Dưới góc nhìn của chuyên gia truyền thông, ông đánh giá thế nào về vụ việc Trung tâm IELTS 1984 bị “bôi xấu” trên mạng xã hội?
Tôi nghĩ một doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh, họ đứng ở tâm thế muốn yên ổn làm ăn, không có doanh nghiệp nào muốn mình vướng vào những lùm xùm không hay.
Những việc nằm ngoài kinh doanh và đặc biệt là việc bị bôi xấu trên mạng xã hội ảnh hưởng đến quá trình làm việc hợp pháp và quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.
Trường hợp của Trung tâm IELTS 1984 bị bôi xấu trên mạng xã hội sẽ khiến học viên hoang mang và tự hỏi những thông tin ấy đúng hay sai, tại sao lại như thế? Người thân của những học viên của Trung tâm cũng có thể hoang mang, lo lắng về sự việc này.
Những tin tức xấu đó có thể ảnh hưởng tới việc kinh doanh của Trung tâm, gây thiệt hại về doanh thu và niềm tin của khách hàng. Về lâu dài có thể ảnh hưởng tới uy tín nếu vấn đề không được xử lý triệt để. Những tin tức bị bôi xấu kia vẫn nằm im ở đó, tạo thành những “vết” trên mạng. Sau này, nếu gõ tìm kiếm trên mạng, tin tức đó sẽ lại hiện ra.
Nếu ta thanh minh, nhiều người đọc xong có thể hiểu, nhưng là ở thời điểm đó. Sau này tìm kiếm có thể không ra được bài viết thanh minh đó nữa và khách hàng có thể không biết thời điểm đó bạn đã thanh minh rồi.
Trung tâm IELTS 1984 hay các doanh nghiệp nói chung hoàn toàn có thể phải đối mặt với mối nguy cơ trong tương lai.
Vi bằng Trung tâm IELTS 1984 ở TPHCM bị tài khoản Facebook tên Cuong Ngo “bôi xấu” trên mạng xã hội. |
Doanh nghiệp nói chung hoặc như Trung tâm IELTS 1984 bị “bôi xấu” trên mạng xã hội, nên làm gì để giảm thiểu thiệt hại?
Đầu tiên chúng ta sống và làm việc theo pháp luật, nên cứ nhờ cậy đến pháp luật. Hãy nhờ luật sư tư vấn về tục pháp lý cần làm những việc gì.
Việc đầu tiên và quan trọng nhất phải làm là lập vi bằng cho những nội dung xấu độc của những kẻ vu vạ, để lỡ trong quá trình xử lý những kẻ ném đá ẩn danh có thể “phi tang”. Vi bằng chính là cơ sở quan trọng để làm những bước tiếp theo.
Thứ hai là phải lập tức lên tiếng mạnh mẽ ở các kênh truyền thông mà ta có. Phải gửi, đăng tải thông tin thanh minh qua các kênh chính thức của chúng ta, như: Fanpage, website và cả các kênh nội bộ.
Trong một số trường hợp thậm chí phải làm chiến dịch để xóa đi những thông tin xấu độc, kết hợp với việc nhờ đến sự bảo vệ, hỗ trợ pháp lý của các cơ quan Nhà nước.
Hãy kết hợp cùng lúc các biện pháp nhờ luật sư tư vấn pháp lý, tìm tới các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan và cả các tổ chức, hiệp hội ngành nghề để lên tiếng về vụ việc.
Ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp khi vô tình bị “bôi xấu” trên mạng xã hội?
Việc bị bôi xấu trên mạng xã hội làm tôi nghĩ tới 2 trường hợp, các cá nhân ghen ghét, đố kị với nhau. Nhưng cũng có trường hợp kẻ ẩn danh nào đó lên cả một “chiến dịch truyền thông bẩn” để nhắm vào chúng ta.
Với trường hợp của cá nhân, nên xử lý kiểu “cá nhân nhẹ nhàng”, để vừa có biện pháp bảo vệ mình, vừa thăm dò xem kẻ bôi xấu mình xuất phát từ hiểu lầm hay động cơ gì khác.
Còn nếu thực sự rơi vào “chiến dịch truyền thông bẩn”, thì tôi nghĩ câu chuyện ở đây đã rõ ràng.
Đã là 1 “chiến dịch truyền thông bẩn”, ta phải đáp trả bằng 1 chiến dịch truyền thông.
Việc đáp trả nhất định phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp lý và truyền thông, phải đảm bảo mình có lợi thế lớn về truyền thông trước khi triển khai hành động pháp lý một cách công khai.
Tôi nói là trước khi triển khai một cách công khai, những việc như lập vi bằng, nhờ sự tư vấn luật sư, xúc tiến luật sư thưa kiện phải làm âm thầm, không vội hô hoán lên, bởi sẽ gây bứt dây động rừng. Vì kẻ triển khai cả 1 “chiến dịch truyền thông bẩn” chắc chắn rất mạnh về truyền thông.
Ta phải chuẩn bị tất cả các kênh truyền thông, để khi công khai chiến dịch chống lại “truyền thông bẩn” phải làm dồn dập, làm sao phải thắng được trên cả 2 mặt trận là truyền thông và pháp lý. Như thế việc “đấu tranh mới có hiệu quả”.
Trong khi tiến hành đáp trả, lưu ý phải hành động nhanh, triệt để bóc gỡ các thông tin xấu, tránh việc thông tin xấu độc bị phát tán nhiều nơi, nhiều nguồn.
Nếu không xử lý triệt để, sau này có thắng trên mặt trận pháp lý, thì khả năng cao ta vẫn chịu tiếng oan. Nên tôi nhấn mạnh, việc “xử lý đám tro tàn này” phải có trong kế hoạch.