Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Quảng Ninh – Sáng nay (13.12), đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2023) được được tổ chức long trọng tại Cung Trúc Lâm Yên Tử đúng dịp khánh thành cung này, với sự tham dự của hàng nghìn tăng ni, phật tử, nhân dân và du khách.
Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là người có vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với đời, ngài là vị vua anh minh kiệt xuất, đã lãnh đạo nhân dân 2 lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông – một đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.
Sau khi nhường ngôi báu cho người kế vị, ngài đã dành tâm huyết để xây dựng và thực thi kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân, để xây dựng, mở mang đất nước.
Với đạo, ngài là Thiền sư đắc đạo, là người sáng lập và lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm – nền Phật giáo thống nhất riêng có của người Việt Nam. Với tấm lòng vì dân, với nhãn quan của một vị vua minh triết, một nhà sư giác ngộ, ngài chủ trương xây Đạo để nuôi dưỡng, phát huy nhân tâm thuận hòa trong trăm họ, xây dựng, bồi đắp tính độc lập, sức tự cường, vun bồi sự hòa hợp trong thế gian, hòa hợp vua – tôi, hòa hợp cha – con, hòa hợp vợ – chồng, hòa hợp trong gia đình, hòa hợp quốc gia… Tư tưởng ấy là cội rễ làm nên sức mạnh lâu bền của dân tộc, theo thời gian đã trở thành truyền thống của người Việt Nam.
Trước đó, tối qua (12.12), cũng tại Cung Trúc Lâm Yên Tử đã diễn ra lễ an vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc phỉ thúy. Lễ an vị có sự tham gia của nhiều chức sắc quan trọng từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cùng hàng ngàn tăng, ni, phật tử đến từ khắp cả nước.
Theo ban tổ chức, đây là bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được tạo nên từ khối ngọc cực kỳ quý hiếm và hoàn hảo gần như không có vết nứt.
Được biết, loại ngọc bích dùng tạc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được khai thác ở vùng mỏ Myanmar – quốc gia có mỏ ngọc bích Jadeite lớn nhất. Loại ngọc này trong suốt, độ bóng cao hơn so với các loại ngọc quý khác và thường được gọi là “phỉ thúy” – nghĩa là trong một miếng ngọc có cả màu xanh lá cây và màu đỏ.
Theo Ban Tổ chức, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông quý giá không chỉ bởi giá trị của ngọc bích phỉ thúy mà còn bởi sự trau chuốt, công phu của những nghệ nhân điêu luyện, cùng tấm lòng biết ơn những công lao vô lượng của Phật Hoàng của các Phật tử.
Bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được chế tác bằng đá quý với kích thước bằng kích thước với phiên bản của tượng Phật Hoàng trong Tháp tổ trên non thiêng Yên Tử.
Bức tượng cổ này được tạo tác vào thời Lê Trung hưng và được coi là một điển hình mẫu mực trong nghệ thuật điêu khắc tượng Phật Đại Việt thế kỷ 17.
Cùng với lễ an vị bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, đêm qua còn có lễ cúng Phật, thỉnh Tổ và nhiễu Bảo tháp Phật hoàng tại chùa Hoa Yên, Yên Tử.
NGUYỄN HÙNG/laodong.vn