“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”: Chiến tranh chưa nguôi ngoai trên những phận người
Chiến tranh được tái hiện lại trên từng trang tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của tác giả Nguyễn Một qua cách kể chuyện dữ dội, gai góc, nhưng đôi khi lớp vỏ ngôn ngữ lại tỏ ra điềm nhiên, bình thản, như thể tất cả sự dữ dội đó chỉ đơn giản là sự thật.
Tác giả Nguyễn Một tiếp cận đề tài chiến tranh cho tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” theo cách riêng. Với tiểu thuyết, tác giả có quyền hư cấu, thêm thắt, dàn dựng nhân vật, sự kiện, tình tiết để từ đó gửi thông điệp về cuộc chiến.
Tác giả Nguyễn Một lại chọn cách kể giống như hồi kí, anh đặt tên nhân vật dựa theo nhiều nhân vật có thật, dễ gợi liên tưởng. Nguyễn Một cũng đưa vào tiểu thuyết nhiều trích dẫn thơ, văn, âm nhạc của các tác giả có thật trong giai đoạn cuộc chiến đang ở thời kì cam go nhất (1970-1975), để người đọc có cảm giác, họ đang đi theo hồi ức, truyện kể của một nhân vật có thật.
Nhân vật ấy đã chứng kiến tất cả, đã dõi theo tất cả và bây giờ ngồi ghi chép lại cho “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”. Đọc tiểu thuyết giống như được xem lại những thước phim về một thời máu lửa, ở đó, thân phận con người bị chiến tranh làm cho chia cắt, làm cho vùi dập, làm cho tan nát, làm cho bi kịch.
Sơn – nhân vật chính của tiểu thuyết – được đặt tên một cách có chủ ý. Cuộc đời Sơn có nhiều biến cố trùng lắp, gợi nhắc đến một nhân vật có thật. Sơn có tình yêu với một nữ sinh “đẹp như Đức Mẹ” tên Diễm. Mối tình của họ được miêu tả nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng thấm đẫm cảm xúc như bản thánh ca trong những buổi lễ trong giáo đường nhà thờ.
Tình yêu của họ vừa chớm nở đã bị chiến tranh chia cắt, Sơn bỏ chạy khỏi nhà Diễm để lưu lạc trên hành trình trốn lính. Cuộc đời của Sơn, của Diễm, của những người bạn cùng trang lứa như Hoàng, như Trang… đều phải bước vào cơn lốc xoay vần của thời cuộc. Mỗi người có lựa chọn riêng, mỗi lựa chọn đều cuốn họ vào muôn trùng đau khổ của phiêu bạt, của giằng xé, của những đấu tranh lí tưởng khi cuộc chiến diễn ra khốc liệt.
“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” với ma trận ngôn ngữ của mình đã bày binh bố trận với rất nhiều tuyến nhân vật, ở rất nhiều phía khác nhau trong cuộc chiến. Các tuyến nhân vật đan xen, bổ trợ cho nhau, để kể những câu chuyện khác nhau về thân phận con người ở cả phe ta và phe địch.
Bằng ngôn ngữ gai góc nhưng tự nhiên, dữ dội nhưng điềm đạm, tác giả Nguyễn Một đã tái hiện lại chân thực về cuộc chiến ở giai đoạn thảm khốc, “Tin tức chiến sự dồn dập, đạn nổ pháo bay khắp nơi từ nông thôn đến thành thị. Những quả phụ trẻ khăn tang trắng vẫn bồng con nhỏ đi lãnh tiền tử tuất, những thương phế binh chiều chiều vẫn chống nạng đến quán rượu của bà Mười trước cổng nhà ga để uống rượu, bình luận về cuộc chiến và… chửi thề” – (trích dẫn).
“Hàng trăm quả đạn pháo từ hướng Bưng Mua rót vào sân bay quân sự nằm ở bên lở của dòng sông. Khi pháo kích kết thúc, cả thị xã Thủ Biên chìm trong tiếng khóc than, chìm trong tiếng tụng kinh, chìm trong mùi nhang khói, mùi khét lẹt của những xác người trúng đạn pháo tạo nên thứ mùi khủng khiếp của chiến tranh mà bất kì ai chưa từng trải qua sẽ không thể, mãi mãi không thể hình dung được…” (trích dẫn).
Giữa bối cảnh cuộc chiến tàn khốc, súng đạn vây bủa từ muôn hướng, ranh giới giữa sự sống – cái chết chỉ cách nhau gang tấc, những phận người theo đó cũng bị trôi dạt, xô đẩy, vùi dập, lầm than.
Nguyễn Thị Trang sau khi bố mẹ qua đời sau một trận đạn pháo, người yêu tử trận đã quyết định chôn vùi thanh xuân trong rượu và ma túy ở vũ trường, biến thành vũ nữ Đài Trang khét tiếng.
Diễm lưu lạc trong tình yêu vô vọng với Sơn và trôi dạt trong những biến cố gia đình giữa thời đạn loạn lạc.
Sơn mất phương hướng, tuyệt vọng giữa lí tưởng, tình yêu đất nước và sự vô nghĩa của chiến tranh.
Tất cả họ, trôi dạt trong số phận, trôi dạt trong thời cuộc đầy biến động, trôi dạt trong cuộc chiến vô nghĩa, vô định.
Ngòi bút của tác giả mô tả cuộc chiến theo hướng tả chân của thể loại hồi kí, nhưng hé lộ sự nhân văn khi để cánh cửa số phận mở ra đường sống cho nhiều nhân vật.
Để họ được nuôi hi vọng, được sống, được yêu, được tìm lại sự nhân bản trong chính con người mình – khi cuộc chiến ngừng tiếng súng.
HÀO HOA/laodong.vn