Ba gam màu tạo nên “Miền Đông” độc đáo

CÁT ÐẰNG

“Miền Ðông” là tập truyện ngắn chọn lọc của 3 nhà văn: Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Nguyễn Hiệp; do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Ba tác giả khác nhau về tuổi tác, quê quán, công việc, cá tính và phong cách viết; nhưng khi viết về miền Ðông Nam bộ – vùng đất neo đậu tâm hồn của cả ba – thì họ cùng chung một nhịp điệu văn chương. “Miền Ðông” dưới ngòi bút của mỗi người hiện lên với những gam màu sống động, chất liệu dồi dào và trải nghiệm phong phú. Tất cả tạo nên bức tranh hài hòa, độc đáo.

Mỗi tác giả góp mặt bằng 9 truyện ngắn với phong cách đặc trưng của riêng mình. Mở đầu là những câu chuyện nhẹ nhàng, thâm trầm của Nguyễn Một. Quê xứ Quảng, Nguyễn Một đến Miền Ðông với tâm thế của kẻ tha hương, tìm cơ hội đổi đời trên vùng đất mới. Các nhân vật của ông đều vì một lý do nào đó mà lưu lạc đến xứ này. Ðiểm sáng trong truyện của Nguyễn Một chính là tuy vật lộn với cuộc sống đầy khó khăn nhưng các nhân vật không bao giờ đánh mất đi nhân tính. Dù phải đấu tranh nội tâm gay gắt trước những lựa chọn, những bước ngoặt cuộc đời, nhưng cuối cùng, thiện lương của những chàng trai trong “Miền Ðông”, “Xứ người”, “Trước mặt là dòng sông” vẫn chiến thắng. Cái kết có hậu hay những bài học đầy chiêm nghiệm cũng là một nét đặc trưng trong tác phẩm của nhà văn. Chính vì thế, đọc truyện của ông, độc giả thấy dễ chịu và lắng lòng với những con chữ đời người.

Những truyện ngắn của Nguyễn Trí lại mang người đọc đến với những cảm xúc mới lạ, đầy chất đời, bụi bặm và vô cùng kịch tính. Miền Ðông dưới ngòi bút của ông rất khốc liệt qua những số phận bất hạnh nhưng cũng rất ngang tàng. Có thể nói, Nguyễn Trí là nhà văn của những kiếp người lầm lạc nhưng vẫn giữ trong tâm hồn vẻ đẹp của lương tri và khát vọng sống. Do đó, ông luôn chừa cho nhân vật của mình đường lui hay cách giải thoát sau những thăng trầm dâu bể và oán hận; như Vinh trong truyện “Vinh liều”, Thuật trong “Biết làm sao bây giờ”, Tuấn trong “Tết lao cải”… Nguyễn Trí viết truyện như kể chuyện, không màu mè trau chuốt nhưng lại lôi cuốn. Sự hấp dẫn đến từ giọng văn đậm chất đời, đến những nghề nghiệp đầy khó khăn: tìm trầm, đào vàng, khai thác mây tre, sống bám vào rừng… Ðặc biệt, ẩn đằng sau vẻ gai góc, xù xì, truyện của Nguyễn Trí đa phần mang đến những bài học về luật nhân quả, về cái giá phải trả cho những việc làm sai trái, ác độc.

Ðến với văn của Nguyễn Hiệp, độc giả thấy phảng phất chất thơ trong ngôn ngữ miêu tả, trần thuật về nhân vật, sự vật và thiên nhiên. Nhưng nổi bật nhất chính là sự huyền ảo và ma lực trong những câu chuyện của ông. Các truyện ngắn: “T & P”, “Chỗ trống dưới ngón tay Phật”, “Hai mặt”, “Giải thuật”, “Một trang sử làng”, “Gai sen”… đều pha trộn yếu tố siêu thực và đậm chất triết lý nhân sinh. Ðặc biệt, chiến tranh và những ám ảnh của nó là mảng đề tài được Nguyễn Hiệp khai thác không chỉ về mất mát, đau thương; mà còn những giằng xé tâm can của nhân vật.

Bức tranh cuộc sống cứ hiện dần qua từng mảnh ghép của các nhà văn. Mỗi người một dáng vẻ tạo nên thế chân kiềng độc đáo cho “Miền Ðông”.

Cần Thơ.com.vn