Nhiều trường ở miền núi huyện Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) nỗ lực khắc phục khó khăn đảm bảo điều kiện tốt nhất đón HS trở lại trường. Công tác vận động, tuyên truyền đưa trò ra lớp, đi học đúng độ tuổi cũng được đẩy mạnh.
Để trò đến trường đông đủ
Đối với bậc mầm non, công tác huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi luôn được các trường chú trọng. Theo đó, giáo viên Trường Mầm non Thanh (xã Thanh, huyện Hướng Hóa) đến tận nhà dân gặp gỡ, trò chuyện với phụ huynh. Điều đó góp phần quan trọng để đảm bảo số lượng và đưa trẻ đến trường đúng kế hoạch, độ tuổi.
Gia đình chị Hồ Thị Điềng, thôn A Ho (xã Thanh) năm nay có con gần 3 tuổi. Để giúp gia đình nhận thức đầy đủ ý nghĩa việc đưa trẻ đến trường đúng tuổi, các cô thường xuyên nắm bắt nguyện vọng của phụ huynh. Qua những cuộc gặp gỡ, trẻ cũng dần yêu mến các cô và trở nên mạnh dạn.
Cô Dương Thị Như Uyên – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Thanh – cho biết, những ngày qua, giáo viên nhà trường tích cực triển khai công tác huy động trẻ đến trường. Trước thềm năm học mới, trường đã tuyển sinh mới trên 300 cháu.
Thầy Lê Minh Ái – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Bung (huyện Đakrông) – cho biết, đầu tháng 8 trường đã tập trung cán bộ, giáo viên để chỉnh trang khuôn viên trường lớp, đồng thời triển khai ôn tập, kiểm tra cho học sinh thi lại…
Nhiệm vụ quan trọng khác cũng được triển khai là vận động học sinh đến trường. Thầy cô đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương, đồn biên phòng… để tuyên truyền, vận động học sinh. Với nhóm học sinh có nguy cơ nghỉ học, thường xuyên bỏ học ở năm trước, trường phối hợp các bên liên quan đến từng nhà vận động, gặp gỡ phụ huynh, lắng nghe tâm tư nguyện vọng gia đình để kịp thời hỗ trợ các em.
Giáo viên Trường Mầm non Thanh (xã Thanh, huyện Hướng Hóa) triển khai công tác huy động trẻ đến trường. |
Năm học 2023 – 2024, Trường Tiểu học & THCS A Bung có 691 học sinh; trong đó cấp THCS là 254 học sinh, cấp tiểu học là 437 em. Theo thầy Lê Minh Ái, hầu hết học sinh là con em đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, cuộc sống dựa vào nương rẫy nên rất khó khăn. Nhà trường thường xuyên vận động, kết nối các mạnh thường quân để tặng quà, sách vở, dụng cụ học tập giúp các em bớt khó, qua đó cũng khích lệ tinh thần học tập, duy trì và nâng cao tỉ lệ chuyên cần.
Thầy Nguyễn Đức Bảo – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thuận (huyện Hướng Hóa) – cho biết, năm học này trường có hơn 300 học sinh; hầu hết các em là con em đồng bào Vân Kiều (99%).
“Từ đầu tháng 8, chúng tôi đã tập trung để lao động vệ sinh trường, lớp, khu bán trú; nắm bắt học sinh vận động đến lớp; thành lập Ban vận động học sinh, có sự phối hợp với chính quyền xã và Đồn Biên phòng Thuận. Ngoài ra, nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở học sinh đến trường…”, thầy Bảo cho hay.
Đối với nhóm học sinh có nguy cơ nghỉ học, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, đồn biên phòng, đoàn thể về tận thôn, đến từng nhà tuyên truyền, vận động đến trường. Nhờ làm tốt công tác này nên nhiều năm gần đây, tỷ lệ học sinh chuyên cần của Trường THCS Thuận luôn đạt 98%.
Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị – cho hay: Các cơ sở giáo dục tại địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024. Trong đó, vấn đề quan tâm đầu tiên của các trường đó là rà soát các đối tượng học sinh; xây dựng kế hoạch vận động các em đến trường; đảm bảo không có học sinh nào điều kiện khó khăn không thể đến trường trong năm học mới.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị trước khi bước vào năm học 2023 – 2024. |
Bảo đảm điều kiện trường, lớp
Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ dạy học, cơ sở vật chất tại Quảng Trị được quan tâm triển khai sớm với tinh thần bảo đảm điều kiện tốt nhất cho học sinh.
Trường THCS Thuận thuộc địa bàn khó khăn huyện Hướng Hóa. Trước năm học mới, nhà trường huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên tiến hành dọn dẹp, vệ sinh bàn ghế, phòng học, chỉnh trang khuôn viên… Theo thầy Nguyễn Đức Bảo – Phó Hiệu trưởng, nhà trường vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, bàn ghế chưa đạt chuẩn, thiếu phòng học bộ môn. Tuy nhiên, với tâm thế sẵn sàng cho học sinh trở lại học tập đúng kế hoạch, nhà trường nỗ lực khắc phục khó khăn.
“UBND huyện Hướng Hóa sẽ triển khai xây dựng 4 phòng học tại trường trong năm học này. Việc đầu tư thêm cơ sở vật chất giúp việc dạy học theo Chương trình GDPT mới hiệu quả, chất lượng giáo dục cải thiện hơn”, thầy Bảo cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa – cho biết, Phòng GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo các nhà trường phối hợp chính quyền các địa phương, ban ngành huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến lớp. Đồng thời, tiếp tục rà soát hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018.
“Chúng tôi xác định những thuận lợi bên cạnh khó khăn, thách thức. Ngành Giáo dục Hướng Hóa tập trung khắc phục tình trạng thiếu sách giáo khoa, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thời gian qua, Phòng nỗ lực kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để tăng cường điều kiện vật chất để triển khai chương trình mới hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Thanh Nga cho hay.
Trước thềm năm học 2023 – 2024, ngành Giáo dục Hướng Hóa đưa vào sử dụng một số công trình trường học: Trường Mầm non A Túc (xã A Túc); Trường Mầm non Khe Sanh (thị trấn Khe Sanh)… với giá trị đầu tư hàng tỷ đồng. Những công trình hiện đại sẽ góp phần đảm bảo điều kiện dạy và học cho học sinh trên địa bàn.
“Dù Phòng GD&ĐT đã tích cực tham mưu UBND huyện kết nối các nhà hảo tâm tăng cường điều kiện cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nhiều trường học tại các địa bàn vẫn thiếu bàn ghế, đồ dùng dạy học. Nhà công vụ cho cán bộ giáo viên ở lại các điểm trường lẻ còn bất cập. Hy vọng thời gian tới địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, đầu tư thêm cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó”, bà Nga trăn trở chia sẻ.
Bước vào năm học 2023 – 2024, ngành Giáo dục Quảng Trị đã tích cực rà soát, đảm bảo tốt nhất các điều kiện vật chất để triển khai dạy học, sửa chữa các hạng mục hư hỏng để đủ phòng học, thực hành cho các đơn vị trường học.
Cùng đó, Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị, trường học tham mưu chính quyền địa phương sẵn sàng về cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ năm học; phối hợp cùng các đơn vị thuộc Nhà xuất bản Giáo dục để cung ứng kịp thời sách giáo khoa cho học sinh. Đặc biệt với học sinh vùng sâu xa, khó khăn, ngành Giáo dục sẽ kết hợp cùng các đơn vị để hỗ trợ sách giáo khoa… – Bà Lê Thị Hương (Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị)
Đăng Đức