Xe mô tô phân khối lớn có được di chuyển trên đường cao tốc hay không?
Hành vi đi vào đường cao tốc của xe mô tô sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Nếu hành vi đi vào đường cao tốc trái phép gây tai nạn giao thông thì mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngày 26/8, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, khi đang thực hiện nhiệm vụ, cơ quan công an đã phát hiện một nhóm đối tượng khoảng 30 xe mô tô phân phối lớn di chuyển trái phép trên cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Khi có tín hiệu dừng xe từ phía công an giao thông, một số đối tượng đã không thực hiện theo, có đối tượng bỏ chạy và gây thương tích cho một chiến sĩ công an đang thực hiện nhiệm vụ.
Theo luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Gia (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hành vi nêu trên có thể phát sinh một số tình huống pháp lý với các đối tượng này như sau.
Lỗi thứ nhất, theo luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn, hành vi điều khiển xe gắn máy, xe mô tô vào đường cao tốc được xác định là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Cụ thể tại Khoản 4 Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Từ đó, có thể xác định xe mô tô (bao gồm cả mô tô phân phối lớn) là loại phương tiện không được phép di chuyển trên đường cao tốc.
Do vậy, hành vi di chuyển trên đường cao tốc của nhóm đối tượng trên được xác định là hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Cụ thể như sau:
“Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Cụ thể, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;”.
Theo quy định nêu trên, hành vi đi vào đường cao tốc của xe mô tô sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Nếu hành vi đi vào đường cao tốc trái phép gây tai nạn giao thông thì mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, khi thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 nêu trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.
Với hành vi không tuân thủ hiệu lệnh và cố ý đâm vào cảnh sát giao thông, luật sư Tuấn cho rằng, ngoài việc thực hiện hành vi đi vào đường cao tốc trái phép, trong nhóm đối tượng này còn có người không chấp hành hiệu lệnh và làm bị thương cán bộ, chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ.
Hành vi cố tình điều khiển xe gây thương tích cho cán bộ, chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ này có tính chất mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Mức hình phạt thấp nhất của tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, mức hình phạt cao nhất là phạt tù đến 07 năm.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các thiệt hại về sức khỏe mà mình gây ra.
Từ những phân tích trên, luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng, vụ việc này như một lời cảnh tỉnh với những người tham gia giao thông đường bộ, cho thấy tầm quan trọng của việc nắm rõ luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.
Việc điều khiển xe gắn máy, xe mô tô trái phép trên đường cao tốc không chỉ gây thiệt hại cho bản thân mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính mạng của người tham gia giao thông khác.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn có lời khuyên đến những người tham gia giao thông hãy tìm hiểu, nắm rõ các quy định của luật giao thông, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ để tránh các rủi ro xấu cho bản thân và người khác xảy ra trong quá trình tham gia giao thông.