Siết dịch vụ karaoke, vũ trường… không phải để đóng cửa
Ngày 15.6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì Hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở, gồm “Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19.6.2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường” và “Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 của Chính phủ quy định về công tác quản lí và tổ chức lễ hội”.
Một số quy định PCCC khó thực hiện
Phát biểu tại Hội nghị, bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, nhấn mạnh: “Dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là các hoạt động dịch vụ có điều kiện thì điều kiện đưa ra là để các doanh nghiệp làm được chứ không phải để đóng cửa. Thực trạng đưa ra đã nắm được, nên đề nghị các đại biểu, các tham luận tập trung vào các giải pháp, đặc biệt là giải pháp về karaoke, vũ trường”.
“Quản lí lễ hội cũng như dịch vụ karaoke, vũ trường là một lĩnh vực lớn, nếu chỉ nghiêng về việc gì đó thì sẽ khó khăn. Vì vậy, cần dự báo được tình hình, phân tích được các yếu tố tham gia vào sự kiện này ở tầm vĩ mô, để ứng xử, để quyết tâm, hiệp đồng, hiệp lực, giải quyết vấn đề” – đại biểu Vân Anh của Sở Văn hóa Hà Nội đưa ra quan điểm.
Với hoạt động karaoke, khó khăn được chỉ ra là nhiều cơ sở đã xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ gây nguy hiểm thiệt hại tính mạng người và tài sản để lại hậu quả rất đáng tiếc, vi phạm chủ yếu về các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Một số quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật về PCCC hiện hành khó thực hiện đối với các công trình hiện hữu.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke đều hình thành trước khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 147/2020/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực đã được cấp đầy đủ Giấy phép đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, trong đó có cả các điều kiện về PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Bên cạnh đó là các vấn đề như cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đúng quy định, địa phương còn lúng túng trong thực hiện một số vấn đề. Thực tế phát sinh chuyện cơ quan quản lí không thể xử lí vì nhà hàng có cả kinh doanh ăn uống và hát nhưng… không tính tiền hát.
Với hoạt động lễ hội, khó khăn bao gồm việc giảm quy mô, phạm vi hoạt động do những ảnh hưởng của COVID-19 trong 3 năm (2020-2022); Những vấn đề tồn tại trong chính các lễ hội như các hoạt động biến tướng, trục lợi, gây phản cảm, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, mất an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…
Thực trạng tại một số di tích, công tác chỉ đạo, định hướng của cấp ủy Đảng, chính quyền, chưa sát sao, công tác thanh tra, kiểm tra ở một số địa phương chưa thường xuyên cũng là những khó khăn khác.
Đối xử công bằng với dịch vụ karaoke, vũ trường
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh: “Cần hiểu rõ hơn, nhận thức đầy đủ hơn về phạm vi, trách nhiệm quản lí nhà nước của ngành VHTTDL đối với loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, cũng như quản lí nhà nước về lễ hội. Phải xác định, nhận thức vị trí, vai trò của ngành VHTTDL đối với việc quản lí 2 loại hình kinh doanh có điều kiện.
Và như chúng ta đã xác định coi văn hóa là một trong những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển thì dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường cũng như lễ hội cũng là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Vì vậy, phải có nhận thức và đối xử công bằng với loại hình này, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân, tổ chức, cá nhân tham gia.
Với những khó khăn vướng mắc đã nêu, ngoài những quy định tới đây Bộ VHTTDL sẽ phối hợp các Bộ, ngành chức năng để tham mưu, chỉnh sửa theo quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền để bổ sung”.