiểu xảo là sai, chứ không chỉ là thay đổi văn hoá ứng xử. Mỗi cầu thủ cần phải trải qua tình cảnh khó khăn do lỗi mà mình gây ra. Gần đây, Tấn Tài hay Duy Mạnh cũng chơi bóng tiết chế hơn nhiều khi họ đã từng trải.
Nhưng, đừng để trải nghiệm đến với cầu thủ ở đấu trường quốc tế. Hãy rèn luyện họ bằng sự nghiêm khắc của chính các trọng tài trong nước. Ban trọng tài VFF cần mạnh tay, cương quyết và yêu cầu trọng tài quyết đoán hơn khi làm nhiệm vụ trên sân. Chỉ có như vậy, thói quen xấu mới dần được loại bỏ.
Tuyển Việt Nam trải qua 14 trận đấu có VAR tại các giải đấu quốc tế kể từ năm 2019 và kết quả chỉ có 1 trận thắng, 1 trận hoà và 12 trận thua.
Trong số 14 trận đấu, Việt Nam bị thổi phạt đền đến 7 lần, 6/7 tình huống quyết định đến cục diện trận đấu. Một thống kê đáng chú ý khác là đội tuyển Việt Nam thất bại trong tất cả các trận bị VAR quyết định có phạt đền.
https://laodong.vn/bong-da/can-thay-doi-y-thuc-choi-bong-cua-tuyen-viet-nam-tu-vleague-1298697.ldo