Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Mục đích buổi làm việc nhằm lắng nghe, nắm bắt tình hình triển khai Chương trình GDPT 2018 ở một đơn vị giáo dục ngoài công lập.
Chương trình được mong đợi từ lâu
Nhấn mạnh “Chương trình GDPT 2018 được Trường Nguyễn Siêu chờ đợi từ lâu”, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu cho biết: Thuận lợi lớn nhất của nhà trường là quan điểm xây dựng, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 tiệm cận, trùng khớp với các chương trình quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng, phát triển chương trình tích hợp.
Chương trình trao quyền tự chủ, giúp nhà trường và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình.
Việc có nhiều bộ sách giáo khoa giúp giáo viên có thêm tư liệu phục vụ dạy học, nguồn học liệu phong phú, đa dạng hình thức dạy học.
Cán bộ, giáo viên nhà trường được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chương trình, sách giáo khoa, những đổi mới về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Ngoài ra, nhà trường xây dựng chương trình tập huấn chuyên sâu về nhiều chủ đề dành riêng cho cán bộ quản lý, giáo viên, mời các chuyên gia hướng dẫn, chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu phát biểu tại buổi làm việc. |
Kinh nghiệm nhiều năm thực hiện chương trình Cambridge và trường học mới cũng giúp cán bộ, giáo viên nhà trường được tiếp cận với phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá mới, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên triển khai Chương trình GDPT 2018.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Hội đồng trường, có đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu. Hệ thống phòng học chức năng được trang bị đầy đủ, hiện đại, đạt chuẩn; lớp học được đầu tư đổi mới không gian, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 và chương trình quốc tế.
Việc xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn ở lớp 10 bước đầu đảm bảo yêu cầu, vừa đáp ứng nguyện vọng, vừa giúp học sinh giảm tải về kiến thức và thời lượng, tập trung vào các bộ môn cốt lõi định hướng nghề nghiệp.
Chia sẻ cảm nhận ban đầu về Chương trình GDPT 2018, cô Nguyễn Thị Minh Thúy cho hay: Chương trình mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của nhà trường. Nội dung kiến thức có tính ứng dụng thực tế nên học sinh hứng thú tiếp nhận, phát huy được năng lực cá nhân.
Các môn tích hợp giúp tinh giản, tránh chồng chéo nội dung; giúp học sinh liên kết các nhóm kiến thức liền mạch, xuyên suốt. Học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học vào giải quyết các tình huống thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, gần gũi với cuộc sống.
Bên cạnh những thuận lợi, theo cô Nguyễn Thị Minh Thúy, triển khai Chương trình GDPT 2018 tại trường Nguyễn Siêu cũng còn một số khó khăn. Trong đó có việc thiếu ổn định về đội ngũ giáo viên. Sự chênh lệch về tuổi tác, thế hệ giáo viên cũng dẫn tới khó khăn trong tập huấn tiếp cận chương trình. Lựa chọn môn học ở THPT còn theo cảm tính. Cùng với đó là khó khăn do tác động của hơn 2 năm Covid-19, học sinh phải học theo hình thức trực tuyến.
Giáo viên Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu chia sẻ về triển khai Chương trình GDPT 2018. |
Hài hòa trong triển khai
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học đã cùng trao đổi, đặt câu hỏi đến cán bộ, giáo viên nhà trường xung quanh việc thực hiện chương trình mới. Trong đó có sự chuyển đổi và tâm thế của đội ngũ khi triển khai chương trình; hoạt động bồi dưỡng giáo viên; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và kế hoạch bài dạy; tổ chức hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp; triển khai nội dung giáo dục địa phương…
Chia sẻ của cán bộ quản lý, giáo viên trước những câu hỏi này cho thấy, thầy cô, nhà trường đã phát huy sự chủ động, linh hoạt khi triển khai chương trình mới. Chương trình mới đòi hỏi tư duy và yêu cầu đổi mới phương pháp của giáo viên cao hơn rất nhiều. Triển khai cái mới có khó khăn, nhưng đây là áp lực, đồng thời là động lực để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học. Để thực hiện đổi mới, việc quan trọng nhất cần làm là thay đổi tư duy, nhận thức…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. |
Những ý kiến phản hồi, trao đổi từ người trực tiếp thực thi với tinh thần ủng hộ, phấn khởi triển khai và nắm được tinh thần quan trọng của chương trình, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giúp toàn ngành vững tâm hơn trong việc tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là lần thay đổi sâu sắc, đi vào chiều sâu và càng thay đổi chiều sâu thì thách thức đặt ra càng lớn. Quá trình đổi mới là lâu dài. Chương trình GDPT 2018 có mục tiêu cốt lõi cần đạt tới ngay, nhưng cũng có việc chúng ta từng bước chuẩn bị để đạt tới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng quà lưu niệm cho Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu nhân chuyến thăm, làm việc tại trường. |
Bộ trưởng cũng cho rằng, chương trình thay đổi lớn, nhưng trong thực hiện không nên cực đoan, chuyển từ cực này sang cực khác, mà cần hài hòa, kế thừa những tích cực từ cái cũ. Ví dụ, tránh cực đoan trong chuyển từ giáo dục nặng về trang bị kiến thức, sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Kiến thức cũng có giá trị quan trọng, phải có kiến thức mới hình thành được năng lực, chỉ có điều không phải lấy kiến thức làm mục tiêu…
Với những lợi thế hiện có, Bộ trưởng mong muốn Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu phát huy hết sức có thể; trong triển khai có đánh giá từng chặng, từng nội dung, vấn đề. Một số nội dung làm tốt, như dạy học tích hợp, nên phát huy, lan tỏa kinh nghiệm cho các đơn vị khác…
Bộ trưởng cũng lưu ý cần làm tốt hơn công tác “phụ huynh vận”, huy động được sự chia sẻ của phụ huynh nhiều hơn nữa. “Phụ huynh đồng hành được thì giá trị gia tăng của đổi mới sẽ mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.