Đội tuyển Việt Nam và ánh hào quang bình dị
Khán đài sân Lạch Tray (Hải Phòng) và sân Thiên Trường (Nam Định) được lấp đầy bởi hàng vạn khán giả trong hai trận đấu giao hữu của tuyển Việt Nam gặp Hong Kong (Trung Quốc) ngày 15.6 và Syria ngày 20.6.
Gợi mở từ phương xa
Câu chuyện các đội tuyển trẻ Việt Nam thi đấu ở những sân đấu tại địa phương, thay vì mặc định ở sân Thống Nhất (TPHCM) hay Hàng Đẫy, Mỹ Đình (Hà Nội) đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.
Chuyện các bảng đấu của môn bóng đá nam SEA Games 31 được tổ chức ở Phú Thọ hay Nam Định, thu hút sự quan tâm của hàng chục ngàn người hâm mộ ở mỗi trận là một điển hình như thế!
Tuy nhiên, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, những trận đấu của tuyển Việt Nam với tư cách chủ nhà đa phần được tổ chức ở sân Mỹ Đình (Hà Nội). Hay có chăng, nếu không diễn ra ở Thủ đô, màn so tài của tuyển Việt Nam sẽ hiện diện tại sân Thống Nhất (TPHCM).
Việc mặc định sân nhà ở hai thành phố lớn nhất nhì Việt Nam có thể đến từ những quy định khắt khe trong công tác tổ chức trận đấu cấp độ quốc tế của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á, châu Á, Liên đoàn bóng đá thế giới hay đơn giản là yêu cầu từ phía đội bạn. Chẳng hạn như trường hợp của U20 Argentina, câu lạc bộ Manchester City từng đến Việt Nam hay mới đấy là câu lạc bộ Dortmund.
Nhưng món ăn dù ngon nếu ăn mãi cũng nhàm, bóng đá không phải ngoại lệ. Người hâm mộ tại Hà Nội trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, đôi khi là sự “no nê” với các trận đấu của tuyển Việt Nam.
Câu chuyện này không phải mới, từng được minh hoạ rõ ràng nhất bằng những khán đài với nhiều ghế trống. Chỉ khi các trận đấu có tính chất đặc biệt của Đội tuyển Việt Nam diễn ra, không khí mới thực sự nóng lên. Từng có bài báo thẳng thắn đặt câu hỏi ở thời điểm ấy rằng: “Tại sao cứ phải là Mỹ Đình?”.
Trước thềm AFF Cup 2022, đội tuyển Việt Nam chạm trán Philippines trong bối cảnh sân Hàng Đẫy chỉ lấp được 3/4 tổng sức chứa. Có thể, tính chất một trận giao hữu cùng việc “quân xanh” không mấy hấp dẫn khiến trận đấu thiếu sức hút đối với người hâm mộ tại Hà Nội.
Song, ngay cả khi Borussia Dortmund – một đội bóng nổi tiếng tại Đức đến giao hữu trên sân Mỹ Đình thì thực trạng trên vẫn diễn ra tương tự. Theo dự kiến ban đầu, vé sẽ được bán hết vào ngày 3.11.2022.
Dù vậy, qua cột mốc thời gian ấy, số vé tồn đọng vẫn còn nhiều và ban tổ chức quyết định thay đổi phương thức bán vé trực tiếp tại các sân vận động, nhưng cũng chẳng nhiều cổ động viên quan tâm.
Ánh hào quang trở nên bình dị
Sau trận đấu giao hữu với câu lạc bộ Dortmund (không tính AFF Cup 2022), người hâm mộ Việt Nam mới được chứng kiến thêm loạt giao hữu của đội tuyển nước nhà. Nhưng khác với mọi khi, Liên đoàn bóng đá Việt Nam không rập khuôn đăng cai trận đấu tại Hà Nội như trước. Thay vào đó, việc đưa đội tuyển Việt Nam tới các địa phương như góp ý của một số lãnh đạo câu lạc bộ đã được diễn ra.
