Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy: Không được làm ảnh hưởng đến người dân
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp, sáng 1-3-2023, tại Trụ sở Chính phủ. |
Hiện, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định và chỉ đạo của Chính phủ nên dẫn đến tình trạng gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức; vẫn còn tình trạng yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú như giấy xác nhận thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân. Một số địa phương đã kết nối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo điều kiện nhưng vẫn hạn chế khai thác, sử dụng thông tin dân cư trong giải quyết TTHC.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu nhận thức sâu sắc lợi ích của việc bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đối với người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan hành chính nhà nước. Đây không chỉ là quyết tâm chính trị mà đòi hỏi phải đầu tư nhân lực, công nghệ, cơ sở hạ tầng, kinh phí.
Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện có 39 TTHC có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, tuy nhiên, mới có 2 TTHC của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Bộ Công thương) đã công bố, công khai thủ tục hành chính để triển khai thực hiện theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình số hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện các TTHC, cung cấp dịch vụ công. Do đó, đại diện Bộ Công an đề nghị các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát sửa đổi các thông tư liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, công bố TTHC, chỉnh sửa phần mềm, xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết…
Bên cạnh đó, một số địa phương đã phản ánh về phần mềm giải quyết TTHC còn có khó khăn trong tra cứu, khai thác thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ ngành phối hợp và làm rõ các lớp dữ liệu, cấu trúc thông tin, quy chuẩn dữ liệu thông tin và quy định TTHC, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương để phục vụ công tác quản lý, điều hành. Đây là vấn đề lớn và mới nên chúng ta vừa làm, vừa khắc phục, giải quyết những vấn đề phát sinh như quá tải, dự báo chưa sát nhu cầu, năng lực hệ thống, đường truyền, hạ tầng lưu trữ, phát triển các công cụ, phần mềm quản lý chuyên sâu và quản trị hệ thống, bảo đảm yêu cầu lưu trữ, bảo mật, an toàn thông tin. Nếu chỉ riêng Bộ Công an hay Bộ TT-TT sẽ không thực hiện được.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT-TT chủ trì đánh giá tính đồng bộ, thông suốt, cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống kết nối, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành xây dựng những ứng dụng đơn giản, triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các dịch vụ công, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Những địa phương còn gặp khó khăn, vì lý do chủ quan hoặc khách quan, vẫn phải giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, không được để đình trệ. Khi hệ thống chưa hoạt động thông suốt thì vẫn phải duy trì nhân lực để phục vụ người dân bằng hoặc tốt hơn trước đây, không được làm ảnh hưởng đến người dân, dù chỉ là một ngày, thậm chí một giờ.