Mùa Vu Lan và nhật ký của mẹ
NSƯT Thanh Quý kể, khi nhận được kịch bản phim “Thương ngày nắng về” bà khá lo lắng, sẽ không đảm đương được vai bà Nga, vì hoàn cảnh của bà ngoài đời khác xa nhân vật trên phim.
NSƯT Thanh Quý nói, “Cầm kịch bản phim “Thương ngày nắng về” tôi lo lắng lắm, vì bà Nga được 10 điểm, tôi chỉ được 5 – 6 điểm. Tôi không đảm đang, tảo tần được như bà ấy. Để chuyển tải nhân vật, để cảm nhận trọn vẹn cảm xúc của nhân vật, tôi đã phải tìm nhiều cách khác nhau, trong đó việc bật thật to ca khúc “Nhật ký của mẹ” do ca sĩ Hiền Thục hát, và nghe đi nghe lại trong nhiều ngày”.
Chính ca khúc “Nhật ký của mẹ” đã giúp NSƯT Thanh Quý tìm lại được cảm xúc xưa cũ, giúp bà lật giở lại từng trang ký ức, nhớ lại từ những ngày mới phát hiện mình mang thai, chín tháng mười ngày mang nặng đến cảm xúc vỡ òa khi nhìn thấy con gái lần đầu.
Cảm xúc xưa cũ như bước ra từ kỷ niệm, lại gần, và khiến nữ diễn viên phải lặng ngắm. Bà nhớ lại hành trình con gái trưởng thành, từ khi còn là cô bé đi học, đến khi yêu, kết hôn, sinh con, và trở thành một người đàn bà. “Giữa chúng tôi bây giờ, ngoài là mẹ con, chúng tôi còn đối diện với nhau như hai người đàn bà, cùng chăm sóc, sẻ chia, và xót xa cho nhau” – NSƯT Thanh Quý rưng rưng nói.
Cùng với những ngày mở thật to ca khúc “Nhật ký của mẹ” nghe đi nghe lại, sống trong cảm xúc xưa cũ đong đầy, NSƯT Thanh Quý đã đưa bà Nga trở thành nhân vật đầy sinh động, đầy cảm xúc trong bộ phim “Thương ngày nắng về”. Vai diễn chạm đến trái tim khán giả được coi là biểu tượng mới về hình ảnh người mẹ trên màn ảnh nhỏ.
Nữ diễn viên Phan Minh Huyền vào vai con gái của NSƯT Thanh Quý trong phim “Thương ngày nắng về” chia sẻ, “Tình mẫu tử thật đặc biệt, tôi và mẹ Thanh Quý gần như không phải diễn gì. Chúng tôi từ ngoài đời đến khi đứng trước ống kính luôn yêu thương nhau như vậy. Tôi gọi NSƯT Thanh Quý là mẹ. Chúng tôi có sự ăn nhập đặc biệt về mặt cảm xúc, NSƯT Thanh Quý chính là một người mẹ của tôi, chứ không phải diễn xuất. Ngay từ khi còn ngồi đọc kịch bản với nhau, học thoại với nhau, cả tôi và mẹ Quý đều khóc. Mỗi lời thoại của người mẹ nói với con gái, đều khiến chúng tôi rơi nước mắt”.
Tình mẫu tử đã trở thành cảm hứng bất tận trong nghệ thuật, từ phim ảnh, âm nhạc đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Ca khúc “Nhật ký của mẹ” do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác. Có lẽ, khi viết bài hát này, bản thân nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng không lường được rằng, tác phẩm của anh sau này khi bước ra đời sống lại khiến nhiều phụ nữ phải khóc đến thế!
Hiền Thục được đánh giá là ca sĩ thể hiện “Nhật ký của mẹ” thành công nhất. Thời gian đầu khi mới trình diễn, Hiền Thục hát “Nhật ký của mẹ” lần nào cũng bật khóc trên nhiều sân khấu khác nhau. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng kể, khi đến thu âm lần đầu tiên, Hiền Thục đã khóc không thể ngừng lại khi thể hiện “Nhật ký của mẹ”.
Hiền Thục nói, mỗi ca từ trong “Nhật ký của mẹ” với cô đều thấm đẫm nỗi niềm, sự trải nghiệm và thấm thía.
Hiền Thục làm mẹ đơn thân từ khi còn rất trẻ. Khi đang ở tuổi trẻ rực rỡ, sự nghiệp triển vọng, Hiền Thục có em bé và quyết định dừng lại tất cả để sinh con. Với Hiền Thục, “Nhật ký của mẹ” như kể câu chuyện về cảm xúc của chính cô và tất cả những ai đã làm mẹ.
“Nhật ký của mẹ” với giai điệu nhẹ nhàng nhưng tha thiết, mỗi ca từ đều đong đầy cảm xúc. Bài hát kể lại hành trình trải nghiệm từ những yêu thương vỡ òa, đến suy nghĩ, lo lắng, cảm xúc trưởng thành khi làm mẹ của một người phụ nữ.
Bất cứ ai đã làm mẹ khi nghe bài hát này đều thấy mình trong đó, đều nhận lại trong ký ức những kỷ niệm từ khi mang thai “chín tháng mười ngày”, đến khi gặp con lần đầu, khi dắt tay con đến trường, khi chứng kiến con trải qua những kỳ thi căng thẳng, cảm xúc của ngày bắt gặp con lần đầu biết yêu…
Hành trình làm mẹ chính là hành trình trưởng thành đầy ắp yêu thương, ở đó, cả mẹ và con đã cùng nhau đi qua năm tháng, đi qua biến cố, và cùng nhau trưởng thành.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ, anh sáng tác ca khúc này để tặng sinh nhật mẹ. Cảm hứng sáng tác bắt nguồn từ suy nghĩ, “những ca khúc hát về mẹ đã quá nhiều, hầu hết đều bắt nguồn từ suy nghĩ, cảm xúc của con dành cho mẹ. Tại sao chưa có nhiều ca khúc hát về cảm xúc, nỗi niềm của đấng sinh thành dành cho con?”. Từ suy nghĩ ấy, dòng cảm xúc tuôn chảy khi nhạc sĩ nhìn thấy cuốn album ảnh mẹ gửi và nảy ra cái tên “Nhật ký của mẹ” cho tác phẩm.
“Nhật ký của mẹ” giống như cuốn album với những hình ảnh quay chậm, rõ nét về tình mẫu tử. Ở đó mỗi hình ảnh là một ký ức đánh dấu một chặng đường, để thấy, mẹ luôn theo con trên suốt chặng đường đời, có mặt trong những thời khắc quan trọng nhất, là người cùng con đi qua bão giông, tiếp cho con sức mạnh trước sóng gió và là nơi bình yên nhất để con trở về.
Mẹ đã cùng con viết nên cuộc sống, cùng con tạo nên cuốn album mà cuộc đời vẫn gọi là hạnh phúc. Chính bởi tình yêu vô bờ và thiêng liêng ấy, tất cả ca khúc, bộ phim lấy đề tài về tình mẫu tử luôn chạm đến tâm can sâu thẳm nhất của người xem.
Một mùa Vu Lan nữa lại về. Ai cũng nhắc đến mẹ cha và báo hiếu.
Thực tế, mùa Vu Lan báo hiếu không nằm trong một ngày, một tháng mà nằm trong tâm thức của mỗi chúng ta, suốt cả cuộc đời.