Công tác kiểm tra chất lượng sân bãi, năng lực tổ chức được Liên đoàn bóng đá Việt Nam thực hiện rốt ráo, nghiêm túc. Trận giao hữu đầu tiên của tuyển Việt Nam gặp Hong Kong (Trung Quốc) diễn ra trên sân Lạch Tray của Hải Phòng. 5 ngày sau, cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Syria được tổ chức tại “chảo lửa” Thiên Trường, Nam Định.
Khi điều kiện tổ chức được đảm bảo, mấu chốt để 2 địa phương giành được quyền “đăng cai” các trận đấu của đội tuyển Việt Nam chính là độ cuồng nhiệt “không giới hạn” của người dân. Tại V.League, các trận đấu ở sân Lạch Tray, Thiên Trường luôn chứng kiến hàng vạn cổ động viên. Quả thực, thầy trò huấn luyện viên Troussier được chơi bóng trong bầu không khí rực lửa và mang tính truyền thống.
Từ trước giờ bóng lăn vài ngày, vé vào sân được phát hành trực tuyến trận gặp Hong Kong (Trung Quốc) và trực tiếp trận gặp Syria. Dù bằng hình thức nào đi nữa, vé đều bán rất chạy và hết chỉ sau vài tiếng đồng hồ. Sức nóng ấy trái ngược với cảnh nguội lạnh và phần nào đó là chút thờ ơ của người hâm mộ Thủ đô.
Việc lần đầu tiên trong lịch sử các trận đấu quốc tế của tuyển Việt Nam được tổ chức tại Hải Phòng hay Nam Định càng thôi thúc người hâm mộ địa phương nơi đây, họ nóng lòng muốn tận mắt chứng kiến và tiếp lửa cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Troussier.
“Thật sự tự hào khi Hải Phòng tổ chức một trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Trước đó, tôi thường phải lái xe lên Hà Nội để xem bóng đá. Nhưng khi thành phố của mình đăng cai, tôi có thể cùng gia đình và bạn bè đến theo dõi, cổ vũ bóng đá”, anh Nguyễn Phong (một khán giả tại Hải Phòng) chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động.
“Bình thường, tôi sẽ cùng gia đình đi xe khoảng vài chục phút từ nội đô tới sân Mỹ Đình. Nhưng nay, cả nhà đi mất 2 tiếng đồng hồ mới tới Nam Định để xem đội tuyển Việt Nam thi đấu. Cảm giác cũng rất lạ. Coi như nhà tôi đi một chuyến du lịch. Nhưng thế mới thấy, người Nam Định yêu bóng đá và cuồng nhiệt thế nào, thậm chí là hơn một bộ phận khán giả ở Thủ đô”, một cổ động viên đến từ Hà Nội cho biết.
Những chùm bóng bay với sắc đỏ, vàng đan xen bay rợp trời sân Lạch Tray trước trận đấu giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc). Lá đại kỳ cờ đỏ sao vàng được tạo nên bởi 500 cổ động viên ở khán đài sân Thiên Trường. Người dân Hải Phòng và Nam Định tạo ra bầu không khí mà các đội khách cũng không giấu được sự thích thú.
Định giá đội tuyển là câu chuyện được nhắc đến nhiều lần. Nhưng “nâng giá trị” đội tuyển lại là một góc độ còn mới mẻ. Ở đây, sự lan toả của đội tuyển Việt Nam chính là yếu tố quan trọng nhất, đưa các ngôi sao về địa phương thi đấu là cách thức đơn giản nhất.
Với hàng triệu cổ động viên khó có điều kiện đến các thành phố lớn để xem bóng đá, đội tuyển Việt Nam đến nơi họ sinh sống là một dịp đặc biệt. Ở đó, ánh hào quang trở nên gần gũi và bình dị.
AN NGUYÊN