Từ chỗ môn học thuộc nhóm khoa học xã hội được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, nay Lịch sử là môn học gồm 2 phần: Bắt buộc và lựa chọn. Thực tiễn này đòi hỏi phải đổi mới đào tạo giáo viên Lịch sử nhằm đáp ứng yêu cầu.
Không ngừng cải tiến chương trình
Từ thực tiễn giảng dạy, cô Trần Thị Liên Thủy –Trường THCS Phạm Hữu Chí (Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) nhận thấy, sự thay đổi trên khiến giáo viên gặp khó khăn nhất định trong quá trình giảng dạy. Để tháo gỡ và nâng cao chất lượng dạy – học môn Lịch sử, cần đổi mới chương trình đào tạo giáo viên bộ môn này tại các trường sư phạm, đảm bảo phù hợp với yêu cầu môn học.
Cô Liên Thủy đề xuất, đào tạo phải gắn kiến thức, kỹ năng với đạo đức nghề nghiệp để sinh viên Sư phạm Lịch sử khi ra trường thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy. Theo đó, sinh viên cần được đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng một số kỹ năng như: Dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học, dạy học tích hợp, phân hóa…
Là một trong những cơ sở đào tạo giáo viên Lịch sử, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã ban hành chương trình đào tạo điều chỉnh chuẩn trình độ đại học ngành học này. TS Nguyễn Văn Ngọ – giảng viên Khoa Sư phạm cho hay, mỗi năm, trường kiểm định chất lượng ít nhất 2 chương trình đào tạo. Dự kiến đến năm 2025, 100% chương trình đào tạo được kiểm định; đến năm 2035, tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng nghề sau khi tốt nghiệp 1 năm đạt 100%.
Theo TS Nguyễn Văn Ngọ, chương trình đào tạo bám sát các thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, nhà trường bổ sung, điều chỉnh, đổi mới nhằm đáp ứng đào tạo đội ngũ giáo viên Lịch sử cấp THPT. Cùng đó, Trường ĐH Giáo dục có những điều chỉnh cho phù hợp với đào tạo giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý cấp THCS. Đây là hình thức đào tạo mới nhằm cung cấp nguồn lực giáo viên phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục.
Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018, PGS.TS Nguyễn Thị Thế Bình – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ThS Đặng Thị Thùy Dương – Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, cơ sở đào tạo sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử cần không ngừng cải tiến chương trình, hướng đến đào tạo sinh viên theo chuẩn đầu ra.
Để đáp ứng yêu cầu mới của Chương trình môn Lịch sử, cơ sở đào tạo giáo viên phải đi đầu trong đổi mới chương trình; trong đó, cần giúp sinh viên đạt chuẩn nghề nghiệp như: Phẩm chất nhà giáo tốt, có kiến thức khoa học chuyên môn vững vàng và sâu rộng, giỏi kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, năng lực nghiên cứu, học tập suốt đời để phát triển chuyên môn.
Những giáo viên tương lai dưới mái Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng |
Vai trò của giảng viên
Để sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử đạt chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, việc vận dụng lý thuyết học tập trong quá trình dạy học ở cơ sở đào tạo giáo viên có vai trò và ưu thế lớn. PGS.TS Nguyễn Thị Thế Bình diễn giải, về kiến thức, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo viên Lịch sử là giúp học sinh tiếp cận nhanh và tốt nhất kho tàng tri thức khoa học lịch sử. Muốn đạt mục tiêu này, sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử phải nắm vững tri thức chuyên ngành.
Theo đó, trong quá trình giảng dạy, mỗi giảng viên cần chú ý vận dụng linh hoạt và phát huy ưu thế các lý thuyết học tập như: Hành vi, nhận thức, đa trí tuệ và kiến tạo để xây dựng môi trường học tập khác nhau. Qua đó, giúp sinh viên tiếp cận đầy đủ, chuyên sâu những tri thức của lịch sử thế giới, Việt Nam, lý luận và phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông.
Về năng lực, vận dụng lý thuyết học tập hành vi trong quá trình dạy học sẽ giúp sinh viên rèn luyện và phát triển các kỹ năng bộ môn như: Nói, viết, sử dụng đồ dùng trực quan, sưu tầm và sử dụng tư liệu học tập… Thông qua vận dụng lý thuyết học tập kiến tạo, sinh viên có thể phát triển các kỹ năng: Tìm hiểu môi trường giáo dục, học sinh, thiết kế bài giảng, kế hoạch giảng dạy, chủ nhiệm lớp, hoạt động trải nghiệm… trong bối cảnh học tập khác nhau.
Về phẩm chất, nếu giảng viên vận dụng thuyết hành vi, nhận thức, đa trí tuệ và kiến tạo trong quá trình dạy học sẽ tạo ra môi trường học tập đa dạng; sinh viên có nhiều cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân, hình thành thế giới quan khoa học; khắc phục thói quen ỷ lại, trông chờ; đồng thời luôn chủ động trong rèn luyện và nâng cao năng lực, phẩm chất bản thân. Từ đó, hình thành cho người học tác phong sư phạm đúng đắn, bồi dưỡng lòng yêu nghề, thái độ tin yêu học trò, ý chí vượt khó, tích luỹ vốn sống thực tế để làm giàu kinh nghiệm giảng dạy và giáo dục.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Thế Bình và ThS Đặng Thị Thùy Dương, dạy học Lịch sử là một khoa học với hệ thống lý thuyết đặc trưng. Nếu không nắm vững tri thức môn học thì không thể dạy tốt ở trường phổ thông. Do vậy, ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử phải được trang bị hệ thống tri thức lịch sử Việt Nam, thế giới; tri thức lý luận về phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông.
Từ những định hướng trên, PGS.TS Nguyễn Thị Thế Bình nhấn mạnh, quá trình giảng dạy, giảng viên có thể vận dụng linh hoạt một số phương pháp như: Giải quyết vấn đề; tương tác theo phong cách học tập và giảng dạy theo dự án…
Minh Phong