Tham gia đoàn công tác có đại diện các cục, vụ trực thuộc Bộ GD&ĐT. Phía tỉnh Bạc Liêu có bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Quan tâm nguồn lực phát triển GD&ĐT
Báo cáo tình hình phát triển giáo dục địa phương, ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện tỉnh Bạc Liêu có 287 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX. Quy mô học sinh toàn tỉnh có 162.368 học sinh, học viên với 4.768 nhóm, lớp.
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, toàn ngành có 9.722 công chức, viên chức và người lao động. Trong đó có 666 cán bộ quản lý trường học, 7.536 giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập (trong đó có 570 giáo viên hợp đồng).
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu báo cáo tình hình phát triển giáo dục địa phương. |
Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, đảm bảo cơ cấu các khối công trình phù hợp cho từng cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện hoạt động giáo dục đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành.
Chỉ tính riêng năm 2021, 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 311 phòng học, 171 phòng chức năng, thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học… với tổng kinh phí 569.229 triệu đồng (trong đó, nguồn xã hội hóa giáo dục là 1.600 triệu đồng).
Hiện toàn ngành có 5.289 phòng học, phòng bộ môn, gồm 4.439 phòng học (trong đó có 3.660 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 82,45%); 850 phòng bộ môn (trong đó có 716 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 84,24%)…
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Theo ông Phan Thanh Duy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành GD&ĐT Bạc Liêu vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Số trường có quy mô nhỏ còn khá nhiều, nhất là cấp học mầm non; tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường còn thấp so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia còn vướng quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông vì cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa đáp ứng với tiêu chuẩn mới. Tỉnh cũng gặp khó khăn về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm, triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương còn gặp khó khăn, chưa đảm bảo tiến độ do đội ngũ tác giả viết là giáo viên của tỉnh không có kinh nghiệm. Do nhiều nguyên nhân, việc phê duyệt, công bố danh mục SGK còn chậm nên gây khó khăn cho hoạt động lựa chọn, cung ứng SGK. Việc cung cấp bản mẫu các SGK còn chậm; thời gian tổ chức nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK không nhiều…
Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc. |
Đội ngũ giáo viên còn thiếu so với định mức; việc tuyển dụng bổ sung giáo viên chưa đáp ứng kịp yêu cầu (do thiếu nguồn tuyển và thực hiện tinh giản biên chế) dẫn đến khó khăn trong việc bố trí giáo viên, nhất là giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đối với các môn học mới, môn học tích hợp chưa có giáo viên đáp ứng yêu cầu, vẫn phải bố trí giáo viên các môn hiện tại để giảng dạy gây khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Ngoài việc thiếu giáo viên, các cơ sở giáo dục còn thiếu các chức danh khác như: nhân viên văn thư, kế toán, thư viện, y tế… Về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục cũng còn nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị.
Xem xét không tinh giản biên chế cơ học đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục của địa phương, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị đến Bộ GD&ĐT xem xét, giải quyết một số nội dung như về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; về thi học sinh giỏi quốc gia THPT. Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện, kinh phí, cơ sở pháp lý của việc tổ chức học bù kiến thức khi học sinh thay đổi môn lựa chọn hoặc chuyển trường.
Về đội ngũ nhà giáo, nhân viên, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét tăng chỉ tiêu biên chế cho ngành GD&ĐT Bạc Liêu theo định mức được quy định tại Thông tư số 16/2017 của Bộ GD&ĐT; không thực hiện tinh giản biên chế cơ học đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, nhằm đảm bảo số lượng giáo viên, thuận lợi trong công tác triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tham mưu Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo việc tuyển dụng viên chức ở vị trí nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; Có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học/hoạt động giáo dục, nhất là đối với các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học cấp Tiểu học; Mỹ thuật, Âm nhạc… cấp trung học) theo Chương trình GDPT 2018; Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh, sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non để phù hợp với đặc thù công việc…
Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ kịp thời công cuộc đổi mới
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Bạc Liêu để đạt được kết quả khả quan về GD&ĐT, thể hiện qua kết quả thi tốt nghiệp THPT; kết quả giáo dục mũi nhọn… Tỉnh đã nỗ lực sắp xếp, bố trí quy hoạch mạng lưới trường lớp. Dù còn khó khăn nhưng tỉnh đã ưu tiên nguồn lực, đặc biệt là triển khai Chương trình mới. Tỉnh cũng đã quan tâm, chăm lo tập huấn bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiến độ Chương trình mới…
Bộ trưởng nhấn mạnh, tỉnh có lợi thế về dạy người, nền nếp dạy học, học sinh ngoan, đây là điều rất quan trọng trong thực hiện Chương trình mới với mục tiêu rèn luyện, phát triển con người về nhân cách, đạo đức, lối sống, ứng xử, hành vi, thái độ…
Năm 2023 công tác đổi mới GDPT đi được hơn nửa chặng đường, Bộ trưởng lưu ý rất cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên đầu tư hỗ trợ và cần kịp thời. Công cuộc đổi mới GDPT lần này sâu sắc, toàn diện, do đó vai trò của địa phương rất quan trọng, rất cần sự thấu hiểu của lãnh đạo địa phương, tạo điều kiện thuận lợi.
Bộ trưởng lưu ý năm 2023 có nhiều việc quan tâm như tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tiếp tục chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới về cơ sở vật chất và đội ngũ…
Ngành Giáo dục địa phương cần quan tâm hơn việc thực hiện đầy đủ quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của giáo viên và các cơ sở giáo dục. Chuẩn bị điều kiện trải nghiệm, thực tế và hoạt động bổ trợ khác. Quan tâm việc tổ chức dạy tích hợp; tạo sự đồng thuận của phụ huynh để phụ huynh cùng chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường… – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn